Chà đạp lên lẽ phải, chà đạp lên người khác, thì sao có thể gọi là “không hèn”?

Chà đạp lên lẽ phải, chà đạp lên người khác, thì sao có thể gọi là “không hèn”?

Hôm qua, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đăng tải bài thơ “Sống không hèn”, viết ca ngợi Dương Tự Trọng giữa lúc dư luận cả nước đang nín thở trước tính mạng Nguyễn Văn Chưởng ngàn cân treo sợi tóc.

1 Cha Dap Len Le Phai Cha Dap Len Nguoi Khac Thi Sao Co The Goi La Khong Hen

Không bàn về động cơ của ông, vì thực ra ai cũng có quyền tin và yêu theo cách của riêng mình, nhưng tôi vẫn cố đọc để hiểu nội dung của cái gọi là “không hèn” mà nhà báo - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã dành cho một nhân vật đã đóng vai trò chủ chốt trong số phận bi thương của Chưởng.

Ông viết: “Sau tám năm hoạn nạn/ Sống không hèn/ Giờ Trọng trở về chăm sóc mẹ già”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến gọi việc Dương Tự Trọng, lúc đó là PGĐ Công an Hải Phòng, tổ chức cho anh trai mình là Dương Chí Dũng bỏ trốn rồi bị kết án 8 năm tù là “hoạn nạn”.

Nên nhớ, Dương Chí Dũng là một nhân vật phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án Vinalines mà sau đó đã bị tuyên tử hình, vì đã mua ụ nổi là “đống sắt sắt vụn” để được lại quả, gây thiệt hại cho tiền thuế dân đến 360 tỉ đồng.

Sử dụng quyền lực để vạch ra và thực hiện kế hoạch đưa một tội phạm đi trốn, đó là dung túng và tiếp tay cho cái ác, sao lại gọi là “hoạn nạn”? Phải là khốn nạn chứ?

Dung túng, bao che cho gia đình mình mà phản bội lại lợi ích quốc gia, phản bội lại nhân dân thì đó là kẻ ti tiểu, sao lại có thể nói là “sống không hèn”?

2 Cha Dap Len Le Phai Cha Dap Len Nguoi Khac Thi Sao Co The Goi La Khong Hen

Đọc tiếp để cố tìm cái “không hèn” ở Dương Tự Trọng mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ca ngợi.

Ông viết: “Nếu không có tình yêu/ Chúng ta còn có lý do gì/ Để sống không hèn”. À, thì ra cái “không hèn” ấy chính là “tình yêu”. Hãy xem Dương Tự Trọng yêu những gì. Đó là “tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình gia đình và bè bạn, tình yêu lứa đôi”. Đặc biệt, nhà thơ NVC nhấn mạnh: “Và dám yêu những người đàn bà”.

Tôi không tìm được mối liên hệ nào giữa “tình yêu” với cái “không hèn” cả.

Tình yêu có thể làm người ta trở nên cao thượng, nhưng cũng có khi chỉ khiến kẻ ấy trở nên đê hèn, nhất là khi đó là thứ tình yêu chỉ lo vun vén cho người nhà, cho tình nhân, cho phe nhóm.

Quan sát thế giới loài vật sẽ hiểu được cái gì là tình yêu nơi con người.

Yêu người cùng huyết thống đó là một thứ bản năng không cần dạy dỗ mà bất cứ loài vật nào cũng có, thậm chí mãnh liệt không thua kém loài người. Đó là cái do trời phú, là cái được thiên nhiên lập trình. Nó không xấu cũng không tốt, nó đơn giản chỉ là bản năng. Nhưng, để yêu được người dưng, yêu kẻ xa lạ, biết chăm sóc, lo lắng, bảo vệ cho những người không máu mủ ruột rà, đó mới là điều phải học. Và chính nó mới định danh con người trong bản đồ của muôn loài.

Chăm sóc con mình là lẽ tự nhiên, chăm sóc con người mới là bác ái. Yêu người nhà chỉ cần bản năng là đủ, yêu thiên hạ cần phải có lòng nhân ái.

Tôi không biết Dương Tự Trọng đã yêu những người khốn khổ như thế nào, mới chỉ được thấy ông yêu gia đình và phe nhóm của mình.

Lại nữa, yêu con người nói chung cũng chưa phải là điều gì quá ghê gớm, vì loài vật cũng có tình đồng loại. Ai yêu được người dưng đã là điều đáng quý, nhưng yêu được sự thật, công lý, và yêu được lẽ phải, đó mới là người cao thượng.

Yêu sự thật sẽ không bao che, yêu công lý sẽ không dung túng, yêu lẽ phải sẽ không hại người.

Chỉ có tình yêu ấy mới mang lại công bằng và hạnh phúc cho mọi người; bằng không, họ sẽ vì người này mà hại kẻ khác, vì một người mà hại muôn người. Không yêu được Lẽ Phải thì thực ra mọi thứ “tình yêu” mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ca ngợi chỉ là thứ luyến ái có điều kiện: lợi ích cá nhân.

Khi người ta chỉ yêu những gì có lợi cho mình mà sẵn sàng chà đạp lên lẽ phải, chà đạp lên người khác, thì sao có thể gọi là “không hèn”?

Yêu cốt nhục là bản năng, yêu đồng loại là nhân tính, yêu lẽ phải là người đại dũng. Không có hai cái tình yêu sau cùng, sao có thể gọi là “không hèn”?

Tôi mong nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, bằng “tình yêu bạn bè” của mình với Dương Tự Trọng, hãy đánh thức trong ông ấy tình yêu con người và lẽ phải, thôi thúc ông ấy lên tiếng nói ra sự thật, để thật sự trở nên “không hèn”, mà tự cứu chuộc chính mình và đồng loại đang trong cơn hiểm nạn.

Nhà giáo Thái Hạo


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan