Một trong hai người phụ nữ đeo đầy trang sức trên người, quần áo lộng lẫy, túi xách hàng hiệu chói mắt. Cô này vừa ăn vừa thao thao bất tuyệt, kể lể với gia đình ngồi đối diện về chuyến du lịch châu Âu vừa rồi của mình đã thu hoạch được gì, mua bao nhiêu đồ xa xỉ, thử bao nhiêu món ngon, biểu cảm của người phụ nữ đó có thể nói là cực kỳ khoa trương.
Người đàn ông bên cạnh cũng có vẻ đắc ý, giả vờ chê vợ nhà quê, còn mình thì lại huênh hoang nói: “Em muốn đi nước nào trên thế giới cũng được, dù sao nhà chúng ta có tiền mà.”
Lúc này bé trai ngồi giữa họ cứ không chịu ăn đột nhiên hứng chí, dùng cái nĩa nhỏ đảo loạn xạ trái cây trong đĩa, miệng không ngừng hét lớn: “Nhà chúng ta có tiền!”
Còn đôi vợ chồng ngồi ở phía đối diện từ đầu đến cuối không có cơ hội mở lời, đôi lúc chỉ ừ hử đáp lại bằng sắc mặt kỳ lạ.
Đến khi họ đắc ý nói xong, người phụ nữ đối diện mới không nhịn được chua xót nói: “Thật là ngưỡng mộ hai người, chẳng giống nhà chúng tôi, thật sự là sắp không sống nổi nữa.”
Người đàn ông nghe vợ nói xong, anh này tỏ ra ngày càng ngại, lập tức tranh luận. Khi thấy sắc mặt của hai vợ chồng này ngày càng xấu đi, sắp thành tranh cãi đến nơi, hai vợ chồng khoe khoang kia vội vàng lên tiếng khuyên. Nhưng không khí của bữa ăn này vẫn bị hỏng hết cả rồi.
Điều đáng buồn là giữa hai vợ chồng đang cãi vã còn có một cô bé, bé gái cụp mắt, tỏ ra rất lạc lõng, cô bé nhìn hai người lớn, không nói câu nào, chỉ lặng lẽ ăn gà chiên trước mặt.
(Ảnh minh họa/Internet)
“Nhà chúng ta có tiền mà!”
Hẳn rất nhiều người không lạ gì với câu nói này, bởi vì xung quanh chúng ta sẽ luôn tồn tại vài người nhiều tiền mà thô thiển. Lần đầu tiên nghe thấy câu nói này là lúc tôi 16 tuổi, khi đó tôi học lớp 10 tại một trường trung học nội trú tốt nhất huyện.
Khi đó trong lớp có một bạn nữ rất nổi tiếng, bởi vì lúc khai giảng, người bố kinh doanh mỏ than của bạn ấy đeo dây chuyền vàng, lái siêu xe đưa bạn ấy đến trường, thái độ khoa trương của họ rất gây chú ý, ngay cả bác bảo vệ cũng tỏ ra nhiệt tình khác thường với họ.
Cô bạn này nhanh chóng kết được một nhóm bạn, bởi vì cô ấy có nhiều tiền, nếu có quan hệ tốt với cô ấy thì có thể được ăn cơm ké miễn phí, được quà đắt tiền.
Nhưng cô bạn này cũng rất ngang ngược, thường hay bắt nạt các bạn nữ. Có lần cô ấy mượn bài tập của bạn cùng bàn tôi, bạn này không cho mượn, cô ấy bèn tức giận mắng chửi, những lời nói ấy thật sự khiến người ta không dám tin là được thốt ra từ miệng của một cô bé 16 tuổi.
Tôi tức lắm nên cãi thay bạn cùng bàn vài câu, ai ngờ cô ấy lại còn muốn dùng hộp bút đập vào đầu chúng tôi và lớn tiếng hét: “Tao sẽ gọi xã hội đen giết chúng mày, bố tao nói rồi, nhà chúng tao có tiền!”
Khi đó tôi còn nhỏ, lại là lần đầu tiên rời xa bố mẹ để ở nội trú, vì vậy chúng tôi đều rất sợ hãi, bèn cầu cứu giáo viên, nhưng giáo viên còn chưa điều tra thì nhà trường đã đuổi học cô bạn đó rồi, bởi vì cô ta thích một anh lớp 12 rồi bảo người đánh tình địch bị thương nặng.
Được biết, ngày mà cô ta rời khỏi trường, cả nhà điều động cả mấy chiếc siêu xe đến để đón, tỏ vẻ thị uy với nhà trường.
Bây giờ nghĩ kỹ lại thì thật ra đó là vụ bạo lực học đường điển hình, nữ chính là một cô bé 16 tuổi đang trong thời kỳ nổi loạn.
Nhưng nếu xét về nguyên nhân thì người phải chịu trách nhiệm không ai khác ngoài bố mẹ của cô bạn ấy. Bởi vì một đứa trẻ 16 tuổi, trông có vẻ như hiểu chuyện nhưng thật ra thì vẫn chưa trưởng thành, từng lời nói hành động đều mang hình dáng của bố mẹ.
Chắc hẳn gia đình của bạn ấy bình thường cũng sống dương dương tự đắc vì là “người có tiền”, đi khắp nơi khoe khoang sự giàu có, sùng bái “tiền bạc vạn năng”. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, cô ấy đã bị khắc sâu tâm lý không sợ trời không sợ đất nên mới tùy hứng theo ý mình, thậm chí làm ra những việc hãm hại bạn học.
Các gia đình nhà giàu có ưu thế về mặt vật chất, nhưng lại biến ưu thế này thành bi kịch một đời của con trẻ.
Sau này nghe nói cô bạn bị trường đuổi học ấy không đi học nữa, mà lăn lộn trong công ty than của bố mình, nhưng vài năm trước việc kinh doanh đi vào ngõ cụt, cuộc sống và hôn nhân của cô ấy đều không hề như ý.
Con người ta ban đầu sinh ra ai cũng là một tờ giấy trắng, con trẻ là bản sao của bố mẹ. Trong nhà hàng Tây nọ, bố mẹ vô ý nói “Nhà chúng ta có tiền”, đứa trẻ liền vô tình ngây ngô tạo thành tâm lý ngang ngược, bố mẹ hồ đồ lại nghĩ đó là lời của trẻ con chẳng sao, nhưng người hiểu chuyện thì sẽ tự giác cau mày.
Nhưng bạn nghĩ rằng chỉ có bố mẹ khoe giàu mới sai sao? Theo tôi thì những bậc phụ huynh than nghèo cũng là liều thuốc độc đối với con.
So với đôi vợ chồng khoe giàu, người phụ nữ khóc than cho cái nghèo kia cả người toát ra cảm giác thất bại, trên mặt viết đầy những sự tức giận với cuộc sống và chê bai dành cho chồng, cô ấy không biết rằng lời mà mình buột miệng nói ra lọt vào tai con trẻ sẽ là sự tuyệt vọng lạnh lẽo nhất trên thế gian.
Từ cách ăn mặc của họ, không hề có vẻ gì là “không sống nổi” cả, có lẽ họ không giàu, có lẽ họ có nỗi khổ riêng, nhưng trước mặt con cái, họ vô tình hữu ý tỏ ra mình nghèo khó, bất mãn, không vui, người cuối cùng bị tổn thương sâu sắc nhất chỉ có thể là đứa trẻ thôi.
Một gia đình thích khoe giàu dễ tạo nên một đứa bé tùy tiện, ngang ngược, còn những bậc phụ huynh than nghèo sẽ luôn tạo nên sự nhạy cảm, tự ti cho con trẻ.
Trong bộ phim “Hoan Lạc Tụng”, mẹ của Phàn Thắng Mỹ là mẫu người thích than nghèo điển hình. Bà ấy quen than nghèo với tất cả người thân bạn bè, quen chiếm lấy lợi ích nhỏ nhặt và oán thán, vì vậy sau khi lớn lên, tuy Phàn Thắng Mỹ trời sinh xinh đẹp, nhưng tính cách lại tự ti, nhạy cảm, không hề có cảm giác an toàn.
Điều đáng thương hơn là sau khi cô ấy đến thành phố và có khả năng kiếm tiền nuôi gia đình thì bà mẹ lại hướng mũi dùi vào cô ấy, không ngừng than khóc “không sống nổi nữa”, cứ đòi tiền, cuối cùng ép cô ấy trở thành người phụ nữ tự ti nhỏ bé nhất, bất lực nhất ở thành thị.
(Ảnh minh họa/shutterstock.com)
Trong cuộc sống, có rất nhiều những bậc phụ huynh thích khoe giàu, còn những người mãi than nghèo thì lại càng vô vàn.
Khi trò chuyện cùng người khác, họ sẽ nói: “Tôi nghèo sắp chết rồi, các người mạnh hơn tôi”; các con phải đi học, họ sẽ nói: “Học làm cái gì, cơm còn chả có mà ăn nữa rồi”; khi cãi nhau với vợ/chồng, họ lại nói: “Sống cùng bà/ông, sau này sẽ chẳng có ngày nào tốt đẹp nữa.”
Sự thật thì nào có nghiêm trọng đến thế, chẳng qua là tự bố mẹ có suy nghĩ đó thôi. Nhưng cứ dốc lòng dốc sức biểu diễn những màn than nghèo như vậy để làm gì chứ?
Cuộc sống không có cái gì từ trên trời rơi xuống, nhưng tính cách của con trẻ thì đã bị méo mó rồi, cuộc sống hạnh phúc bị cắt đứt rồi, vốn dĩ trẻ sẽ có một tương lai tốt đẹp, nhưng cũng đã bị phủ lấp bằng sự ám ảnh xám xịt rồi.
Gia đình giàu có cần phải cẩn trọng mới là đúng đắn, gia đình nghèo càng cần đúng mực, giữ một tư tưởng tươi sáng, người xưa thường nói “nghèo không cắm rễ, giàu không truyền ngàn đời”, chỉ những gia đình tích đức thì mới tạo phúc cho đời sau.
“Tình yêu của bố mẹ là lo cho tương lai của con”, là cha mẹ, ngoài trách nhiệm ra, chúng ta càng cần phải trí tuệ.
Mà những bậc phụ huynh thật sự khôn ngoan sẽ không khoe giàu, cũng không than nghèo.
Theo Aboluowang
Ngọc Trúc biên dịch
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC