Nữ giáo viên bị học sinh xúc phạm, dồn vào góc tường. Ảnh: Cắt từ clip
Không thể nào tin nổi và sau đó là sự phẫn nộ, thất vọng đến cùng cực. Đó là cảm giác chung của rất nhiều người khi xem clip ghi lại cảnh 1 giáo viên của Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang bị nhiều nam học sinh đang học lớp 7 của mình dồn vào góc tường, liên tục chửi bới,xung quanh là những tiếng hò reo, kích động của các học sinh khác.
Thậm chí, nhóm học sinh trên còn lấy dép ném vào cô giáo này. Chưa dừng lại ở đó, một số học sinh còn nằm lăn ra đất để "vu oan" cho giáo viên.
Đáng nói là trước những lời lẽ thách thức, chửi bới của học sinh, nữ giáo viên chỉ biết đứng im và dùng điện thoại ghi lại cảnh này.
Đáng nói nữa là những vụ học sinh, từ THCS, THPT cho đến sinh viên các trường đại học lăng mạ, chửi bới, thậm chí cả hành hung thầy cô giáo của mình như thế này không phải là lần đầu và đã kéo dài từ rất lâu rồi.
Những chỉ đạo nóng, khẩn như của Bộ GDĐT, UBND tỉnh Tuyên Quang hay những người đứng đầu các cơ sở giáo dục địa phương, kèm theo đó là những lời hứa, sự quyết tâm ngăn chặn… cũng không phải là lần đầu tiên.
Tuy nhiên, những vụ học sinh hành hung, xúc phạm giáo viên nói riêng và bạo lực học đường nói chung vẫn ngày càng tăng về số vụ, quy mô cũng như mở rộng không gian ra cả bên ngoài cổng trường như thừa nhận mới đây của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn.
Và những hình ảnh này, dù với lý do gì, ai đúng ai sai thì cũng thêm lần nữa là chỉ dấu cho thấy đó là một sự thất bại của giáo dục.
Nó còn là chỉ dấu cho thấy sự bất lực trong giáo dục, được minh họa sinh động bằng hình ảnh chỉ biết đứng im và dùng điện thoại ghi lại cảnh học sinh đang lăng mạ, chửi bới mình để làm bằng chứng.
Nó làm tăng thêm sự hoài nghi của người dân về một triết lý giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” được đánh giá là dân chủ.
Đây là triết lý từng được GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới quyết tâm “lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được” hồi cách đây 3 năm.
Đó còn là sự thất bại của chính việc giáo dục trong từng gia đình cũng như những “tấm gương” soi chiếu của xã hội chung quanh. Bởi con người, hư hay nên người thì luôn là kết quả tổng hòa của các mối quan hệ.
Sau cùng thì câu hỏi đặt ra là điều gì đang xảy ra với hệ thống giáo dục? Và vì sao môi trường giáo dục của chúng ta lại đã, đang và nhiều khả năng là sẽ còn tái diễn những “hoạt cảnh” có tính “chợ búa”, rất phản giáo dục, phản truyền thống tôn sư trọng đạo, lại bắt đầu cả với những đứa trẻ mới chỉ học lớp 7 như thế này?
Nếu những đứa trẻ - học sinh trong clip là con cháu của chúng ta, thì chúng ta sẽ nghĩ gì, làm gì, phản ứng như thế nào?
Ai sẽ là người ngăn chặn vấn nạn này và ngăn chặn như thế nào, thời điểm nào thì được ngăn chặn?
Đó là những câu hỏi trước mắt không thể có câu trả lời!
Nguồn: Báo Lao động
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC