Tốt bụng là một đức tính mà ai ai cũng được dạy từ nhỏ, tuy nhiên đến khi lớn lên trải đời và ngộ ra nhiều thứ, không ít người đã nhận ra rằng:
Ví dụ đơn giản lắm, khi góp tiền cho một tổ chức từ thiện dỏm, số tiền ấy chẳng đến nơi cần đến như mình nghĩ mà lại được rót vào túi kẻ tiểu nhân. Cuối cùng, người cần giúp thì cứ mãi khổ, kẻ xấu xa thì cứ mãi giàu và chúng ta thì bị mất tiền oan.
Hay như việc ra sân bay, có người bảo mình cầm hộ cái túi qua cửa kiểm soát (vì họ bảo rằng họ bị quá cân hành lý xách tay mà), mình vui vẻ chấp nhận. Cuối cùng bản thân lại bị cảnh sát ập tới bắt bởi trong cái túi kia chứa đầy ma túy.
Đấy, thế mới thấy có những việc mình nghĩ vậy nhưng thật ra nó lại không như vậy, tốt bụng không đúng nơi, đúng người chỉ chuốc thiệt vào thân chẳng biết đường nào mà lần. Và ngoài các ví dụ cụ thể bên trên, trong cuộc sống hàng ngày, có 3 việc phổ biến hay được nhờ vả mà chúng ta tuyệt đối không nên giúp:
Việc không nguy cấp
Nếu cái tâm chúng ta tốt bụng, chúng ta thường không từ chối bất kỳ lời đề nghị giúp đỡ nào cả, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc nặng đến việc nhẹ,...
Thế nhưng, có những việc tuyệt đối không được gật đầu bất kể cho đối phương có thân thiết với mình thế nào đi chăng nữa, việc không nguy cấp là một trong số đó. Nếu nhận giúp việc này, chúng ta đang tự hại chính bạn bè của mình.
Hãy tự hỏi bản thân mà xem, “có những việc không cấp bách và hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn/đồng nghiệp, tại sao bạn/đồng nghiệp lại cứ thích đi nhờ vả mình?”.
Thật ra chúng ta giúp cũng được thôi, nhưng cái giá phải trả là khiến họ dần dần hình thành tâm lý ỷ lại và chúng ta trở thành một kẻ “bao đồng” để họ thoải mái nhờ vả mọi lúc mọi nơi. Chúng ta cam chịu để bạn bè/đồng nghiệp lợi dụng lòng tốt như vậy sao?
Việc vượt quá khả năng
Mỗi ngày, từ cuộc sống đời thường cho đến môi trường công sở, chúng ta không hiếm khi được bạn bè đồng nghiệp nhờ vả chuyện này chuyện kia.
Tuy nhiên, trước khi gật đầu chấp nhận, chúng ta phải dò xét xem việc kia cụ thể là việc gì và đo xem khả năng của bản thân có thể giải quyết được hay không?
Nếu cảm thấy việc nằm ngoài khả năng, tuyệt đối không được nhận. Cổ nhân có câu “sức hèn chớ vác việc nặng”, tốt bụng, nhiệt tình đảm nhận một việc ngoài tầm chẳng khác nào tự làm khó chính mình. Khi làm không được còn trở thành kẻ bội tín, bị mọi người xung quanh trách móc. Như vậy có đáng không?
Chuyện tình cảm riêng tư
Những lời khuyên mà chúng ta hay đưa ra nhất mỗi ngày đa phần đều xoay quanh chuyện tình cảm. Ấy vậy mà các bạn đã biết hay chưa, duyên phận là chuyện do trời định, tình yêu hôn nhân là chuyện riêng tư giữa người với người, trong khi đó bản thân chúng ta chỉ là một kẻ ngoài cuộc, không thể nào biết và hiểu hết.
Do đó, dù đồng nghiệp hay bạn bè xung quanh có đau khổ vì chuyện tình cảm, hay muốn chúng ta cho lời khuyên "có nên yêu anh chàng này?", "có nên tán tỉnh cô bạn kia hay không?", chúng ta cũng không nên nhảy vào cho lời khuyên, kẻo sau này có chuyện gì bản thân mình lại bị vấn tội.
Thay vào đó, hãy an ủi hoặc từ chối khéo. Con tim tình cảm vốn không phải là việc có thể dễ dàng được giải quyết bằng lý tính hay cảm tính của kẻ ngoài cuộc.
Nguồn: Báo GIÁO DỤC và THỜI ĐẠI
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC