Tự ngàn xưa, hoa như phương tiện để bày tỏ tình cảm, tặng mừng, để tôn vinh, nhắn gửi. Hoa hồn nhiên, vô tư mở lòng đón nhận mọi tâm sự, giãi bày, hy vọng... Hoa là “món ăn” tinh thần không thể thiếu dịp Tết đến xuân về của nhiều người con đất Việt.
Thế nhưng, mấy năm gần đây chiều 30 Tết bỗng trở thành ngày thi hành “án tử” của những chậu hoa đang độ rực rỡ.
Đập bỏ hoa, cây cảnh trên phố là hành vi phá hoại nơi công cộng.
Cứ chiều 30 Tết là cảnh “đập chậu phá hoa” tái diễn, năm nào cũng như năm nào, chưa thấy khác. “Cuộc chiến” chưa có hồi kết giữa người mua và người bán có chiều hướng ngày càng tăng.
“Mọi người đừng kêu gọi mua hoa giúp nông dân nữa. Lái buôn không chứ người dân nào vào đây. Năm nào cũng kêu lỗ kể khổ, rồi năm nào cũng vẫn đi buôn chứ không bỏ”, đã có những ý kiến căng thẳng như vậy.
Thiết nghĩ là người kinh doanh, bán không được hàng thì cái sai đầu tiên thuộc về họ. Nếu người bán am hiểu thị trường thì sẽ không bao giờ phải đập hoa.
Hành động “trút giận” lên sản phẩm, đổ lỗi cho người mua chỉ thể hiện một điều là người kinh doanh không chế ngự được cảm xúc.
Người kinh doanh hiệu quả sẽ chấp nhận và thích ứng với sự thay đổi, kể cả thu được 1.000 đồng tiền vốn vẫn hơn là đập đi (thu hồi vốn bằng 0, thậm chí làm thiệt hại thêm chi phí và công sức thu dọn của đơn vị khác).
Ngoài ra, việc người mua ép giá được người bán cũng không phải lỗi do người mua mà chính là do người bán: Không tính toán được sức mua nên để cung lớn hơn cầu. Vậy chứng tỏ là người kinh doanh không hiểu khách hàng, không hiểu thị trường, yếu kém kỹ năng quản trị. Còn người mua cũng không vì năm nay người kinh doanh đập hoa mà năm sau sẽ trả giá cao hơn, cũng như sẽ mua sớm hơn.
Người bán nói: “Hoa của tôi, tôi bán rẻ hay đập hay phá hay nhổ hay đốt là quyền của tôi”.
Vậy người mua cũng có quyền cao giọng: “Tiền tôi kiếm được cũng vất vả như công sức trồng tỉa của bạn nên tôi cũng phải cân nhắc thời điểm để mua chứ. Bạn đi du lịch thì chờ hết mùa cao điểm cho rẻ. Bạn lên mạng săn vé máy bay 0 đồng. Bạn săn voucher giảm giá đi ăn đi chơi. Bạn săn deal mua đồ giá rẻ mà còn phải free ship... thì tự hào là "người tiêu dùng thông thái". Trong khi đó tôi chờ hàng giá rẻ mới mua thì bạn tại sao bạn lại không vui?”
Mà nói thẳng ra là loại hoa đã kém tươi, đằng nào không bán được cũng thành rác nên người ta mới đập thôi, chứ mấy gốc đào gốc mai hay cây bonsai... không bán được có thấy ai đập đâu.
Nhà tôi có gần 1.000 m2 đất vườn trồng hoa. Những bông hoa tươi thắm là kết quả của những đêm hè thức trắng, những giọt mồ hôi đẫm áo ngày đông. Bất chấp sương giá gió buốt, người trồng hoa như bố mẹ tôi ngụp lặn trong tê cóng giữa rừng hoa mảnh mai luôn phải gồng lên ứng phó với muôn bất chợt của thiên nhiên thất thường...
“Hoa đẹp là vui, là quên hết nhọc nhằn. Hoa chúng tôi trồng được mọi người nâng niu trân trọng tôn vinh là hạnh phúc lắm rồi…”, một người có thâm niên 30 năm trồng hoa nhẹ nhàng nói vậy.
Tôi chắc chắn, những người đang tâm bổ những nhát dao, gậy vào hoa là thương lái. Với họ, bài toán lợi nhuận là trên hết, và bởi hoa không phải “đứa con” họ tạo nên việc tước đi quyền làm đẹp cho đời của hoa không khiến tim họ nhỏ máu.
Tôi đã thấy người đàn ông “khô cứng” nhất nhà là bố mắt ầng ậng nước, người trong giấc mơ cũng nghĩ đến việc vụ hoa sau làm sao có hoa đúng dịp để bà con chơi tết - là mẹ tôi khóc nức nở khi xem cảnh hoa bị vùi dập vào chiều 30. Vậy, sao gắn hành động ác tâm kia cho người trồng hoa được?
Chỗ tôi người trồng hoa chiều 30 Tết, bán được bao nhiêu là bán luôn chứ ai mà đập bỏ kiểu đó. 5 nghìn họ cũng bán. Dù “của một đồng công một nén” thì họ vẫn nhận thua thiệt để những đóa hoa được khoe sắc làm đẹp cho đời. Những “con buôn”, đừng đòi “dạy cho người mua một bài học” nữa.
Dạy ai? Ai học? Ai cần học? Người cần học chính là người bán hoa chứ không phải người mua hoa trễ. Cần phạt nặng những người bán hoa đập bỏ hoa, tạo rác như vậy. Họ không thể biến hoa thành rác để tạo thêm gánh nặng cho công nhân vệ sinh. Gây mất vệ sinh môi trường, hành vi xấu xí nhưng lại tưởng mình là người hùng...
Hơn thế, đập bỏ hoa là hành vi phá hoại, hủy hoại tài sản ở nơi công cộng. Các hành động tương tự (như như đốt xe máy trên đường phố gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự...) vốn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Hơn thế, hoa là đại diện của văn hoá, đập bỏ hoa là hành động vô văn hóa.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
An Yên
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC