Khi hỏi bất kỳ cha mẹ nào về điều mà họ cầu mong cho các con, thì câu trả lời nhận được thường thấy là “hạnh phúc và thành công”.
Trong thế giới này có không ít những quan điểm, ý kiến về cách nuôi dạy một đứa trẻ trở nên hạnh phúc và thành công. Một quan điểm cho rằng “Mang đến cho các con nền giáo dục tốt”, một ý kiến khác thì đề xuất “vận dụng nhiều các hoạt động ngoại khóa”, trong khi có ý kiến thứ 3 lại cho rằng “cần để cho các con độc lập, tự do”.
Có thể mỗi quan điểm này đều có chỗ đúng. Nhưng trong khi tìm kiếm phương pháp mới nhất, tốt nhất để nuôi dạy con cái thường, chúng ta thường bỏ sót những điều căn bản.
Tôi tìm thấy một số bài thực hành cơ bản ở trong một cuốn sách cũ dành cho trẻ em, có tựa đề “All-of-a-Kind Family” (Tạm dịch: Gia đình toàn năng) của tác giả Sydney Taylor. Câu chuyện hư cấu của Taylor dựa vào thời thơ ấu của cô, viết về một gia đình có năm cô con gái sống ở Thành phố New York trong thời đại Edwardian, cho thấy cách mẹ cô đã nuôi dạy các con gái trở thành những người trưởng thành thành công, hạnh phúc thông qua công việc nhà, sự kiên định và tình bạn.
Sáng tạo việc nhà
Mẹ của Taylor đã nói rõ rằng, các cô con gái không phải là Thiên Thần, và cũng phải chia sẻ về việc nhà. Các cô con gái phàn nàn về việc nhà, lau chùi phòng khách là điều đặc biệt đáng sợ đối với họ.
Sau một trận vật lộn đặc biệt khó khăn để quyết định ai là người đi dọn dẹp căn phòng đó, mẹ cô đã biến việc nhà thành trò chơi, bà giấu 12 cái cúc ở xung quanh phòng, tất nhiên là để ở những vị trí quan trọng để đảm bảo các cô con gái sẽ hoàn thành công việc. Hành động này đã tạo ra một vấn đề mới: Mọi cô gái đều khăng khăng rằng đến lượt mình được dọn dẹp căn phòng! Nhưng người phù hợp đã được chọn và vui vẻ đi đến phòng khách, cuối cùng tìm thấy tất cả 12 cái cúc và để lại một phòng khách sạch sẽ tinh tươm.
Các bậc cha mẹ ngày nay biết con cái phàn nàn về việc nhà như thế nào, đó có thể là một lý do tại sao một cuộc thăm dò của Braun Research cho thấy, chỉ có 28% cha mẹ yêu cầu con cái họ làm việc nhà. Nhưng theo một nghiên cứu từ trường Đại học Harvard, làm việc nhà sẽ giúp cho việc hình thành tính cách vui vẻ, độc lập khi trưởng thành. Do đó, việc giấu những cái cúc để cổ vũ con gái làm việc nhà, như người mẹ trong “All-of-a-Kind Family” đã làm, dường như càng cần thiết hơn.
Vì vậy, hãy sáng tạo và thỉnh thoảng biến việc nhà thành niềm vui! Khi cho con làm công việc nào đó, hãy đặt đồng hồ bấm giờ để các con chạy đua với thời gian. Thỉnh thoảng tặng phần thưởng cho bé nào thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc thậm chí thử một ý tưởng, mẹ giấu đồ vật để con đi tìm trong quá trình hoàn thành công việc nhà chán ghét này.
Hãy sáng tạo và thỉnh thoảng biến việc nhà thành niềm vui! (Pexels)
Tuy nhiên, mẹo là phải có chiến lược đối với những trò chơi như vậy. Người mẹ cần phải “là một người mẹ khôn ngoan” và liên tục kết hợp mọi thứ. Sau tuần đầu tiên chơi trò lau bụi, các cô con gái vẫn không thể biết được khi nào những cái cúc sẽ xuất hiện tiếp, hay sẽ có bao nhiêu cái cúc, hay có phần thưởng đặc biệt nào không, chẳng hạn như một đồng xu được giấu, vì vậy họ luôn phải làm công việc quét bụi kỹ lưỡng.
Tác giả Taylor viết rằng: “Tiếng cằn nhằn không dừng lại hoàn toàn, nhưng nó không quá to hoặc quá thường xuyên. Và qua quá trình này, bọn trẻ được dạy để trở thành những người quản gia nhỏ tuổi giỏi nhất thế giới.”
Quy tắc rõ ràng và nhất quán
Làm theo những gì bạn nói là một trong những thành phần quan trọng nhất của việc nuôi dạy con cái thành công. Nghiên cứu từ Đại học Georgia giải thích rằng: Điều này giúp cha mẹ duy trì sự tỉnh táo vì tính nhất quán giúp trẻ an toàn về mặt cảm xúc, dẫn đến cảm xúc được điều chỉnh và hành vi tốt hơn. Đối với người mẹ, sự nhất quán như vậy đặc biệt cần thiết trên bàn ăn tối:
Quy định nghiêm khắc không được lãng phí thức ăn ở trong nhà của người mẹ đã được các cô con gái biến thành một bài hát: "Không súp; không thịt. Không thịt; không rau. Không rau; không quả. Không quả; không tiền".
Quy định này đã được thử nghiệm nghiêm túc vào một ngày, đó là khi bé thứ ba tên là Sarah quyết định không muốn ăn cháo. Cả bữa ăn trưa, cô bé nhởn nhơ với bát cháo đầy, viện các lý do mà bé không thể ăn, và thậm chị còn trở nên hỗn loạn, cuối cùng cô bé rời khỏi bàn ăn và trở lại trường học với cái bụng đói. Nhưng người đã rất kiên định. Ngày hôm đó, bữa ăn chiều vẫn là súp và bữa tối cũng vẫn là súp. Cuối cùng, cô bé buồn bã nuốt một muỗng súp đầy.
Trận chiến ý chí đó không chỉ khó khăn đối với Sarah. Tác giả nói với chúng tôi rằng “Mẹ cũng đau khổ không kém. Bà phải tiếp tục rèn luyện bản thân với quyết tâm vững chắc. Bà tự nhủ đừng quá lo lắng cho con bé. Cần đề cho cô bé học một bài học. Chỉ cần nó ăn một muỗng thôi cũng được. Thì tôi sẽ nhượng bộ.”
Mỗi bậc cha mẹ đều trải qua kiểu đấu tranh này vào một thời điểm nào đó. Đáng buồn thay, thật quá dễ dàng để chiều theo tiếng rên rỉ và nước mắt của một đứa trẻ, thậm chí làm ngược lại quy định ngay từ đầu. Nhưng những bậc cha mẹ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết chỉ ra ai là người quyết định, cho con cái biết những gì được mong đợi ở chúng và làm theo, sẽ thấy công việc của họ chỉ có thể trở nên dễ dàng hơn theo thời gian.
Tình bạn
Đôi khi người ta nói rằng một trong những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho một đứa trẻ là cho nó có anh chị em. Nghiên cứu xác nhận điều này, cho thấy rằng anh chị em ruột có thể mang lại cho nhau sức khỏe tinh thần tốt hơn và các mối quan hệ tốt hơn, tất nhiên, tùy thuộc vào mức độ tích cực của mối quan hệ anh chị em.
Các chị em gái trong “Gia đình toàn năng” (All-of-a-Kind Family) tuy rằng có những lúc cãi vã nhau nhưng chúng cũng nhanh chóng trở thành bạn. Một trong những cách người mẹ nuôi dưỡng tình bạn tích cực này là cho chúng đi ngủ sớm. Nhưng mẹ không bắt chúng nằm yên trên giường. Cả năm cô bé ở chung phòng, một số thậm chí còn ngủ chung giường, và được phép nói chuyện thoải mái với nhau, chia sẻ những câu chuyện và bí mật, sau đó củng cố mối quan hệ và lòng tin của chúng với nhau.
Chúng ta cần cho con cái mình những cơ hội tương tự, thứ nhất là cho chúng có anh chị em, và thứ hai là cho phép chúng có thời gian thoải mái bên nhau mà không có cha mẹ. Như một phần thưởng bổ sung, điều này cho phép cha mẹ dành nhiều thời gian cần thiết ở riêng với nhau, trò chuyện và xây dựng mối quan hệ của họ, điều này khiến cả cha mẹ và con cái đều hài lòng.
Cuối cùng, không phải những món đồ công nghệ mới nhất hay những cơ hội mở rộng hứa hẹn sẽ khiến con cái chúng ta hạnh phúc và thành công khi trưởng thành. Thay vào đó, chính là sự nhất quán của chúng ta trong việc đảm bảo rằng các con biết những điều cơ bản về trách nhiệm và được bao quanh bởi các mối quan hệ gia đình yêu thương.
Theo Annie Holmquist - The Epoch Times
Du Du biên dịch
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC