Đếm 'like' chấm điểm bài ngoại khóa: Đừng để sa đà

Đếm 'like' chấm điểm bài ngoại khóa: Đừng để sa đà

Hiện nay một số trường tổ chức các cuộc thi hoặc cho làm bài ngoại khóa tính điểm bằng cách đếm lượt like, share đăng trên mạng xã hội...

1 Dem Like Cham Diem Bai Ngoai Khoa Dung De Sa Da

Việc Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) “đếm” like trên Facebook, Zalo để chấm điểm bài làm học sinh gây ra nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh chụp màn hình

Đổi mới giáo dục đang được triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tinh thần của việc đổi mới là "học đi đôi với hành", kiến thức được lồng ghép trong các hoạt động thực hành, tạo nhiều hướng mở để học sinh phát triển năng lực và các kỹ năng trong quá trình học tập.

Các hoạt động ngoại khóa cũng là một phần bổ trợ, giúp học sinh có thể thư giãn sau những giờ học chính khóa, đồng thời khuyến khích các em khám phá và trải nghiệm thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, những người làm quản lý, giáo dục học sinh khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, rèn kỹ năng... cần lưu ý hai điều sau. Thứ nhất, các hoạt động ngoại khóa không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Thứ hai, mọi hoạt động của nhà trường đều phải phục vụ mục tiêu giáo dục và học tập.

Hiện nay việc sử dụng mạng xã hội có rất nhiều vấn đề "lợi bất cập hại". Rất khó kiểm soát việc dùng mạng xã hội của học sinh. Một số trường tổ chức các cuộc thi và đưa ra thể lệ tính điểm bằng cách đếm lượt like, share của bài viết đăng trên mạng xã hội. Điều này gây ra rất nhiều bất cập, thiếu khách quan, thiếu công bằng khi mà "thật - giả" đan xen.

Vậy đâu là cái "chuẩn" để thầy cô đánh giá? Đơn cử như cuộc thi nhảy Flashmob của trường tôi năm nào học sinh cũng than phiền về thể lệ và cách tính điểm lượt like, share. Một số nhóm gian lận trong việc tăng lượt like bằng nhiều thủ thuật, thậm chí cố tình hack trang của đội khác để đội đó bị loại. Dù ban tổ chức cuộc thi đưa ra nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể kiểm soát được việc này.

Đó chỉ là các cuộc chơi mà đã không thể công bằng huống chi là các dự án học tập của học sinh khi thầy cô yêu cầu đăng tải trên mạng xã hội. Tôi cho rằng việc thầy cô đưa ra tiêu chí chấm điểm sản phẩm dự án, bài thu hoạch... thông qua việc like, share bài đăng trên mạng xã hội là một điều không phù hợp.

Giáo dục lan tỏa những điều tích cực là việc làm hay, nhưng giáo dục đừng đi quá xa phạm vi giáo dục cho phép, nhất là để kiểm soát những tác động bên ngoài đang xâm chiếm môi trường giáo dục vẫn là bài toán nan giải. Ngay như việc sử dụng điện thoại di động của học sinh cũng đặt ra nhiều lo lắng cho phụ huynh và kể cả với nhà trường.

Xây dựng "Trường học hạnh phúc" là tạo một môi trường học tập thân thiện, cởi mở, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến một môi trường giáo dục lý tưởng khi mà thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Nhưng đừng chỉ chăm chăm vào việc làm thế nào cho học sinh được vui vẻ mà quên đi học sinh đến trường để làm gì.

Con trẻ là những cây non cần được uốn nắn thì mới mong sau này thành người tốt, người có ích cho xã hội. Học sinh cần có mục tiêu và động lực để phấn đấu trong học tập - đó là điều cần thiết và quan trọng nhất.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan