Bill Gates là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới trong nhiều năm qua là điều mà ai cũng biết nhưng không mấy người biết rằng ông chủ của Microsoft thường dành ra 1 tuần, 2 lần/năm để “đi trốn” đến một cabin gỗ nhỏ bí mật nằm ở đâu đó trong khu rừng tuyết tùng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Ông gọi đó là “Think Week” (Tạm dịch: Tuần lễ suy ngẫm).
Tỷ phú 63 tuổi sẽ đến đó bằng máy bay trực thăng hoặc thủy phi cơ (loại phi cơ có khả năng cất và hạ cánh trên mặt nước). Tại đó ông sẽ dành nguyên 1 tuần để đọc bài viết đưa ra cải tiến mới hoặc ý kiến liên quan đến các khoản đầu tư tiềm năng của nhân viên Microsoft.
Tỷ phú Bill Gates.
Theo Wall Street Journal, Bill Gates đọc rất nhiều tài liệu như vậy, thậm chí đôi khi ông thực hiện điều đó 18 giờ/ngày và thức đến tận sáng. Tỷ phú từng chia sẻ tại một hội nghị năm 2008 của công ty: “Tôi thường mang những chiếc hộp đựng tài liệu ra bãi biển và ngồi đọc chúng cả tuần liền, từ sáng đến đêm. Tôi sẽ viết nguệch ngoạc lên đó ý tưởng của mình”.
Chính những điều được thực hiện trong Think Week của Bill Gates đã giúp Microsoft tung ra Internet Explorer năm 1995. Trên thực tế, chiến lược này được vị tỷ phú bắt đầu áp dụng từ những năm 1980. Chuyến đi đầu tiên của ông là đến thăm bà ngoại còn sau này, khi Microsoft đã lớn mạnh và Bill Gates trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới, cabin gỗ trong rừng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn trong suốt thời gian làm việc của ông. Du khách không được phép tới gần khu vực này ngoài những người đến đây 2 lần/ngày để đưa thức ăn cho Bill Gates. Được biết đồ dùng trong cabin khá đơn giản và thường có những chai nước ngọt ăn kiêng.
Bill Gates thường dành 2 tuần/năm để “đi trốn”. (Ảnh minh họa)
Chủ tịch và CEO của công ty tư vấn The Productivity Pro, Laura Stack cho biết tuần lễ suy ngẫm của Bill Gates là một ý tưởng thông minh và bà rất muốn đề xuất cách tiếp cận này cho mọi người.
Laura chia sẻ: “Mỗi người đều nên có một ‘nơi thứ ba’ không phải là nhà hay chỗ làm, nơi họ có thời gian tập trung thực sự để suy nghĩ, sáng tạo và làm rõ hơn suy nghĩ chiến lược của mình. Sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều khi chúng ta có thể tạo ra một môi trường cho phép bản thân tập trung tối đa mà không bị gián đoạn bởi đồng nghiệp, gia đình, thú cưng và công nghệ. Khi đó, năng suất và chất lượng công việc của chúng ta sẽ được cải thiện đáng kể”.
Chuyên gia Ellen Faye cũng đồng tình với quan điểm trên: “Trong khi tập thể dục, tập yoga và thiền định là những phương pháp tốt giúp giải tỏa căng thẳng mỗi ngày thì việc tạm thời ngắt kết nối với thế giới xung quanh để tạo không gian cho những quyết định quan trọng và suy nghĩ sáng tạo là một điều vô cùng cần thiết.
Tôi coi nó như việc tắm táp kéo dài 1 tuần lễ. Có một thực tế là khi tắm, chúng ta có những thời điểm suy nghĩ đem lại hiệu quả. Tuy nhiên chúng chỉ là khoảnh khắc chớp nhoáng và chúng ta cần nhiều hơn thế. Đó là lý do bạn nên một mình ‘đi trốn’ trong một thời gian nhất định để có kết quả tốt hơn”.
Cả Laura và Ellen đều áp dụng phương pháp này trong sự nghiệp của họ. Laura cho biết: “Tôi thường đến ‘nơi thứ ba’ – một khách sạn địa phương yên tĩnh mỗi 3 tháng và dành 2 ngày ở đó để viết lách. Đến nay, tôi đã xuất bản 8 cuốn sách trong 14 năm nhờ phương pháp này”.
Theo Laura, ‘nơi thứ ba’ không nhất thiết phải là một địa điểm tuyệt đẹp hay ở quá xa. Đó có thể chỉ là một quán cà phê yên ắng, thư viện hay căn gác xép của bạn. Nếu không thể nghỉ vài ngày, bạn nên dành ra ít nhất 8 tiếng để thực hiện phương pháp trên để đạt hiệu quả.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC