Đừng để con trẻ kiệt sức vì 'bệnh sĩ' của cha mẹ

 Nhiều đứa trẻ sinh ra trên đời cứ như có sứ mệnh phải thực hiện ước mơ dang dở của thế hệ trước. Thế còn mong ước của chính các em? Ừ thì lại dành để đời con các em thực hiện.

Đừng để con trẻ kiệt sức vì bệnh sĩ của cha mẹ - 0

Minh họa: Bảo

Trên các đường phố đông đúc, trong con hẻm vắng, dọc quốc lộ, thậm chí rong ruổi trên những nẻo đường quê, những cô cậu học trò ngồi sau xe cha mẹ đội nắng đội mưa đi học thêm sau giờ tan trường. 

Không phải bồi dưỡng tiếng Anh hay luyện văn toán mà là học đàn, luyện thanh, vẽ, múa, kịch, bơi lội, bóng bàn, dancesport, biểu diễn trên sàn catwalk, làm MC nhí...

Có thể chia những đứa trẻ ấy thành 4 nhóm theo hình chóp nón, mà đỉnh là tài năng, rồi đến năng khiếu, rồi đến ham thích và cuối cùng là "nghĩa vụ".

Những "hạt giống" được phát hiện sớm và có sự đầu tư của gia đình, cùng với công khổ luyện của các em, nhiều tài năng đã vụt sáng làm rạng danh cho đấng sinh thành, cho gia đình, cho quê hương. 

Nào "kình ngư" Ánh Viên giành 3 huy chương vàng ở Thế vận hội Olympic, nào "chim công làng múa" Linh Nga bước ra từ nhóm "Những ngôi sao nhỏ", nào lứa ca sĩ xuất thân từ Nhà Thiếu nhi TP, những nhà văn trẻ trưởng thành từ bút nhóm Vòm Me Xanh...

Vận động viên wushu Hà Nội Dương Thúy Vi từng chia sẻ:

"Đằng sau tấm huy chương là những chấn thương, là việc từ nhỏ đã xa gia đình đi tập luyện. Nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả là ao ước được đứng lên bục cao nhất, muốn thấy quốc kỳ kéo lên, bài hát quốc ca vang lên... Màu cờ, sắc áo và niềm tự hào dân tộc là động lực để vượt qua tất cả".

Họ đều là những viên "quặng thô" được trui rèn từ những "lò luyện thép" để trở nên những hợp kim sáng bóng, không han gỉ, không dễ bị bẻ gãy hay uốn cong. Phải chăng nhìn vào những tấm gương ấy, các bậc phụ huynh đều muốn con mình hướng theo?

Gieo vãi đại trà, thu hoạch tùy nhà

Các bậc cha mẹ nhận thấy sở trường của con mình và đầu tư cho con như nhà nông gieo vãi đại trà trên diện rộng. Môn năng khiếu giúp các em hoàn thiện cả về thể chất, tri thức và tâm hồn, gia tăng tính tích cực, sự tự tin, niềm tự hào và thúc đẩy lòng tự trọng.

Các em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin, hợp tác và nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, có cơ hội tỏa sáng trong những hoạt động ngoại khóa của trường và thu về danh hiệu cùng những tấm bằng khen.

"Có công mài sắt có ngày nên kim", những giờ "học mà chơi" này giúp khá nhiều em sau này khi vào đời:

• Thành những nghệ sĩ, vận động viên "thường thường bậc trung" đủ để nuôi thân, lo cho gia đình, con cái.

• Thành một "nghề tay trái", nhiều bà mẹ trẻ tạm ngừng theo đuổi sự nghiệp ở nhà nuôi con, nhiều "ông nội trợ" đã kiếm thu nhập từ việc làm bánh, cắm hoa, dạy kèm nhờ những vốn liếng đã tích cóp được hồi cha mẹ cho đi học... năng khiếu!

Ham thích của con, chiều theo cách nào?

Nhiều trẻ thích một môn nào đấy vì hiếu kỳ, vì học theo thần tượng, vì các bạn thân trong nhóm đang học nên không muốn bị "lạc bầy", vì trào lưu... mà chưa chắc đã có năng khiếu.

Cha mẹ thông thái sẽ chẳng dại đầu tư mạnh vào những thú vui nhất thời ấy của con, chẳng hạn chỉ mua cho con cái harmonica để thổi, hoặc cây guitar để tập gảy, thay vì rinh về hẳn một cây piano; cho con đánh cầu lông ở sân chung cư chứ không đăng ký tham gia tennis ở CLB, cho con đến nhà văn hóa thiếu nhi học hát chứ không thuê thầy về nhà dạy riêng...

Trẻ được "chơi" với ham thích của mình mà không cần đặt ra mục tiêu phải "trở thành ai".

Đừng tưởng môn năng khiếu chiếm mất thời giờ học ở trường, trái lại giúp học sinh rèn luyện được nhiều phẩm chất đáng quý: tập tô màu ít nhất giúp bé kiên nhẫn và khéo tay hơn; học nhạc buộc lưu ý từng "nốt hoa mỹ", "chấm mắt ngỗng" sẽ không bỏ qua những dấu hiệu nhỏ khi làm toán; tuần nào cũng đi bơi sẽ có sức dẻo dai trong những giờ đến trường và không ngủ gục; cờ tướng giúp cẩn thận cân nhắc và bớt "tăng động"...

Những môn nghệ thuật, thể thao như đôi cánh nâng tâm hồn các em, nếu không "bay bổng" lên được thì cũng bay... là là trên mặt đất chứ không bị sụp xuống hố khi gặp những bất trắc trên đường đời, không bị biến chất.

Thế nhưng, hiện nay nhiều phụ huynh chỉ muốn con làm theo ý mình, chỉ dựa trên suy nghĩ của mình mà không tôn trọng sở thích, đam mê của con.

Trẻ không thấy hứng thú trong quá trình học, thậm chí phải hoàn thành như một gánh nặng, một hình thức lao động khổ sai. Có em là nạn nhân "bệnh sĩ" của cha mẹ. Không ít cha mẹ lấy làm hãnh diện với thiên hạ vì "thành tích", "tài năng" của con.

Có em học năng khiếu để báo hiếu (con phải ráng học để làm mẹ khỏi mất mặt với bên nội, luyện cho giỏi để cha "ăn nói" với công ty, con thương cha mẹ thì ráng "cày" cho nhuyễn...).

Nhiều cha mẹ bắt con luyện "tài lẻ" như để "trả thù đời": đời cha mẹ vất vả thiếu thốn thèm học mà không có điều kiện thì đời con phải quyết tâm làm "nở mày nở mặt" gia đình!

Đời cha mẹ mặc cảm "thua chị kém em" thì đến lượt con chí ít phải bằng bạn bằng bè hoặc "hơn đứt con nhà người ta"! Thế là học năng khiếu đang từ động lực để con vươn tới những trải nghiệm phong phú về cuộc sống bỗng chốc trở thành áp lực đè nặng lên tuổi thơ. Cha mẹ lại tự tin tiếp tục chọn trường, chọn ngành, chọn người yêu cho con mình.

Vậy còn ước mơ của con?

Năng khiếu là khả năng thiên phú của trẻ về một lĩnh vực nghệ thuật nào đó hoặc khoa học kỹ thuật và thể thao. Khả năng này bao gồm sự ham thích đến say mê, kỹ năng thực hiện và quan trọng nhất là tính sáng tạo.

Không thể phát huy hay xây dựng được năng khiếu ở những trẻ... không có năng khiếu về môn đó, hoặc ít liên quan đến môn đó (con mê nhịp điệu nhưng không cho vào lớp học trống mà bắt học nhạc cụ dân tộc cho nó nền nã!). 

Những đứa con ngoan và vâng lời này đành gạt ham thích ước mơ của mình sang bên để thực hiện "nghĩa vụ" với cha mẹ. Và chúng lại tiếp tục mong mỏi đời con sẽ viết tiếp ước mơ của mình!

Mỗi một đứa trẻ là một con người độc nhất vô nhị với nhân cách đang trưởng thành. Bạn đã bao giờ bắt một "người lạ" đi theo ước mơ của mình chưa, thế tại sao lại ép "một con người nhỏ" làm điều ấy?

Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku trong cuốn hồi ký nổi tiếng Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ đã nói rất đúng:

"Hãy để các em phát triển tự nhiên, đừng cản trở ước mơ của các em. Những ước mơ ấy còn lớn hơn ước mơ của các thầy cô nữa đấy".

Theo THS.BS LAN HẢI

Trẻ không thấy hứng thú trong quá trình học, thậm chí phải hoàn thành như một gánh nặng, một hình thức lao động khổ sai. Có em là nạn nhân "bệnh sĩ" của cha mẹ".

Th.s.BS Lan Hải

Nguồn: tuoitre.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan