Tấm biển yêu cầu mua vé trước khi vào tham quan di tích lịch sử cầu Hiền Lương.
Nhìn qua nước bạn láng giềng Campuchia, nơi có quần thể di tích Angkor kỳ vĩ và lừng danh, mới thấy cái cách làm du lịch của họ “thấu tình đạt lý” ra sao: người bản địa không phải mua vé vào cổng.
Giá vé tham quan 1 ngày ở Angkor hiện nay là 40 đô la, một số tiền không nhỏ.
Nhưng nó chỉ áp dụng đối với người nước ngoài mà thôi, người dân Campuchia được tự do ra vào. Có lẽ chính phủ Campuchia hiểu rằng di sản của dân tộc mình, cái di sản vĩ đại và bi tráng ấy là của chính cha ông họ đã dựng xây, nên giờ đây họ là những người thừa kế, gìn giữ và thụ hưởng, đó phải là lẽ đương nhiên.
Đối với những người vào cổng và ở lại nhiều ngày thì giá vé giảm xuống; đặc biệt, nếu có người ngoại quốc nào ở lại dài ngày thì miễn phí hoàn toàn, vì họ hiểu rằng đó là những người tới nghiên cứu hoặc say mê nền văn hóa của dân tộc họ. Động cơ bảo vệ và tình yêu mãnh liệt sẽ được trả ơn!
Còn chúng ta, chúng ta kinh doanh lịch sử của mình với chính con cháu mình trên khắp đất nước. Những nơi là di tích do cha ông để lại chúng ta đều thu tiền hậu thế.
Điều này thật hài hước và mỉa mai, nhất là khi Quốc hội phản đối và đã buộc đưa môn Lịch sử vào nhóm bắt buộc trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành cách đây 4 năm, bằng cách nhân danh ý nghĩa và vai trò của môn học này. Nhưng trong lúc đó, lại vẫn dựng “BOT lịch sử” dọc miền đất nước.
Tình yêu lịch sử và giá trị lịch sử phải chăng chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi? Khi ngay cả đến cầu Hiền Lương – biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước suốt 20 năm – mà cũng bị biến thành một món hời thì làm sao tránh được ý nghĩ về sự giả dối trong rất nhiều những tuyên bố và nhân danh của quý vị?
Khi tôi đi Angkor, lúc qua cổng soát vé có người trên xe nói đùa rằng tôi là người Campuchia, thế là người soát vé nhất định không chịu bán vé cho tôi cho đến khi nhìn thấy hộ chiếu của của tôi.
Tuy nhiên, riêng đối với bảo tàng thì luật này cũng tuỳ nước mà khác nhau. Nhiều nước châu Âu vẫn thu tiền của khách du lịch trong nước và nước ngoài như nhau, nhưng họ thường có các chính sách hỗ trợ khác. Ví dụ, miễn phí cho trẻ em, giảm giá cho sinh viên và người ngoài 65 tuổi. Hoặc có nhiều bảo tàng bán vé năm rất rẻ.
Vé xem bảo tàng 1 lần ở Berlin trung bình là 10-20 euro, nhưng có thể mua vé 50 euro/1 năm (sinh viên hình như là 25 euro) xem mấy chục bảo tàng thuộc hệ thống bảo tàng thành phố, trong đó có những bảo tàng quan trọng nhất ở Đảo Bảo tàng. Chỉ một phần các khu di sản, bảo tàng được thu tiền, còn lại là miễn phí.
Nhà báo, nhà thơ Dạ Thảo Phương
Phải chăng đã đến lúc cần xác lập những nguyên tắc và đạo lý căn bản, như di sản thiên nhiên và lịch sử của quốc gia dân tộc là tài sản chung của tất cả con dân Việt Nam – những người đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ Nhưng họ làm ra đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) – về cơ bản phải được thụ hưởng mà không cần phải nộp bất cứ thứ tiền nào, ngoài dịch vụ mà họ sử dụng? Việc bảo vệ các di sản ấy cần lấy từ ngân sách (cũng là tiền thuế dân).
Chúng ta không thể kinh doanh quá khứ của chính mình bằng cách bán sự hiểu biết và hình ảnh ấy cho con cháu mình nữa.
Làm điều đó chính là hành động thực tế để chứng tỏ rằng những người có trách nhiệm đang thực lòng trân trọng, đề cao và giáo dục lịch sử của dân tộc cho hậu thế. Bằng không, mọi thứ sẽ luôn bị hiểu là hô hào và mượn cớ.
Đừng để con cháu phải nghĩ rằng hình như ngoài tiền ra thì “các cấp các ngành” không thật lòng tôn vinh điều gì cả.
Thái Hạo
Báo Nông Nghiệp Việt Nam
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC