Nhân việc một người tên Đoàn Quý Lâm chỉ trích quỹ “Cơm có thịt”, và một cuộc tranh cãi đang nổ ra
Bài của tác giả Đoàn Quý Lâm: https://www.facebook.com/quylam.doan/posts/3501177910170585
1. Những người ủng hộ việc ăn chay (cực đoan) thường viện đến các lý lẽ giả khoa học
Như động vật ăn thịt có móng vuốt và răng nanh, còn động vật ăn cỏ (“chay”) thì không; hay chiều dài hệ thống tiêu hóa của động vật ăn thịt chỉ dài gấp khoảng 3 lần cơ thể, còn động vật ăn cỏ thì dài gấp từ 6 đến 12 lần cơ thể, v.v..
Xin hỏi, con lợn ăn gì, thịt hay chay?
Ăn cả 2. Phân loại theo dạng thức ăn, động vật không phải chỉ có loài ăn thịt và ăn cỏ, mà còn có loài ăn tạp, như gà (chim nói chung), gấu, chó, đười ươi, tinh tinh, lợn... Con gà đâu có móng vuốt để săn bắt mồi, cũng đâu có răng nanh để xé thịt. Nó nuốt chửng. “Bàn tay” của con gấu có móng vuốt nhưng không phải chỉ để bắt mồi mà còn hái trái cây.
Chiều dài bộ ruột của con lợn lên đến 23m, tức gấp khoảng 15 lần cơ thể, nhưng một con lợn vừa ăn cám gạo và rau củ thông thường, vừa ăn thịt cá bình thường.
Vấn đề ở chỗ, các loài này ăn uống như thế là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải một cách ép buộc hay do “hoàn cảnh” gây nên. Con lợn nếu chỉ ăn thịt thì rất dễ mắc bệnh, nếu chỉ ăn rau củ thì còi cọc, lâu lớn, còn ăn cả hai một cách hài hòa là tốt nhất.
Con người thuộc loại nào trong 3 dạng đã trên? Nhiều nghiên cứu và cả quan sát thực tế cho ta một tin tưởng rằng, con người là loài động vật ăn tạp (ăn cả thực vật lẫn thịt). Một ví dụ: Sách vở y học chỉ ra rằng, dạ dày của động vật ăn thịt có nhiều axit tiêu hóa cao gấp 10 lần so với loài người, giúp chúng dễ dàng tiêu hóa thịt sống hơn, diệt khuẩn tốt hơn. Vậy con người đã giải quyết vấn đề này thế nào khi ăn thịt? Người tiến hành nấu chín thức ăn, và đồng thời ăn cả thực vật để đạt sự cân bằng.
Nếu ta coi trí tuệ đặc biệt và vượt trội của con người cũng là một đặc điểm tự nhiên (và hiển nhiên là thế rồi), thì việc sử dụng lửa để nấu chín thức ăn (thịt) cũng phải được coi là một lẽ tự nhiên. Do đó, việc con người nấu chín để xử lý thịt như một một thành phần thức ăn lành mạnh của nó, phải được coi là hoàn toàn tự nhiên và chính là nó đang thực hiện theo ý chí của tự nhiên.
Cho nên cái “lý thuyết” cho rằng con người ăn thịt là sai lầm và phải chuốc lấy bệnh tật cần được xem lại. Hiện nay vẫn còn nhiều bộ tộc sống trong rừng sâu hay sa mạc và hầu như còn giữ được bản năng nguyên thủy, nhưng chúng ta thấy họ săn bắt các loài thú để làm thức ăn. Không thể nói rằng họ chịu ảnh hưởng của nền văn minh hay bị “truyền thông bẩn” của y học thao túng nhằm trục lợi (!). Muốn biết cái gì là tự nhiên thì hãy nhớ lại những đận đói khổ khoảng gần 100 năm trở lại đây: làm gì có tuyên truyền hay thao túng nào, nhưng trong những cơn đói ấy người ta thèm thịt như đến đến phát điên. Rõ ràng, thịt phải là thức ăn tự nhiên từ trong bản năng của con người.
Viện đến tự nhiên mà không lắng nghe và nhìn thấy cái bản năng ấy nơi con người thì đó hoặc là thiếu hiểu biết hoặc cố tình bóp méo.
2. Ăn thịt, ăn chay hay ăn tạp cũng thế, đều phải đúng cách và lành mạnh.
Phương tây giết mổ một cách rất khoa học và không tạo ra sự đau đớn, tàn nhẫn đối với con vật, chỉ có chúng ta mới đập đầu, thọc tiết trong tiếng kêu la thảm thiết của chúng.
Cách nuôi trồng cũng thế, với sự ô nhiễm bởi chất cấm, phân hóa học, thuốc trừ sâu, v.v., kinh khủng như hiện nay ở Việt Nam thì ăn thịt hay ăn rau đều có nguy cơ bệnh tật như nhau.
Ăn uống thuận theo tự nhiên là tốt nhất, mọi sự cưỡng bách trái với quy luật đều gây nên rắc rối. Bắt một con bò chỉ ăn thịt thì chắc chắn nó sinh bệnh, cho một con hổ chỉ ăn trái cây cũng thế, và đối với các loài ăn tạp mà chỉ cho ăn hoặc thịt hoặc “chay” thì sớm muộn cũng sẽ có vấn đề, không nhiều thì ít.
3. Tuy nhiên, tôi tin rằng con người là một giống loài có khả năng điều chỉnh và thích nghi rất cao
Ngay cả việc chuyển sang một chế độ ăn thuần thực vật (đúng cách) vẫn sẽ ổn đối với nó.
Cá nhân tôi thích việc ăn chay (lành mạnh), vì tự cảm nhận thấy những lợi ích mà nó mang lại, như tiết kiệm thời gian và tiền bạc, làm cho sinh hoạt trở nên giản dị và thoải mái hơn rất nhiều; đồng thời, ăn chay cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn, đầu óc có vẻ khoan khoái hơn... Nhưng đó là câu chuyện cá nhân của tôi, nó rất có thể không đúng với người khác.
4. Ăn là rất quan trọng, vì nếu không có cái ăn thì sẽ chết.
Tuy nhiên, đó là việc ăn uống để duy trì sự sống, chứ không phải lấy nó làm mục đích của cuộc đời. Ăn để sống chứ đừng sống để ăn.
Việc quá đặt nặng chuyện ăn uống, biến nó trở thành một vấn đề gần như triết học hay tôn giáo, chiếm trọn toàn bộ tâm trí và đời sống tinh thần, thì quả là có vấn đề. Miếng ăn to quá, che lấp tất cả.
Ăn thịt hay ăn chay thì cũng đều “sinh - lão - bệnh - tử” như nhau thôi, vì đó là quy luật tự nhiên. Con người phải sinh bệnh, muôn loài đều thế. Những con vật sống và ăn thuần túy theo tiếng gọi của bản năng hoang dã thì chúng vẫn sinh bệnh như thường, chứ đâu phải trường sinh bất lão đâu. Vì bệnh tật có nhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ bởi việc ăn uống. Môi trường sống, từ không khí, ánh sáng, tiếng ồn cho đến thói quen sinh hoạt, tinh thần, v.v., nếu không tốt đều có thể sinh bệnh. Sống ở Á Đông thời cổ, nếu ăn chay mà trường sinh bất lão thì có lẽ ngày xưa Tần Thủy Hoàng và phái tu tiên của Đạo giáo đã không phải đi tìm và luyện linh đơn rồi!
Ăn uống, miễn làm sao sạch sẽ, cân bằng, tự nhiên và ngon miệng là được. Đặt nặng miếng ăn quá, rồi thổi phồng nó lên như một thứ tiên dược hay một đấng cứu rỗi, rồi suốt ngày chìm đắm vào đó, bị miếng ăn cầm tù, thì còn không gian nào cho những khát vọng hay sự hướng thượng tinh thần nữa?
Có lẽ cũng vì thế, không khó hiểu khi ta đang phải chứng kiến việc chính người ăn chay lại đang kịch liệt đả phá người ăn thịt bằng những lời lẽ trù úm không có chút nhân từ nào. Cuộc thánh chiến nào cũng đáng sợ, nhưng cuộc “thánh ăn” có lẽ còn đáng sợ hơn, vì nó không chỉ cực đoan, sân si mà còn kéo tuột con người vào trong miếng ăn, vùng vẫy mãi trong đó nhưng cứ tưởng mình đang ngự nơi một ngôi đền thiêng.
5. Dân thì “dĩ thực vi thiên”, lấy miếng ăn làm đầu/làm trọng/làm trời.
Nhưng phải hiểu rộng thêm rằng “Hữu hằng sản giả hữu hằng tâm; vô hằng sản giả vô hằng tâm”. Dân thì thường ăn ở như thế này: “nếu họ có của cải bền vững thì họ có lòng dạ bền vững; nếu họ không có của cải bền vững thì họ chẳng giữ được lòng dạ bền vững.
Nếu lòng dạ họ chẳng bền vững, thì họ trở nên dông dài, càn dỡ, chẳng có việc ác nào mà họ chẳng dám làm. Tới chừng họ vướng và vòng tù tội, nhà cai trị cứ chiếu theo pháp luật mà trừng phạt họ.
ĐÓ LÀ BỦA LƯỚI VÂY DÂN” (Mạnh Tử).
Hơn 2000 năm trước người xưa cũng đã nghĩ được rằng của cải (trong đó có chuyện đảm bảo ăn uống để nuôi sống) phải đầy đủ thì con người cũng mới giữ được cái tâm lương thiện của mình, còn nếu đói khổ mãi thì mọi thứ, từ đạo đức trở đi, sẽ suy bại hết cả.
Nay ta sống giữa thế kỷ 21, chứng kiến người dân ở nhiều nơi triền miên đói khổ đến miếng ăn cũng không có nổi, mà vẫn không chịu hiểu cái câu giản dị “có thực mới vực được đạo”, lại còn đi kêu gọi một thứ đạo đức mơ hồ và phi thực tế phải được xây lên từ chân không, thậm chí còn đả phá cả nỗ lực của những người muốn góp tay cứu đói cho đồng bào, thì thử hỏi đó là cái trí tuệ và tâm tính gì, rồi biết dùng nó vào đâu cho đặng?
Nhà giáo Thái Hạo
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC