LTS: Bài viết của Giáo sư ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham, hiện đang dạy tiếng Việt, Văn hóa Việt Nam và Ngôn ngữ học, Viện Đại học Florida, Hoa Kỳ.
Đây là bài đầu tiên trong loạt bài về việc học (và dạy) tiếng Anh ở những nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức. Phụ huynh và học sinh ở Việt Nam đang nói rất nhiều về các chương trình dạy thêm ở trường, trong đó có việc 'học tiếng Anh với người nước ngoài'. Phần này bàn sơ qua việc học tiếng Anh với người nước ngoài, chú ý vào trường hợp Việt Nam.
Mong muốn học tiếng Anh là điều tự nhiên và cần thiết. Ảnh minh họa.
Thống kê năm 2023 cho thấy trên thế giới có 5 ngôn ngữ được nhiều người nói nhất. Đầu bảng là tiếng Anh với 1.3 tỷ người dùng, tiếng Quan thoại (Mandarin Chinese) 1.1 tỷ, rồi đến tiếng Hindi 637 triệu, tiếng Tây Ban Nha 537 triệu và tiếng Pháp 267 triệu. Vì vậy, mong muốn học tiếng Anh là điều tự nhiên và cần thiết để, như người Việt hay nói, "hội nhập thế giới".
Rõ ràng là ngày nay học bất kỳ ngành khoa học nào, yêu cầu đọc được tài liệu bằng tiếng Anh dường như là một việc khó thể phủ nhận. Khi có dịp đi đây đó làm việc hoặc du lịch, nói chuyện bằng tiếng Anh với một phát âm gần như người bản xứ ở Anh hay Bắc Mỹ, thì công việc được trôi chảy thuận lợi hơn, và tạo cho người nói một sự tự tin cần thiết.
Trước hết, ngành ngôn ngữ học ứng dụng phân biệt vài khái niệm. "Tiếng mẹ đẻ" là tiếng nói một người khi sinh ra đã được nghe và dùng. Đó thường là tiếng của cha mẹ, người thân và những người sống chung quanh.
Thời gian khoảng 12-13 năm đầu tiên của cuộc đời là thời gian quan trọng nhất. Trẻ học tiếng ấy một cách tự nhiên, dễ dàng. Các chất giọng địa phương của một người cũng được định hình trong thời gian đó. Sau ngưỡng tuổi ấy, học thêm một thứ tiếng khác sẽ vất vả và mất nhiều công sức. Càng lớn tuổi, công sức bỏ ra càng nhiều. Cũng sau ngưỡng ấy, trừ những người có tài bắt chước, rất khó mà gột rửa được toàn bộ dấu vết giọng địa phương của mình. Khi người lớn học một thứ tiếng khác, ví dụ tiếng Anh, việc phát âm không bị lẫn dấu vết của tiếng mẹ đẻ (tạm gọi là "chất giọng" hoặc accent) khá vất vả, mức độ nhiều ít tùy người.
Hãy hình dung một người Việt sống ở Mỹ lâu năm nhưng vẫn nói con số đẹp 1999 là 'nai tin nai ti nai', Amazon là 'a-don', hoặc 'live stream' (đúng ra là livestreaming), một từ rất thông dụng trên mạng xã hội, là 'lai chim'.
Song tiếng mẹ đẻ có thể không phải là tiếng giỏi nhất của một người.
Ví dụ trẻ em sinh ra trong gia đình Việt, sống ở Hoa Kỳ nơi có đông người Việt như ở quận "Cam" (Orange County), người ta đi mua bán, đi bác sĩ, ngân hàng... đều không cần phải rành, thậm chí có người không biết tiếng Anh. Khi đi học, nhiều trẻ bắt đầu quên dần tiếng Việt 'mẹ đẻ', và tiếng Anh trở thành tiếng các em giỏi nhất. Lúc ấy, người ta gọi tiếng Anh của các trẻ ấy là 'ngôn ngữ thứ nhất'.
Người Việt khi sang sinh sống ở Mỹ mà đã ở tuổi thanh niên hoặc lớn hơn nữa, học và dùng tiếng Anh, thì tiếng Anh là 'ngôn ngữ thứ hai' của họ. Nếu họ sống ở Mỹ, ngoài tiếng Việt mẹ đẻ và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nếu họ học thêm tiếng Pháp, thì tiếng Pháp là 'tiếng nước ngoài' (foreign language) của họ vì tiếng Pháp không được nói chính thức ở Mỹ. Người Việt học tiếng Anh ở Việt Nam cũng là học 'tiếng nước ngoài'.
Tóm lại, nếu sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương, thì 'tiếng mẹ đẻ' là tiếng không cần học cũng giỏi.
'Ngôn ngữ thứ hai' là tiếng mà chịu khó học cũng có thể giỏi được song phát âm vẫn có thể còn accent, nặng hay nhẹ tùy người. Còn 'tiếng nước ngoài' là tiếng khó nhất để học cho giỏi, vì không phải hễ mở ti vi hay radio xem tin tức là nghe thấy tiếng ấy, hay bước chân ra đường là có cơ hội sử dụng tiếng ấy. Học phát âm tiếng nước ngoài để không có accent, do đó, là cái khó nhất, vì người học ít hoặc không có cơ hội sống trong môi trường của người bản ngữ.
Như vậy về mặt phát âm, lý tưởng nhất là những người nước ngoài dạy tiếng Anh là những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Họ có thể mang bất kỳ màu da của bất kỳ tộc người nào, trắng, đen, vàng, thậm chí "đỏ" (các bộ lạc bản xứ ở Bắc Mỹ), miễn tiếng Anh là thứ tiếng họ giỏi nhất.
Vì lý do này mà các trường ở Việt Nam đưa một tiết học 'tiếng Anh với người nước ngoài' vào chương trình dạy thêm. Song 'người nước ngoài' này nhân thân như thế nào?
Không phải học với 'người nước ngoài' lúc nào mọi việc cũng đều xuôi chảy tốt đẹp, cũng đáng đồng tiền bát gạo. Vì vậy cũng nên bàn qua cái lợi và cái hại của việc học tiếng 'với người nước ngoài'. Ở đây, chúng tôi chỉ nói thuần túy về mặt chuyên môn.
Nhiều thầy 'người nước ngoài' dạy học tiếng Anh thực chất chỉ là không cùng tộc người với học sinh. Ảnh minh họa.
Trong thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước không nói tiếng Anh khác, nhiều thầy 'người nước ngoài' này thực chất chỉ là không cùng tộc người với học sinh. Họ nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai với chất giọng (accent) của họ.
Nếu họ có làn da trắng và đôi mắt xanh thì lại càng dễ "tin cậy" về chất lượng, song họ có thể là những người nói tiếng Slavic như Nga, Tiệp, Ba Lan, hoặc các thổ ngữ ở Ấn Độ. Những tiếng này khác tiếng Anh ít nhất ở chỗ là không có âm /w/ như trong tiếng Anh.
Do đó, nếu nói có accent, âm ấy họ thường nói thành 'v', ví dụ 'we' (chúng tôi) thì nói như 'vi'.
Hoặc nếu tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Tây Ban Nha thì có thể phát âm 'three' thành thờ-ri, vì cũng như trong rất nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Tây Ban Nha không có cái phụ âm đặc trưng 'th' kia của tiếng Anh, nhất là không có âm 'r' mà trong ngôn ngữ học gọi là 'r tròn môi' trong từ 'three'. 'Tì' (three) trong 'oẳn tù tì' của người Việt cũng là vì vậy.
Ở nhiều người, chất giọng hay accent của họ rất nặng khiến họ phát âm khá khó nghe. Cho nên không khéo học tiếng Anh theo cách phát âm khó nghe của thầy giáo thì sau lại phải vất vả chỉnh sửa.
Còn may mắn học với người mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của họ, tức 'hàng thứ thiệt', thì cũng nên biết họ nói phương ngữ nào của tiếng Anh. Không ai muốn học một phương ngữ mà ít người nơi khác hiểu được.
Những thầy dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiếm khi dạy bằng giọng Nghệ Tĩnh hay Quảng Nam, dù đó là phương ngữ mẹ đẻ của họ. Các thầy 'người nước ngoài' này đa phần không đắn đo như vậy, vì nói phương ngữ tiếng Anh nào đối với họ cũng không là vấn đề quan trọng, lý do như trình bày ở phần tiếp theo.
Không có khái niệm tiếng Anh 'chuẩn'. Ảnh minh họa.
Trong hơn 150 phương ngữ tiếng Anh trên thế giới, chỉ có khoảng 7 phương ngữ ở Anh và 4 phương ngữ ở Hoa Kỳ được xem là 'phương ngữ chính'.
Thực sự không có khái niệm tiếng Anh 'chuẩn'. Phần lớn người ta nói bằng phương ngữ Anh nơi họ sinh sống, hoặc phương ngữ Anh với chất giọng của một tiếng mẹ đẻ nào đó.
Phương ngữ Anh ở Úc và New Zealand phát âm một số nguyên âm rất "kỳ cục" (New Zealand còn pha lẫn từ của thổ ngữ Maori). Nhóm cuối cùng là tiếng Anh nói ở những thuộc địa cũ của Anh như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore.
Nhóm này nói tiếng mẹ đẻ kèm tiếng Anh, nên tiếng Anh của họ thường pha chất giọng tiếng mẹ đẻ.
Nếu một sản phẩm mới muốn được thông qua để bán cho công chúng phải qua những bước kiểm nghiệm chất lượng, bảo đảm chu trình quy định và với một chất lượng dù không tuyệt hảo thì cũng an toàn cho người tiêu dùng, thì một giáo viên tiếng Anh 'người nước ngoài' cũng cần được thẩm định chất lượng như vậy.
Uống nước ngọt có con ruồi trong chai còn kiện tụng được.
Nói tiếng Anh không xuôi, dùng từ ngớ ngẩn, sai ngữ pháp bét nhè thì biết kiện ai?
Trong tiếng Anh, sự khác biệt về phát âm giữa các phương ngữ không ở mức độ nhiều đến nỗi khó hiểu được nhau. Thường chỉ là cách nói vài nguyên âm hay vần, như người miền Nam và Đông Nam Hoa Kỳ phát âm không phân biệt 'pin' (cây kim) và 'pen' (cây bút). Một số người ở New York và vài tiểu bang miền Nam bỏ phụ âm -r ở cuối âm tiết, phần lớn do nguyên nhân lịch sử. Song cái quan trọng nữa là về mặt xã hội: giọng nói bộc lộ họ thuộc 'tầng lớp' nào.
Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, giọng miền Nam thường được gắn với tầng lớp nông dân, tiếng lóng gọi họ là red neck ('cổ đỏ' vì phơi nắng suốt ngày ngoài đồng ruộng). Người miền Nam rất ý thức được giọng địa phương của họ là "quê mùa". Khi mở miệng nói bằng giọng ấy là tự khai lý lịch rằng họ thuộc lớp người không phải trung lưu hay có văn hóa cao. Ca sĩ nổi tiếng Britney Spears sinh ở một thị xã nông thôn của Louisiana, một trong những tiểu bang phía Nam. Cô chỉ nói giọng địa phương của mình trong nhà với người làm thân tín.
Ra ngoài, cô nói giọng Anh 'chuẩn văn hóa, chuẩn toàn dân'. Julia Roberts, nữ tài tử gạo cội nằm trong danh sách 15 diễn viên nhận cát xê cao nhất, sinh ở Georgia và có chất giọng miền Nam đặc sệt. Cô đoạt giải Oscar diễn viên phụ cho một vai cho phép cô thể hiện thế mạnh bằng giọng nói đặc địa phương mẹ đẻ của mình. Còn bình thường ở các vai khác, tất nhiên Julia nói giọng 'chuẩn phổ thông'.
Nếu được một thầy nói một phương ngữ tiếng Anh không mang accent, thì lại còn vấn đề của cách diễn đạt hoặc các từ địa phương, những thứ mang đậm dấu ấn văn hóa vùng hoặc bộc lộ tầng lớp xã hội của người nói. Không mấy ai muốn khi tiếp xúc về công việc mà dùng những từ hay cách nói bộc lộ mình thuộc một tầng lớp quê mùa, không được xã hội tôn trọng lắm, hoặc họ không biết mình đang dùng những từ người khác nghĩ rằng khệnh khạng, cố làm ra trưởng giả.
Căn cứ vào việc dùng một số từ, người ta có thể "đánh giá" xuất thân của người nói. Phải chăng người này thuộc tầng lớp "có học, trung lưu hoặc thượng lưu, đáng trọng", hay tầng lớp "thô kệch, nghèo nàn, văn hóa kém".
Điều tra năm 2017 cho thấy 'toilet' (nhà vệ sinh) vẫn còn là từ dùng của người thuộc tầng lớp thấp, mà chuyên gia tiếng Anh William Hanson nói ông thà nhai thủy tinh còn hơn dùng từ này trong khi nói chuyện ngoài chỗ công cộng.
Toilet chỉ là cái bồn cầu, và thuộc loại từ phải thì thào ngoài đường phố. Từ 'restroom' mới là của những người thuộc tầng lớp có ăn học và kinh tế khá (Canada dùng 'washroom'). Cũng thế, 'film' là cách nói quý tộc trong khi 'movie' là cách nói của tầng lớp thấp. Gặp nhau 'hello' chỉ có thể là lời chào hỏi của người 'có văn hóa', còn cách dân dã đường phố là 'hey' (cỏ khô), thức ăn của ngựa.
Cuối cùng, ngay cả khi nói phương ngữ Anh như ngôn ngữ thứ nhất và lưu ý những cách dùng từ, nếu không được là 'tinh tế' thì cũng mang tính trung hòa, liệu những người thầy này có "biết" dạy không, ngay cả chỉ là luyện phát âm?
Ai cũng biết không phải cứ nói tiếng gì thì dạy được tiếng ấy. Mặt yếu của những người này nếu họ không học sư phạm, là họ không nghĩ đến những cái khác biệt trong ngôn ngữ của họ so với ngôn ngữ của học sinh để có thể dành nhiều thì giờ và công sức hơn trong việc luyện tập, vì những cái khác ấy thường là rất khó, và là chỗ khiến người học nói với một accent hạng nặng.
Nếu phải trả lời những câu hỏi của học sinh về cấu trúc câu, thì ngoài khả năng sư phạm người thầy còn cần kiến thức và hiểu biết khá kỹ về tiếng nói của họ. Không thiếu những than phiền về các cách giải thích ngữ pháp 'sai bét' của các thầy này, hoặc họ không thể giải thích thông suốt cách dùng một từ nào đó.
Khi ghi danh cho con học tiếng Anh, cần nắm rõ lai lịch và khả năng của người dạy. Ảnh minh họa.
Khi ghi danh cho con mình học thêm tiếng Anh với 'người nước ngoài', phụ huynh cần biết rõ 'lai lịch' và khả năng của người dạy, nhất là khi các Trung tâm cung cấp người dạy cho môn này mọc tràn lan nhanh như nấm mà chất lượng không được kiểm chứng. Nếu không thì dùng một thứ tiếng Anh bập bõm (broken) vào việc gì chưa thấy, đã thấy tiền mất tật mang.
Ai cũng biết sửa một thói quen xấu vất vả gấp nhiều lần học ngay từ đầu một cái gì đúng đắn. Và khi đã mất công tốn của cho học một thứ tiếng, bạn có muốn con bạn khi nói ra có thể người nghe lịch sự quay đi giấu nụ cười nửa miệng, hoặc chí ít cũng nghi ngờ năng lực suy nghĩ và nhận thức của con mình?
Andrea Hoa Pham
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC