Người ta nói, ‘một người hảo hán ba người trông mong’, ý tứ là một người thành đạt thì ắt sẽ có nhiều kẻ đến cậy nhờ; sẽ không thiếu những lúc có người tìm đến nương nhờ bạn.
Thực ra giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn dù sao cũng là chuyện nên làm, cũng không gây tổn hại gì. Nhưng vay mượn tiền nong chính là một chuyện rất nhạy cảm, đối đãi thế nào để không ai mất lòng đây?
Dưới đây là 5 kiểu người có thể tìm đến bạn vay mượn, hãy tham khảo để tìm ra cho mình một lựa chọn sáng suốt nhất.
1. Bạn bè “xa lạ” hỏi mượn tiền
Đó chính là chỉ những người bạn đã lâu không liên lạc, đột nhiên xuất hiện hỏi mượn tiền. Từ chối e rằng không tiện mà đồng ý thì cũng lo lắng, bất an, phải làm sao đây?
Cách tốt nhất là hãy “kính nhi viễn chi” như ông cha ta vẫn dạy, tức là đứng từ xa mà tôn kính, quan sát, chẳng nên gần gũi nhiều. Bạn có thể khéo léo từ chối, không cần hỏi rõ lý do họ cần tiền. Vì sao lại như vậy?
Bởi ngay khi mở lời mượn tiền thực ra là họ đang thăm dò bạn, có thể mượn được thì mượn, bằng như không được thì cũng chẳng sao. Nếu bạn cho họ mượn tiền rồi thì rất có thể là họ sẽ nghĩ thế này: Trả được thì trả, không được thì cũng không cần, dù sao cũng chỉ là quen biết sơ sài, không ràng buộc gì.
Nếu đã vậy, có lẽ bạn cũng không nên áy náy gì nhiều. Với những người này, không phải vì bạn cho họ vay tiền mà tình thân thêm gắn kết, cũng không phải vì bạn từ chối mà hai người trở mặt thành thù. Quan hệ giữa bạn với họ ngay từ đầu đã là kiểu có cũng được, không có cũng chẳng sao rồi mà!
(Ảnh minh họa: moneycrashers.com)
2. Bạn học hỏi mượn tiền
Bạn học dù sao cũng thân thiết hơn loại người phía trên, về lý thì vẫn có thể cho họ mượn. Nhưng hãy cân nhắc kỹ 2 trường hợp này:
Thứ nhất, nhân cách của người này thế nào? Nếu là người chân thật, đứng đắn thì không có vấn đề gì lớn, hãy cho anh ta mượn tiền. Còn như nhân phẩm có vấn đề thì tốt nhất không nên “chọn mặt gửi vàng”, tránh trường hợp mất tiền lại mất cả bạn.
Thứ hai, hãy thử cân nhắc quan hệ hai bên, thân sơ ra sao, số tiền ít nhiều thế nào. Nếu số tiền quá lớn mà hai người lại không quá thân thiết, chỉ là bạn bè bình thường, xã thì hãy bỏ qua. Nếu số tiền không đáng kể thì có thể cho mượn nhưng nhất định phải viết rõ số tiền, ngày tháng, người vay cụ thể, rõ ràng trên giấy.
Bạn chớ nên cảm thấy ngại. Bởi ngại ngùng lúc trước sẽ khiến bạn phải khó xử về sau. Cũng đừng cảm thấy bất tiện gì, vì thực chất chính là bạn đang giúp anh ta chứ không phải anh ta giúp bạn, phải vậy chứ?
3. Đồng nghiệp gặp khó khăn
Rốt cuộc cũng là đồng nghiệp chạm mặt cả ngày, quan hệ rất tốt, nếu gặp phải khó khăn thì có thể cho anh ta mượn. Nhưng tránh để bạn phải chịu tổn thương, vẫn cần phải viết giấy nợ, giấy trắng mực đen một cách rõ ràng, tránh phải tranh cãi đỏ mặt tía tai sau này.
Hơn nữa bây giờ viết giấy nợ cũng là để giữ lấy tình bạn này. Để an toàn, tốt nhất là tìm cấp trên của hai bạn làm chứng. Còn như đến thời hạn trả tiền, người kia vẫn là chần chừ không chịu trả, người làm chứng sẽ đứng ra dàn xếp, giúp bạn thu hồi lại khoản nợ này. Đôi đường đều vẹn toàn cả, tại sao không làm?
Rốt cuộc cũng là đồng nghiệp chạm mặt cả ngày, quan hệ rất tốt, nếu gặp phải khó khăn thì có thể cho anh ta mượn. (Ảnh: afamily.vn )
4. Người bạn chí thân cần giúp đỡ
Một ngày đẹp trời, người bạn thân thiết bất ngờ hỏi mượn tiền, đừng suy nghĩ nhiều, hãy cho họ mượn ngay. Có lẽ họ đang gặp khó khăn thực sự. Tìm đến bạn nghĩa là họ cần một sự chia sẻ, không chỉ về tiền bạc mà còn là tinh thần.
Đời người có được tri âm không dễ. So với vài món tiền kia thì họ quý giá hơn rất nhiều. Người xưa chẳng nói: “Rượu gặp bạn hiền ngàn chén ít” đó sao? Nếu có thể giữ được tri kỷ, tưới tắm cho tình bạn nồng ấy đơm hoa, kết trái, vậy chẳng phải ta còn có được nhiều hơn kiếm vạn món tiền sao?
Và một điều quan trọng nữa, tri kỷ của ta chắc chắn không bao giờ làm ta tổn thương, đương nhiên họ cũng sẽ hoàn trả tiền cho bạn đúng kỳ, đúng hạn.
5. Người thân của bạn bè hỏi mượn tiền
Quả thực là rất nhạy cảm, rất nhạy cảm! Bạn bè mượn tiền đã khó xử, người thân của họ mượn thì càng khó nghĩ hơn. Trường hợp này hãy xem xét quan hệ giữa bạn và người bạn kia. Nếu đủ thân thiết thì người nhà của họ cũng như người nhà của mình, không cần lo nghĩ nhiều.
Vả chăng, ai cũng có lúc khó khăn, cần tiền gấp, vay mượn khắp nơi mà vẫn chưa đủ thì rất có thể người ta sẽ tìm đến bạn. Bạn có thể chính là hy vọng cuối cùng của họ. Giả dụ người thân của họ đang cấp cứu trong bệnh viện, cần một khoản tiền lớn để chi trả viện phí. Bạn mà làm ngơ thì e rằng cũng không phải là thái độ ứng xử của người chân chính. Có thể giúp thì giúp, cứu người là quan trọng.
Dang rộng đôi tay của bạn giúp đỡ, cưu mang người khác sẽ “mua” được rất nhiều ân tình, cảm kích và phúc phận chứ không chỉ là một vài hơn thiệt, được thua trước mắt.
***
Có câu: “Tiền bạc là vật ngoài thân”, vốn chẳng vững bền trường cửu. Ở thế gian, nó là phương tiện mưu sinh của con người, nhưng một khi hai mắt khép lại, về chốn cửu tuyền thì bạc tiền chẳng thể theo cùng người ta mãi. Nói cách khác, tiền bạc nếu giữ được thì giữ, không giữ được thì cũng chớ nên vì thế mà u uất, oán hận.
Ở thế gian, nó là phương tiện mưu sinh của con người, nhưng một khi hai mắt khép lại, thì bạc tiền chẳng thể theo cùng người ta mãi. (Ảnh: wallpapertag.com)
Người tìm đến ta vay tiền cũng là một mối duyên. Trên đời, mọi chuyện đều là có duyên mà thành, không có gì là ngẫu nhiên tình cờ. Chuyện mượn tiền này nói ra thì đúng là lắm thị phi, nhạy cảm, lại càng khó xử.
Gặp ai cũng cho mượn thì là vung tay quá trán, không biết trân trọng mồ hôi công sức. Ai hỏi mượn cũng không cho thì lại lạc sang cực đoan khác, keo kiệt, ky bo, hẹp hòi, tính toán.
Vậy bạn phải làm sao đây? Nên chăng hãy cứ nghĩ rằng:
Ta cho người mượn tiền là tích thêm một việc tốt ở đời, kiếp này không được phúc báo thì là kiếp sau, tiền chỉ tiêu ở kiếp này còn phúc báo thì kéo dài mấy đời, mấy kiếp.
Ta cho người mượn tiền không phải vì dư dả, giàu sang mà vì tấm chân tình, vì người cần một vòng tay giúp đỡ. Người hiểu được ý đó thì không sợ họ sai hẹn, người không hiểu được ta cũng chẳng buồn. Người tốt luôn được phúc báo, mất một món tiền ta sẽ được thêm nhiều thứ, ít nhất cũng là một bài học.
Ta cho người mượn tiền không phải ta nợ người mà chính vì ta coi trọng họ, trân quý họ.
Ta cho người mượn tiền đôi khi cần phải minh bạch, giấy trắng mực đen không phải vì ta sợ bị lừa, không tin tưởng họ mà bởi ta nghĩ cho người, giúp họ bảo toàn chữ tín và nhân cách.
Ta cho người mượn tiền lắm lúc là vì cần phải cho, không tính toán thiệt hơn, không so đo sau trước. Giúp người chính là bản năng. Người lương thiện lấy việc hành thiện làm vui, nhận thiệt về mình, chịu khổ về mình. Đó không phải là hành động của kẻ dại dột mà là cảnh giới của một trí huệ vượt lên trên hết thảy những thói tục đời thường.
Bạn hãy nhớ nhé, trước khi cho người mượn tiền, hãy suy tính bằng cả khối óc và trái tim, bằng cả tình và lý. Và bạn sẽ thấy rằng:
Đời người đắc ý vui tràn Dưới trăng chén cạn, bình vàng đợi ai? Trời sinh ta ắt dùng tài Ngàn vàng tiêu sạch, có ngay thôi mà!
(Tương tiến tửu – Lý Bạch)
Phi Long – Văn Nhược
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC