Khi cái ác mỉm cười

Khi cái ác mỉm cười

Cách đây vài ngày, một clip dài 4p45’ lan truyền trên mạng, ghi lại cảnh một đám học sinh nữ tầm lớp 8 - lớp 9 đánh đập một bạn học ngay trên bục giảng một cách tàn bạo, bằng cách kéo tóc, đấm đá, và liên tục dùng nón bảo hiểm đập vào đầu vào mặt.

Nạn nhân khóc lóc kêu van thê thảm, cho đến khi nằm vật xuống, và ói, nhưng vẫn không được buông tha.

Em học sinh này sau đó phải chấp tay vái xin...

1 Khi Cai Ac Mim Cuoi

Những hình ảnh bạo lực học đường như thế vốn không còn hiếm nữa, thậm chí trong nhiều vụ, sự hành hung còn dã man hơn. Nhưng đáng chú ý trong vụ này là thái độ của những học sinh khi đánh đập, hành hạ bạn mình.

Chúng vừa đánh vừa cười. Tỉnh bơ.

Nếu là một người chưa từng biết đến tình trạng bạo lực dưới mái trường Việt Nam ngày nay, thì họ rất có thể sẽ nghĩ, đây chỉ là một vở kịch đang được tập duyệt để phục vụ cho một buổi văn nghệ của trường. Vì không ai đánh người mà lại giữ được một tâm trạng vui vẻ, hồn nhiên và thản nhiên đến thế.

Cứ sau một hồi đập mũ bảo hiểm, dừng lại, thì đồng bọn quay qua nói cười với nhau, như không có chuyện gì. Thậm chí có lúc cười ngặt nghẽo và bàn với nhau đơn giản chỉ như đang ngồi trước trò chơi xếp hình lego.

Trong lớp học lúc đó đang có rất đông học sinh, cả học sinh nam, chỉ không có giáo viên. Nhưng thật kỳ lạ, ngoài cái nhóm đang vui vẻ đánh người ấy, thì tất cả còn lại dường như cũng không thấy, không nghe.

Trước kia, trong những vụ việc tương tự, ngoài “hung thủ” điên cuồng hành hạ bạn học, thì ít ra cái đám còn lại còn hiếu kỳ mà đổ xô vào coi và có những phản ứng khác nhau, có thể là cổ vũ hay sợ hãi. Nhưng trong clip này, dường như tất cả đã coi là bình thường, thậm chí không có mấy “hứng thú” để mà tham dự.

Chúng đi qua đi lại, như thể không thấy, không nghe, không bận tâm.

Có hai thế giới song song: thế giới của một trận đánh đập, và một thế giới bình yên vô sự. Không ba động.

Tôi cứ hình dung rằng, nếu em học sinh ấy có bị đánh chết, thì cả lớp học kia vẫn sẽ thản nhiên mà bước qua xác hay ngồi mà kháo với nhau rằng trưa nay sẽ ăn gì.

Khi học sinh đã vui vẻ mà đánh người, và những học sinh khác thì tuồng như không còn bận tâm tới cái chuyện tầm thường ấy nữa, thì dường như nhân tính đã chết.

Người ta vì thù hận mà đánh, điên cuồng mà đánh, nghiến răng mà đánh, gầm gừ mà đánh..., dù đáng sợ, nhưng không đáng sợ bằng việc vừa đánh vừa cười như một thú tiêu khiển.

Bạo lực trong học đường đã leo thang thêm một bước nữa, vượt qua khỏi sự hung bạo để đến chỗ máu lạnh.

“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, tại sao bây giờ trẻ em lại thành ra mất nhân tính? Xã hội ư? Nhà trường ư? Gia đình ư? Không cần một câu trả lời chi li, nhưng tội lỗi ấy chắc chắn không phải do các em tự mình chuốc lấy. Những “tờ giấy trắng” sau khi bị nhuộn đen thì giờ trắng trở lại, nhưng là trắng theo một cách khác: trắng về tính người.

Những nụ cười và tiếng cười vang lên cùng với tiếng mũ bảo hiểm đập vào đầu bạn học, là tiếng sấm rợn người giữa âm u, báo động sự cáo chung của mọi lời rao giảng và sự tô vẽ. Tiếng cười vui vẻ ấy cũng chính là tiếng cười chế nhạo đối với cả một nền giáo dục và những gì đã sinh ra nền giáo dục ấy.

Và tất nhiên, cười nhạo cả chúng ta nữa, những người đang tâm đắc với những dòng kể lể này, mà không làm gì cả để cứu lấy những đứa trẻ khốn cùng.

Công Dân


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan