Đầu tháng 4 này, TS Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến việc Viện để mất 121 cuốn sách cổ và để hư nát hàng trăm cuốn sách cổ khác.
Bức thư chính là lời yêu cầu khẩn thiết với người đứng đầu Chính phủ về một di sản vô giá của dân tộc bị đánh cắp và đang bị phá hủy. Tôi tin chắc chắn rằng: Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chỉ đạo sát sao về vụ việc vô cùng quan trọng này.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc.
Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.
Một tài liệu Hán Nôm được số hóa (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Tôi không phải là người nghiên cứu Hán Nôm và nhiều người khác cũng vậy, nhưng chúng tôi, đặc biệt là nhiều nhà văn, hiểu rằng: đó không chỉ là những cuốn sách quý, không chỉ là cổ vật mà đó là di sản vô giá của dân tộc.
Những cuốn sách đó là "văn bản pháp lý chủ quyền" của dân tộc (lời của nhà văn Trung Sỹ) và là một phần quan trọng minh chứng nền văn hiến Việt. Gần 600 năm trước, thi hào Nguyễn Trãi đã thay mặt người dân nước Việt tuyên ngôn: "Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".
Trong nhiều năm gần đây, nhóm Nhân sỹ Hà Đông chúng tôi nỗ lực sưu tầm những đạo sắc phong bị đánh cắp để giữ gìn và trao lại cho những địa phương bị mất. Viện nghiên cứu Hán Nôm có 2 tiến sỹ đã tham gia và ủng hộ công việc của chúng tôi, bao gồm việc giám định và dịch các đạo sắc phong; xuất bản một số bài nghiên cứu để đông đảo người Việt Nam hiểu được giá trị của các đạo sắc phong là thế nào trong hệ thống những di sản văn hóa dân tộc...
Nhìn lại lịch sử, không ít lần những di sản văn hóa Việt đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bởi các thế lực ngoại bang. Việc hủy diệt những di sản văn hóa của một dân tộc là để hủy diệt sự độc lập và căn cước văn hóa của dân tộc đó.
Khi một dân tộc không còn căn cước văn hóa của mình thì dân tộc đó không còn tồn tại trong tinh thần cao nhất của sự tồn tại.
Tôi thực sự không hình dung nổi vì sao Viện nghiên cứu Hán Nôm lại để mất và hư hại từng đó cuốn sách cổ. Và có lẽ chỉ khi Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện lên tiếng thì dư luận mới được biết.
Chúng ta mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì tham nhũng nhưng rồi nền kinh tế sẽ hồi phục. Nhưng mất đi những cuốn sách cổ hoặc để cho những cuốn sách đó bị hủy hoại thì không bao giờ chúng ta tìm lại được. Làm thất thoát hoặc ăn cắp tiền bạc của nhân dân là có tội. Nhưng ăn cắp và phá hoại di sản văn hóa của dân tộc thì tội còn lớn hơn.
Các cơ quan có trách nhiệm và cơ quan chức năng phải làm rõ điều này trong khi cả nước đang bước vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Và Viện nghiên cứu Hán Nôm với bất cứ lý do nào cũng phải trả lời nhân dân về việc này một cách rõ ràng nhất.
Nguyễn Quang Thiều
Tác giả: Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Viết văn từ năm 1983, ông đã xuất bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thiều còn viết báo, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và là họa sĩ.
Nguồn: Dân Trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC