Kinh nghiệm phòng tránh mất cắp tài sản khi tới Paris của hướng dẫn viên người Việt

Kinh nghiệm phòng tránh mất cắp tài sản khi tới Paris của hướng dẫn viên người Việt

Là hướng dẫn viên du lịch tự do, Nguyễn Anh Lukas đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế để những ai sắp tới đến Paris du lịch có thêm kiến thức, đề phòng những việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyễn Anh Lukas (SN 1988) là người Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại Paris, Pháp. Sống tại Pháp 4 năm, chàng trai này đã chứng kiến rất nhiều những trường hợp khách du lịch Việt Nam bị mất cắp tài sản khi tới Paris.

“4 năm sống ở Pháp, mình đã tự trải nhiệm rất nhiều và cũng chứng kiến rất nhiều bạn bè, khách du lịch bị mất cắp tại Paris. Tuy nhiên, bản thân mình luôn thấy Paris là địa điểm du lịch đẹp và đáng tới để khám phá”, Nguyễn Anh Lukas chia sẻ.

Một số kinh nghiệm thực tế để phòng tránh bị mất cắp tài sản khi du lịch Pháp của Nguyễn Anh Lukas:

Là hướng dẫn viên du lịch tự do, Nguyễn Anh Lukas đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế để những ai sắp tới đến đây du lịch có thêm kiến thức, đề phòng những việc đáng tiếc xảy ra.

“Tại Pháp, cảnh sát không kiểm tra giấy tờ khách du lịch ngoài đường và bạn được sử dụng bản phô tô hoặc ảnh chụp trong điện thoại để đi mua hàng hoàn thuế. Vì vậy, mọi người khi đi ra đường không cần mang theo hộ chiếu bản gốc để tránh việc bị mất cắp.

Đặc biệt, khi đi ra khỏi khách sạn, nhà trọ, tốt nhất không mang quá nhiều tiền mặt. Các giấy tờ quan trọng nên để hết trong phòng”.

132 1 Kinh Nghiem Phong Tranh Mat Cap Tai San Khi Toi Paris Cua Huong Dan Vien Nguoi Viet

Những lưu ý khi du lịch Paris của Nguyễn Anh Lukas:

– Kẻ xấu thường rất giỏi nhận diện khách du lịch và các đối tượng dễ trở thành “nạn nhân” như phụ nữ và người châu Á. Bởi những người này không thông thạo địa hình và thường mang tiền mặt và đồ hiệu.

Bắt đầu từ khi xuống sân bay, khi ra khỏi cửa lấy hành lí bạn hoàn toàn đã có thể là nạn nhân của các nhóm trộm cắp. Trong lúc bạn còn đang nhìn ngang ngó dọc tìm đường thì sẽ có một thanh niên chạy rất nhanh qua vào và nhanh chóng bị “cầm hộ” tài sản đi trước khi bạn kịp nhận ra mình bị mất đồ.

– Nếu bạn tự đi tàu điện từ sân bay về khách sạn. Cẩn thận hành lí trên tàu, những ga đầu tiên thường bị kẻ xấu rình rập ôm vali chạy xuống rất nhanh khi cửa tàu đóng mở. Bạn không thể bỏ đồ để chạy theo kẻ trộm được.

– Bất cứ người lạ nào tiếp cận bạn một cách đột ngột đều đáng nghi ngờ. Đặc biệt phải chú ý những thanh niên đi nhóm từ 3 người trở nên. Mục đích là gây chú ý và kẻ khác tiện tay hành động lấy cắp tài sản lúc bạn không đề phòng.

– Khi đi ban đêm hoặc tối phải chú ý quan sát đề phòng nguy hiểm, không nên đi bộ một mình.

– Đừng tự biến mình thành “con mồi ngon” cho kẻ khác. Luôn phải đeo ba lô đằng trước và hai tay ôm chặt. Ngoài ra có thể mua túi đeo chéo vai và đeo về đằng trước.

– Đi xe điện ngầm: Lúc qua cửa soát vé, khi bạn mải tìm vé tàu hoặc loay hoay qua cửa, nhóm móc túi sẽ áp sát theo bạn giống như một người đi phía sau đang chen lên. Có thể khi đó bạn sẽ cảm thấy bực mình mà không hề để ý tới hành lí, nhưng thực tế đó là kẻ móc túi dàn cảnh để lấy cắp. (Trường hợp này mình đã trực tiếp chứng kiến 2 lần. Rất may nhân viên nhà tàu đã hét lên nên nhóm móc túi bỏ chạy).

132 2 Kinh Nghiem Phong Tranh Mat Cap Tai San Khi Toi Paris Cua Huong Dan Vien Nguoi Viet

– Lên tàu thì nên ngồi vào ghế bên trong. Nếu ngồi ghế cạnh cửa ra vào thì phải cẩn thận lúc đóng mở cửa tàu. Có nhiều trường hợp kẻ cướp giật điện thoại hoặc túi xách của khách ngay lúc cửa tàu đang đóng lại khiến người nạn nhân không kịp phản ứng và chạy theo.

– Ga tàu điện ngầm giờ chiều hoặc những điểm đông người sẽ có chen lấn thì phải cho tay vào túi quần, túi áo, túi sách hoặc giữ chặt những đồ quan trọng. Kẻ móc túi thường đi 3 đến 5 người vây quanh để tiện che chắn và truyền tay nhau đồ ăn trộm.

Lưu ý: Khi mua vé tàu theo ngày nhớ ghi theo thứ tự sau: Ngày/Họ/Tên. Nếu không ghi rất dễ bị nhắc nhở hoặc phạt. Không mua vé của những người bán lại vé vì rất dễ mua phải vé giả. Chỉ nên mua tại quầy bán vé hoặc mua qua máy bán tự động.

– Gặp những người yêu cầu xin chữ kí trên đường phố thì hãy mạnh dạn nói thật to “No” và chạy đi chỗ khác. Rất có thể bạn đang là đối tượng móc túi của chúng. Hơn nữa, thực tế bạn không phải là công dân Pháp nên việc kí tên là điều vô ích.

– Các vùng hay xảy ra nạn móc túi, cướp giật tài sản ở Paris là quận 18, 19, 20 và phía Bắc Paris. Nên khi đi chơi và thuê nhà các bạn cần chú ý và cẩn thận các vùng trên.

– Nhiều vùng ngoại thành kém an toàn đối với khách du lịch, vì vậy khi thuê nhà nên hỏi địa chỉ của chủ nhà trước hoặc tìm địa chỉ lên Google Maps. Nếu thấy ở ngoại thành Paris thì nên cẩn thận. Việc lưu trú ở ngoài thành giá rẻ hơn nhưng chi phí đi tàu từ ngoại ô vào trung tâm Paris sẽ mất nhiều.

Nguồn: vietnammoi

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan