Cho nên tôi hết sức quan tâm khi Đạo diễn Trần Văn Thuỷ báo cho tôi xem cuốn phim tài liệu về vấn đề này chiếu trên VTV - phim do ông làm cố vấn. Cuốn phim gây cho tôi ấn tượng sâu đậm.
Cuốn phim giới thiệu anh Mai Toàn Thắng quê ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, con nông dân, học giỏi, được đi học ở Rumani. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cậu sinh viên Thắng không về nước mà lấy vợ người Rumani rồi lập nghiệp ở đó.
Thắng trở thành một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, có tiệm ăn lớn ở Rumani và mấy nước. Anh được bà cựu Thủ tướng Rumani đánh giá cao… Nhưng tôi không quan tâm lắm về con đường thành đạt của anh, mà rất chú ý việc anh giáo dục con trẻ tình cảm với Ông Bà, Tổ tiên...
Anh tạo ra một không gian văn hoá quê hương ở nhà mình; anh kể chuyện với vợ con về hoàn cảnh sống của ông bà, cha mẹ, dân làng; kể về những kỷ niệm của anh thời thơ ấu với bố mẹ, quê hương…
Những dịp Giỗ, Tết, anh cùng vợ con thành kính thắp hương khấn vái Tổ tiên, Ông Bà … Trẻ ngay từ lúc 5 -7 tuổi đã cùng bố mẹ thực hành việc thắp hương, chắp tay thành kính tưởng nhớ đến Tổ tiên, Ông Bà với niềm tin Tâm linh rằng, Tổ tiên, Ông Bà thấu hiểu lòng con trẻ… Tôi thật xúc động, khi cháu gái chừng 12-13 tuổi, tay cầm nén hương, khấn trước bàn thờ Ông Bà mà rơi hai hàng nước mắt…
Khi anh đưa vợ và hai con về thăm quê, những tình cảm đó càng biểu hiện thành hành động, tình cảm cụ thể thật cảm động. Vợ con anh cùng ra nghĩa trang, thắp hương tưởng nhớ Ông Bà, Tổ tiên… Những hình ảnh trên phim rất chân thật và cảm động.
Tôi nghĩ, bộ phim này rất ý nghĩa, nên chiếu nhiều lần cho dân ta xem.
Có thể rút ra mấy điều:
- Sai lầm lớn nhất của xã hội ta, nhất là miền Bắc, cả mấy chục năm giáo dục vô thần, sao nhãng việc giáo dục tâm linh cho trẻ em. Mà việc này cần giáo dục bằng thực hành ngay từ lúc trẻ 4-5 tuổi, như cho trẻ cùng người lớn đứng nghiêm trang, khấn vái trước bàn thờ Gia tiên trong những ngày Giỗ Tết, với niềm tin rằng, lòng thành kính của mình được Ông Bà, Tổ tiên thấu tỏ…
Tôi nhớ lúc tôi mới 5 tuổi, anh 10 tuổi, Bố đã dẫn đi tảo mộ Tổ tiên, Ông Bà trước Tết. Rồi Tết thì thắp hương trước Bàn thờ Gia tiên, sau đó dẫn ra Đình thắp hương… Sau 1945, tất cả những phong tục, lễ nghi truyền thống bị huỷ bỏ hết, cho đến mãi sau này lại phục hồi tự phát, không có hướng dẫn…
- Thời nay, cha mẹ luôn lấy lý do con bận học, bố mẹ thường ít đưa con về thăm ông bà, dự những dịp Giỗ, Tết, tảo mộ… Trẻ em không có thực hành, không có những trải nghiệm tâm linh, thiếu vắng một thứ tình cảm thiêng liêng.
- Tôi vẫn nhớ một câu chuyện cách đây chừng 30 năm, tôi đã viết đăng trên báo Phụ nữ VN: Một bà mẹ nông dân bị tai nạn mù hai mắt, trong khi chồng là Liệt sỹ, ba con chị vừa lao động chăm chỉ, vừa học giỏi và thi đỗ vào Đại học cả. Chị kể, mỗi khi con làm được việc tốt, chị đều bảo con thắp hương lên bàn thờ có hình Bố, kể cho Bố biết để Bố vui; mỗi khi con mắc lỗi lầm, chị đều bảo con thắp hương xin lỗi Bố. Rồi chị xin lỗi chồng, em đã không dạy dỗ con chu đáo như lời anh căn dặn, chị khóc… Có nhiều yếu tố giúp ba con chị nên người, trong đó có yếu tố giáo dục tâm linh như đã kể.
- Nhiều người sợ rằng trẻ sớm nhiễm “mê tín”... Nên nhớ, tình cảm yêu kính, tưởng nhớ Tổ tiên, niềm tin tâm linh không hề là “mê tín” mà là thứ tình cảm thiêng liêng của con người. Nó gắn liền với tình cảm gia đình, quê hương, đất nước. Mê tín nhảm nhí hay tâm linh thiêng liêng đều do từ người lớn nhiễm vào con trẻ.
Các gia đình trẻ hãy lưu ý điều tôi chia sẻ, kẻo muộn rồi không kịp nữa!
PGS Mạc Văn Trang
30/6/2023
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC