Ngày 9/4, thông tin từ Công an TP.Hà Nội, Công an quận Long Biên đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn like Facebook kiếm tiền, nạn nhân đã bị mất gần 1 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 5/4, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị H (SN 1984, Long Biên, HTP.à Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chị H cho biết do có nhu cầu tìm việc nên chị đã lên mạng xã hội Facebook tìm kiếm. Sau đó chị được giới thiệu công việc like trang Facebook của các nghệ sỹ sẽ được tiền hoa hồng.
Chị H thực hiện theo hướng dẫn và làm nhiệm vụ để nhận được tiền. Tổng số tiền chị đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu là gần 1 tỷ đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên chị H đã đến cơ quan Công an trình báo.
Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Một người phụ nữ đã bị lừa gần 1 tỷ đồng qua hình thức like Facebook của nghệ sỹ để nhận hoa hồng. Ảnh: CAHN
Trước đó Công an TP.Hà Nội cũng từng phát đi cảnh báo liên quan tình trạng lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, qua điện thoại.
Theo Công an TP.Hà Nội, các đối tượng đã không từ một thủ đoạn nào, từ giả danh cơ quan pháp luật, giả nhân viên ngân hàng rồi đến sàn giao dịch ảo, tuyển công tác viên đặt đơn hàng, thậm chí dựng lên cả màn kịch "con cấp cứu"… để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Mới đây nhất, sập bẫy thủ đoạn tuyển cộng tác viên nghe nhạc để tăng lượt view, lượt like cho ca sĩ, một người phụ nữ ở quận Ba Đình, TP.Hà Nội đã chuyển hơn 400 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.
Để tăng khả năng nhận diện lừa đảo giúp người dân đề cao cảnh giác, dưới đây là 20 hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại thường gặp, người dân cần lưu ý:
1. Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
2. Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
3. Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó.
4. Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại,...). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.
5. Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả là người nước ngoài gửi quà về, sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí mới được nhận quà.
6. Tuyển cộng tác viên đặt mua đơn hàng trên mạng, nhận tiền % 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền, muốn nhận lại tiền phải nộp thêm tiền để làm thủ tục chứng minh.
7. Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt.
8. Chuyển tiền làm từ thiện: Lừa gửi tiền về làm từ thiện, bạn được hưởng 30-40%, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đóng phí.
9. Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số phải đóng phí, không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng cho đối phương.
10. Hack facebook, zalo,...: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản facebook, zalo...., nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.
11. Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.
12. Tìm người làm việc ở nhà: Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
13. Lập sàn giao dịch ảo: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
14. Mua bán hàng trực tuyến: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
15. Chuyển tiền nhầm để ép vay: chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, sau một thời gian thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và bắt nạn nhân đóng lãi.
16. Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
17. Giả danh cán bộ xử lí giao thông: Thông báo nạn nhân từng vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
18. Gọi điện thoại khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay.
19. Giả danh lãnh đạo lập facebook, zalo... rồi sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới để vay tiền.
20. Giả danh cán bộ viễn thông: Thông báo nạn nhân nợ cước hoặc tín dụng, sau đó giả làm công an yêu cầu đóng tiền để phục vụ kiểm tra.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC