Đọc những bài như “Đồng Nai: Doanh nghiệp có nguy cơ mất dự án “nghìn tỷ” vì chiêu trò có dấu hiệu vi phạm pháp luật” trên báo Pháp Luật thì rõ.
Tóm tắt và ví dụ thế này cho dễ hiểu.
Tôi đến nhà cha con ông Thanh vay tiền, ông ta nói ok, nhưng với điều kiện là phải làm thủ tục chuyển nhượng ngôi nhà mà tôi đang ở cho ông để "làm tin".
Nhà tôi có giá 100 tỉ đồng, nhưng trong hợp đồng này chỉ được “bán” với giá 10 tỉ.
Lãi suất cao mà tôi phải trả sẽ được ghi trong hợp đồng với danh nghĩa “tiền cọc”.
Tôi vẫn trả lãi đầy đủ và đều đặn hàng tháng cho cha con ông Thanh, nhưng có 1 tháng bị chậm chỉ 1 ngày, thế là lập tức cha con ông Thanh “phạt” rồi cướp nhà luôn.
Cũng ngay lập tức tôi gom tiền để trả cả gốc, cả lãi và số tiền bị phạt để hủy cái hợp đồng chuyển nhượng trá hình kia.
Nhưng cha con ông này không chịu. Vậy là căn nhà 100 tỉ của tôi bị cha con ông Thanh “mua” với giá 10 tỉ đồng!
Cũng theo bài báo, có nhiều người đã bị “cướp” theo phương thức này chứ không phải mình tôi.
Đây là chiêu thức lừa đảo vi phạm pháp luật, nhằm chiếm đoạt tài sản đầy dã tâm, độc ác và tàn bạo.
Vụ “con ruồi” mà cha con Trần Quí Thanh đã giăng bẫy, đẩy anh Minh vào tù với 7 năm giam cầm, chắc chưa ai quên được.
Tôi từng biết vài người chuyên làm nghề cho vay tiền cũng với phương thức tương tự, nhưng chưa gặp trường hợp nào tàn bạo và dã man như cha con nhà đại gia này.
Họ làm hợp đồng chuyển nhượng từ điện thoại/xe/đất/nhà, cũng chỉ để làm bảo đảm, rồi nếu khách hàng có kẹt tiền mà chậm trả lãi hàng tháng hay vài tháng, cũng sẽ được thông cảm mà tạo điều kiện, chứ không ăn cướp như “nhà ruồi” – dù họ là dân xã hội đen, sống bằng nghề cho vay “tín dụng đen”.
Vậy, có phải là “đánh tứ sản” hay “nuôi béo rồi thịt” không, chắc mọi người đã tự có câu trả lời.
Nhưng có điều này thì đúng: trong các xã hội đổ nát, thì kẻ nào cũng có thể là tội phạm tiềm năng.
Nhà báo THÁI HẠO
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC