Mấy câu hỏi trong vụ án cha mẹ ở Trà Vinh bán con

Mấy câu hỏi trong vụ án cha mẹ ở Trà Vinh bán con

Quan trọng nhất, luật pháp nghiêm minh nhưng phải hết sức cẩn trọng và đề cao tính nhân văn. Có 4 đứa trẻ phải mất sự chăm sóc và hơi ấm của cha mẹ nếu chỉ cần một sai sót nhỏ của các cơ quan thi hành pháp luật.

1 May Cau Hoi Trong Vu An Cha Me O Tra Vinh Ban Con

Như đã biết, một cặp vợ chồng “bán” (từ do tòa án và báo chí dùng) đứa con thứ tư mới 50 ngày tuổi cho một thanh niên và đã bị Toà án tỉnh Trà Vinh kết án tổng cộng 23 năm tù giam.

Về thực chất của hành vi hai vợ chồng bị án, tôi đã phân tích và đặt câu hỏi ở bài trước, khi mà các tờ báo đều đồng loạt xác nhận một chi tiết quan trọng, đó là hai vợ chồng này trước khi “bán con” thì đã rất có ý thức trong việc tìm một gia đình thật sự có nhu cầu nhận con nuôi và có điều kiện kinh tế tốt để chăm lo cho đứa trẻ; đồng thời “bán” đứa con thứ 4 là để có tiền lo cho 3 đứa còn lại, chứ không phải lạnh lùng, vô cảm như một hành vi mua bán vô nhân đạo (1).

Một chi tiết rất quan trọng khác là về bị can Nguyễn Hữu Dương (30 tuổi, người mua).

Báo Tuổi trẻ (15.1.2024) đưa tin: “Riêng Nguyễn Hữu Dương (22 tuổi, ngụ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang bị một căn bệnh dẫn đến "mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi", cần phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Dương, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi Dương khỏi bệnh, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ phục hồi điều tra, xử lý” (2).

Tuy nhiên, cũng theo báo Tuổi trẻ trước đó (20.12.2022): Dương xuống Trà Vinh để nhận đứa bé sau khi giao cho vợ chồng Tuấn - Nhung 18 triệu đồng, rồi ôm cháu bé trở lại TPHCM trên một xe ô tô do một thanh niên cầm lái. Trên đường đi thì Dương bị công an bắt (3).

Một người đang bị một căn bệnh dẫn đến "mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" vậy Dương lấy đâu ra chừng ấy tiền? Một người mắc bệnh “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” thì khó mà kiếm được tiền từ lao động, còn nếu Dương ăn cắp hay dùng biện pháp phạm tội mà có số tiền ấy thì phạm tội từ đâu, tội gì, khi nào, ai là nạn nhân...?

Hay có ai đó đã đứng sau và đưa tiền cho Dương thay họ thực hiện hành vi “mua bán” này? Nếu thế, kẻ đó là ai? Nhưng dù sao vẫn thật khó hiểu, ai lại đưa tiền cho một người “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” một mình đi thực hiện một hành vi phức tạp đến như thế?

2 May Cau Hoi Trong Vu An Cha Me O Tra Vinh Ban Con

Còn nữa, cũng ở bài báo của Tuổi trẻ vừa dẫn ở trên, viết:

“Tại đây, bước đầu Dương khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội, mà cho rằng chỉ nhận con về nuôi trên cơ sở tự nguyện giữa người cho và người nhận.Tuy nhiên, trước những tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được, Dương đã nhận tội. Dương khai nhận thông qua Facebook, đã kết nối với Nhung và được Nhung đặt vấn đề muốn cho một trẻ sơ sinh làm con nuôi với giá 20 triệu đồng và được Dương đồng ý” (3).

Tôi thắc mắc rằng, với một người đã “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” thì lời khai và sự nhận tội còn giá trị gì nữa? Và tới tình trạng tâm thần như thế, anh ta mua con làm gì? Biết lối nào mà mua? V.v..

Một chi tiết nữa, đó là khi Dương bị bắt thì công an đã thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến các thủ tục cho và nhận con, trong đó có “giấy cam kết cho con”. Một người đã “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” thì làm sao có thể biết bàn bạc để chuẩn bị chu đáo như vậy cũng như khả năng đón xe, di chuyển trên một hành trình dài như thế với một đứa bé trên tay?

Tóm lại, thực hư “căn bệnh” của Dương là gì?

Có những tình tiết và nhân vật nào cần được điều tra để làm sáng tỏ nếu Dương thực sự bị bệnh? Hay, Tòa án tỉnh Trà Vinh có đang quá cứng nhắc trước một hành vi cho và nhận con nhưng do các đương sự thiếu hiểu biết về các thủ tục hành chính mà dẫn đến làm lệch đi bản chất vấn đề và bị kết một án nặng nề đến thế?

Tất cả những câu hỏi này cần được trả lời, ít nhất là trên báo chí để công luận được rõ. Và quan trọng nhất, luật pháp nghiêm minh nhưng phải hết sức cẩn trọng và đề cao tính nhân văn. Có 4 đứa trẻ phải mất sự chăm sóc và hơi ấm của cha mẹ nếu chỉ cần một sai sót nhỏ của các cơ quan thi hành pháp luật.

Một lần nưã, tôi mong muốn các cơ quan tố tụng của tỉnh Trà Vinh sẽ xem xét lại vụ án này.

Tôi cũng mong muốn, những nhà báo công tâm, những luật sư giỏi chuyên môn và nặng lòng với số phận con người cũng hãy quan tâm đến vụ án này để mọi việc được sáng tỏ hơn và để không ai bị oan khuất và bất hạnh, khi mà họ đã có quá nhiều nỗi bất hạnh rồi.

Nhà giáo Thái Hạo


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan