Khuôn mặt chị Diễm bơ phờ sau mỗi lần bốc vác (Ảnh cắt từ video).
Sau đoạn video gây sốt về mẹ bầu 8 tháng bốc vác cả tấn hàng ở Cao Bằng, chị Hoàng Thị Diễm (30 tuổi) cho biết rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân, người xa lạ liên hệ mong muốn ủng hộ gia đình cả vật chất lẫn tinh thần.
Người phụ nữ cảm ơn lòng tốt của cộng đồng mạng, song tâm sự mọi người không nhất thiết hỗ trợ chị và gia đình vì nhiều người còn khó khăn hơn.
"Nghèo thì nghèo thật, nhưng tôi không kêu gọi từ thiện mà chỉ muốn chia sẻ về câu chuyện của hai vợ chồng", chị Diễm nói.
Đón nhận sự quan tâm từ cộng đồng mạng, người mẹ nói tinh thần thoải mái hơn rất nhiều. Nếu được giúp đỡ, cô chỉ dám nhận đủ phần của mình, nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Chị Diễm cảm ơn tình cảm của mọi người, mong san sẻ sự ủng hộ cho những người khó khăn hơn (Ảnh: Tân Văn).
Những ngày sau khi "nổi tiếng" bất đắc dĩ, chị vẫn đi bốc vác, làm thêm việc lặt vặt, ai thuê gì làm nấy. Ở tháng cuối thai kỳ, người mẹ làm việc tùy theo sức khỏe, phù hợp với tình hình của cả mẹ và con.
Sau sinh em bé thứ hai, chị dự định quay lại công việc bốc vác đã gắn bó hơn một năm qua. Người phụ nữ cảm thấy công việc này linh hoạt thời gian, những ngày nhàn rỗi có thể làm ruộng để trang trải thu nhập.
"Lúc có hàng thì đi làm, lúc không thì ở nhà chăm con nhỏ, đưa đón con lớn đi học, quán xuyến gia đình", chị nói.
Vợ chồng chị Diễm không có công việc ổn định, hiện sống cùng bố mẹ vợ tại phường Sông Hiến (TP Cao Bằng). Mỗi lần đánh xe tải chở hàng, anh Khánh đều gọi anh Chu Văn Tải (33 tuổi, chồng Diễm) đến bốc xếp hàng vào kho, tạo công ăn việc làm.
"Thấy Diễm mang thai những tháng cuối, tôi không muốn thuê, nhưng cô ấy luôn đòi đi theo chồng để cùng làm", anh Khánh nói.
Những ngày đầu thấy chồng một mình đi làm mệt mỏi, chị Diễm xin đi bốc vác theo, từ một người chưa biết gì đến thành thạo mọi công đoạn. Trước đây, người phụ nữ từng làm việc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh nhưng đã sớm nghỉ việc do cảm thấy không thích hợp.
Mỗi xe tải chở trung bình 20 tấn hàng, chia đều cho 4-5 người bốc vác. Có ngày, thai phụ bốc được 4 tấn hàng trong vòng 2-3 tiếng.
Anh Khánh nhiều lần động viên chị ở nhà chờ ngày sinh con, anh Tải cũng khuyên vợ dừng bốc vác, nhưng thai phụ không nghe, nói "kiên quyết làm được".
Nỗi lo thường trực với mẹ bầu là đóng học phí một triệu mỗi tháng cho con lớn và trang trải chi phí sinh nở sắp tới.
Khoảnh khắc chị Diễm bốc vác 2 bao tải hàng hóa (Ảnh cắt từ video).
Chị Diễm nói bụng bầu vượt mặt, không nơi nào nhận làm, chỉ còn đi bốc vác. Vì không khuyên được thai phụ "cứng đầu", anh Khánh bất lực để chị làm việc, tạo điều kiện tùy theo sức khỏe.
Mỗi ngày, vợ chồng chị Diễm kiếm được 400.000-500.000 đồng từ công việc bốc vác. Họ gửi con lớn cho bà ngoại chăm sóc, nhờ đưa đến trường mầm non gần nhà.
"Chồng đi đâu thì tôi theo đấy, cố gắng làm việc lo cho gia đình, chứ ở nhà không làm ra tiền, vừa khổ mình vừa khổ chồng", người phụ nữ tâm sự.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC