Hình: Vòng trong là các công ty Thái, vòng ngoài là các công ty có tên tuổi của Việt Nam, nhưng đã bị Thái thâu tóm.
Điểm qua một chút: Đừng quên người Thái đã mua lại hàng loạt chuỗi siêu thị của Việt Nam, như bây giờ bạn bước vào BigC chính là đang vào chỗ của người Thái.
Thái Lan đã vượt qua các cường quốc như Nhật, Hàn để thống trị các lĩnh vực bán lẻ, nước giải khát, bao bì, năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Lợn Việt Nam bây giờ cũng đang ăn cám của Thái dưới cái tên rất dễ gây tự hào, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Vietnam! Ngành chăn nuôi của của Thái Lan ở VN mỗi năm thu về cho họ tiền lãi khoảng 1 tỉ USD – ngang ngửa với Honda của Nhật hay Samsung của Hàn trên đất Việt. Bây giờ chúng ta uống “bia Sài Gòn” thực chất là đang uống bia Thái đấy, ngay cả sữa Vinamilk cũng bị Thái mua hết gần 1 nửa rồi, không biết có trụ nổi không hay cũng rơi vào tay người Thái luôn.
Báo chí nhà nước đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Doanh nghiệp Thái Lan đã thống trị nhiều lĩnh vực trên thị trường Việt Nam, biến Việt Nam trở thành “sân nhà” của họ” (https://nhipsongkinhdoanh.vn/thi-truong-viet-nam-co-tro...)
Đây là chúng ta đang nói về người Thái trên đất Việt Nam thôi, còn nhìn qua bên nước ấy, thì khó lòng mà so sánh.
Chỉ nói về nông nghiệp, tức là ngành mà VN có điều kiện tuyệt vời và “truyền thống” lâu đời nhất, thì riêng chuyện tên trái cây phải luôn đi kèm với tính từ “Thái” phía sau để đảm bảo cho độ “uy tín” thì rõ, như xoài thái, sầu riêng thái, chôm chôm thái, măng cụt thái..., thậm chí đến gạo cũng “thái” nốt. Những lĩnh vực khác thì xin không nhắc đến nữa. Chỉ lưu ý, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Thái đang gấp đôi Việt Nam.
Một cách rộng và căn cơ hơn, theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du (khi so sánh kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, là 2 nước có cùng thể chế chính trị): “Điểm khác nhau cơ bản giữa hai nước là sức mạnh hay khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài.
- Thứ nhất, TQ có nhiều doanh trong nước có quy mô cực lớn và có thể cạnh tranh quốc tế; điều này đang rất thiếu ở VN.
- Thứ hai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vị trí vừa phải trong nền kinh tế TQ, và họ đã tận dụng tốt đầu tư nước ngoài để phát triển các doanh nghiệp trong nước và chuỗi giá trị; nhưng, VN thì ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài có vai trò thống lĩnh, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, và các doanh nghiệp trong nước gần như chưa thể tham gia vào các chuỗi giá trị mà chủ yếu là gia công. Nhìn các chuỗi với Apple, Intel, Samsung là có thể thấy rõ”.
https://www.facebook.com/HUYNHTHEDU/posts/10160648178213744
Tôi nghĩ, bóng đá hay thi “học sinh giỏi quốc tế” thì cứ chơi, đầu tư được thì cứ đầu tư, nhưng cũng nên nhớ: về cơ bản, đó là chỉ là vui chơi. Mà chơi thì không chỉ vui, còn phải đẹp nữa. Quan trọng nhất đối với quốc gia là phải luôn nhắc nhau về tình trạng kinh tế - xã hội của đất nước để tránh những ảo tưởng và tự hào vô lối dẫn đến “vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”, thay vào đó “phải lo mà làm ăn chứ” – như lời một nhân vật trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 12.
Cần dồn tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế, đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ; có chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, chấm dứt tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, làm khó, vòi vĩnh “người nhà”. Để làm được như thế phải cấm xây tượng đài, cổng chào, cấm tổ chức hội nghị hình thức rình rang vô bổ; cải cách và tinh gọn bộ máy hành chính, chống tham nhũng hiệu quả bằng cách tuyên án chung thân không khoan giảm (vì tôi không ủng hộ án tử hình), thu hồi tài sản không để sót...
Bên cạnh tất cả những điều cấp thiết trên thì việc cảnh tỉnh các cấp chính quyền cũng như người dân bằng cách luôn nói rõ, nói thật cho họ biết ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới và đang đối mặt với những nguy cơ và hiểm họa gì, để họ bớt tự hào đi bởi một trận bóng đá mà quên mất việc thất bát nhãn tiền, từ đó mà lo học hành và làm việc cho tử tế.
Phải hình thành trong hết thảy, từ công chức đến dân chúng, cái tâm thế “vội vã như cứu lửa cháy đầu”, thì may ra. Nếu không thì không chỉ “muối mặt” đâu, mà có khi còn phải muối toàn thân.
Có câu, "Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì yên”. Lại có câu, "Thắng người là anh hùng, thắng mình là vĩ nhân". Đây chưa thắng được người mà đã mục hạ vô nhân, thì làm sao còn biết khiêm cung mà học hỏi nữa.
Một nền giáo dục lấy điểm số làm thước đo duy nhất, lấy hơn thua làm động lực, lấy trên dưới làm thành bại; oang oang đọc điểm thi, phân loại học sinh, xếp loại giáo viên, dán nhãn công khai cho tất cả, hồn nhiên khen thưởng và phê bình trước đám đông..., nó không tạo ra những sản phẩm như tờ báo "Văn hóa" này mới là chuyện lạ.
Giáo dục như thế, làm sao người ta có thể thấy được cái niềm vui gì khác ngoài chuyện thắng người, làm sao mỗi lúc hơn người mà không tự mãn đến mức phải chõ sang nhà hàng xóm lớn tiếng khoe lên cho bõ ghét?
Sự ngạo mạn đến hợm hĩnh này có nguồn gốc sâu xa trong tâm lý tự ti nhược tiểu, lại được bồi đắp không ngừng bởi giáo dục thành tích bệnh tật và môi trường xã hội chạy đua hình thức giả dối, coi giàu có, địa vị, danh tiếng là chuẩn mực cốt lõi/duy nhất.
Nhà báo Thái Hạo
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC