Lần trước, có người đã đồn thổi những lời vô căn cứ sau lưng, khiến cho đồng nghiệp hiểu lầm tôi. Lúc đó tôi vừa tức giận lại vừa kinh ngạc. Cá nhân tôi thấy không thẹn với lòng, nhưng tôi rất để ý đến những lời bị bóp méo này, tâm trạng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Sau đó bản thân trầm tĩnh lại, nghĩ: “Nếu đã là chuyện không có thật, mình hà tất lại phải coi nó là thật đây?”.
Đúng thế! “Ám tiễn” (mũi tên bắn lén) vốn dĩ khó phòng, lòng không dứt ra được, lại còn vương vấn. Miệng vốn là mọc trên mặt người ta, những chuyện thị phi thêm mắm thêm muối loại này, ai có thể tránh được đây?
Nếu chúng ta cứ mải hơn thua thì sẽ không có cách nào xử lý ổn thỏa chúng được. Vậy nên, điều quan trọng không phải là “người khác đã nói những gì”, mà nên hỏi bản thân: “Lời người ta nói có thật hay không?”. Nếu như là thật, thế thì không còn gì để nói nữa, nếu trái lại, thì càng không cần phải nói, bởi đó là người ta nói càn.
Như vị thiền sư Thái Lan Ajahn Chah từng nói: “Điều này rất đơn giản, nếu như có người mắng bạn là đồ chó bẩn, việc bạn cần làm chính à nhìn thử phía sau hông mình. Nếu như phía sau không có mọc ra cái đuôi, thế thì mọi chuyện đã được giải quyết rồi”.
Nếu mất công đi giải thích với từng người, bạn sẽ được gì và mất gì?
Ảnh minh họa: Unsplash
Trong quyển sách có tựa đề “Tiệm cháo trắng của tiểu hòa thượng” tôi đã đọc được một câu chuyện như vậy:
Có một tiểu hòa thượng tên là Giới Sân, trong chùa cậu có một sư huynh tên là Giới Ưu. Có một lần anh ấy ra thị trấn mua đồ bị người khác thối cho tờ tiền vừa bẩn vừa cũ rách. Anh cầm tiền đó đi mua đồ nhưng chủ tiệm, người nào người nấy đều không muốn nhận.
Thế là anh liền thuận tay mua xổ số, không ngờ lại trúng ngay giải nhất. Nhưng bởi cũng có rất nhiều người trúng giải đó cùng lúc nên Giới Ưu cũng không có trúng được bao nhiêu tiền, thế nhưng anh cảm thấy rất mừng rỡ, chạy như điên về chùa.
Có một bà thím từ phía đối diện đi đến, thấy vậy liền hỏi Giới Ưu có chuyện gì mà anh lại vui sướng như vậy? Giới Ưu vui vẻ trả lời, anh nói cầm tờ tiền vừa xấu vừa bẩn ai cũng chê đi mua xổ số, ai ngờ trúng ngay giải nhất. Đồng thời anh căn dặn thím ấy không được nói lại với người khác. Không ngờ đến ngày thứ ba, chuyện này đã đồn khắp cả thị trấn.
Giới Ưu sư huynh không nhịn được đi trách cứ thím ấy. Bà rất tủi thân giải thích với Giới Ưu sư huynh rằng bà chỉ nói lẩm bẩm một mình trong lúc đi đường, chẳng may bị người ta nghe thấy.
Lời đồn thổi thật đúng là đủ kiểu đủ dạng. Khi mới bắt đầu, phần nhiều là có liên quan với trúng giải, chỉ là số tiền khác nhau, từ con số 1 triệu đến 5 triệu đồng.
Về sau, phiên bản nhiều lên, nào là Giới Ưu sư huynh bởi đã trúng được số tiền lớn nên muốn ly hôn, cho đến chuyện trúng thưởng chỉ là cái mũ nhưng thật ra là cái cớ để rửa số tiền tham ô có được…
Giới Ưu sư huynh rất bối rối, hễ gặp người liền giải thích, có người thì tin, nhưng cũng có người cho rằng là muốn che đậy tội lỗi.
Giới Ưu sư huynh liền tìm đến thỉnh giáo sư phụ.
Sư phụ hỏi: “Giới Ưu, rốt cục con đã trúng được bao nhiêu tiền?”.
Giới Ưu nói: “Dạ, con chỉ trúng được có 300 nghìn thôi ạ!”.
Sư phụ lại hỏi: “Nếu như sau khi con giải thích với mỗi một người rồi, thì con lại trúng được bao nhiêu tiền?”.
Giới Ưu nói: “Vẫn là 300 nghìn đồng”.
“Vậy sao con còn bận tâm đi giải thích?” Sư phụ hỏi.
Giới Ưu sư huynh như đã hiểu được gì đó, từ đó không còn đi giải thích với người khác về những lời đồn ấy nữa. Lại qua mấy ngày, tâm trạng của anh đã trở nên tốt hơn rất nhiều.
Nếu bạn vì vậy mà buồn bã, thế thì không phải vấn đề của người khác đã trở thành vấn đề của bạn rồi sao?
Ảnh minh họa: Unsplash
Đầu đường cuối phố vốn không thiếu những người cân đo đong đếm, bình phẩm soi mói người khác, nhưng có mấy ai nghĩ đến cần phải cân đo bản thân, lấy gương soi lại chính mình.
Chỉ cần nghĩ thử có bao nhiêu người phê bình Tổng thống, Bộ trưởng hoặc những người đứng đầu trong tôn giáo, thì bạn sẽ thấy được hầu như không có người nào là không bị soi mói bình luận.
Ngay đến các Đức Chúa Giê-su, Đức Phật, Mohammed cũng có rất nhiều người phản đối họ. Trên thực tế, họ vẫn là có lượng người phản đối nhất định. Hơn nữa, nếu như bạn muốn có thành tựu trong một đời, thế thì, chính là sẽ có trở ngại tương ứng theo đó mà đến.
Vậy nên, khi tôi đưa ra một số ý kiến cá nhân cho những người trẻ, tôi vẫn luôn bảo họ rằng, đừng để những lời đánh giá, công kích đó trong tâm. Người khác có thể có các loại lý do, chính là muốn triệt để công kích bạn, nhưng đó là vấn đề của họ, không phải là vấn đề của bạn.
Nếu như bạn vì vậy mà buồn bã, thế thì vấn đề của họ không phải đã trở thành vấn đề của bạn rồi sao? Để ý người khác nói những gì, cho thấy bạn đồng ý với người này. Nếu như bạn không đồng ý với người này, không đồng ý với những lời của anh ta, hà tất phải để ý đến người ta nói gì?
Đúng vậy, rất nhiều lúc, đừng mong rằng mọi người đều sẽ đồng ý với bạn, càng không cần phải lãng phí thời gian và tinh lực giải thích với người ta hết lần này đến lần khác. Như thế chỉ sẽ khiến thân tâm bạn chỉ thêm mệt mỏi. Thử nghĩ, nếu sau khi bạn giải thích với mỗi một người rồi, thì bạn trúng được bao nhiêu tiền?
Có câu nói “thanh giả tự thanh, trọc giả tự trọc”. Có người nói bạn rất hẹp hòi, đây chẳng qua cũng chỉ là người ta nói thuyết tùy tiện, nhưng nếu bạn thật sự rất tức giận, tìm đến anh ta tranh cãi, không phải chứng minh lời người ta nói là đúng với sự thật hay sao?
Có người không phân trắng đen, hiểu lầm bạn, hoặc tùy tiện dán nhãn mác cho bạn, chụp mũ bạn, thì hãy cứ để họ nói đi. Anh ta đang định nghĩa bản thân mình, bạn cũng đang định nghĩa chính mình.
Hãy nhớ, điều quan trọng vốn không nằm ở người đó đã nói gì làm gì, mà ở chỗ bạn đối diện thế nào, điều này sẽ định nghĩa bạn là người thế nào.
Khi người khác đặt điều nói xấu về bạn, nếu bạn không lên xuống theo đó, ai là thứ chẳng ra gì, điều này hiển nhiên đã quá rõ ràng. Nếu người khác nói bạn tà ác, bạn hãy dùng thiện lương để đáp lại, vậy hỏi ai tà ác, không biện bạch cũng tự rõ.
Gió lớn không thể quật ngã được một ngọn núi, và những lời phỉ báng cũng không thể tổn thương một người dũng cảm. Nếu như bạn “bất động như núi”, thế thì chính là không có bất cứ ai có thể ảnh hưởng đến bạn.
Thiện Sinh biên dịch
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC