Chuyện "vui" về thói đố kỵ
Cách đây vài năm, trên một tờ báo xuất hiện một câu chuyện vui của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Một lần, tại một buổi nói chuyện, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã kể một câu chuyện khiến cả khán phòng phải cười ồ lên, nhưng không ai có thể cười được lâu.
Ông Vũ nói vui, nếu mỗi quốc gia đều có một chiếc chảo dầu dưới âm phủ để cho những kẻ phạm tội bị thảy vào thì chắc chắn chảo dầu của người Việt Nam không cần đậy nắp. Đơn giản, nếu kẻ nào ngoi lên là ngay lập tức bị kéo xuống. Chỉ có những nước khác, người ta nâng đỡ nhau, tạo điều kiện để người kia leo lên khỏi chảo thì mới cần tới cái nắp để ngăn họ lại.
Câu chuyện của vị doanh nhân này đã khiến khán phòng cười trong chốc lát, để rồi sau đó đọng lại rất nhiều suy nghĩ về vấn đề nhức nhối: Tính đố kỵ của người Việt Nam.
Tờ báo viết: "Theo ông Vũ, bệnh đố kỵ là một trong những điểm yếu rất lớn trong cuộc sống và công việc vì ngày nay rất cần sự hợp tác, chung tay xây dựng. Người Việt Nam trong nhiều trường hợp còn đố kỵ nhau, khiến làm giảm sức mạnh của chính mình. Vì thế mà có chuyện dẫm đạp nhau, không sẵn lòng hợp tác để tạo thành công chung.
Liên tưởng lại, thật dễ tìm thấy những trường hợp thiếu hợp tác giữa những người cùng hội cùng thuyền. Cá nhân trong một công ty đố kỵ, bất hợp tác với nhau là chuyện cơm bữa. Ngay cả các tổ chức lớn với nhau cũng không tránh khỏi vấn nạn này".
Ông Vũ đã chẩn đoán chính xác căn bệnh "đố kỵ" của người Việt. Nhưng có lẽ ông cũng sẽ không ngờ có một ngày, chính mình sẽ trở thành case study cho ca bệnh phổ cập mà ông đã bắt.
Bắt đúng "bệnh" rồi chính mình "ngã bệnh"
3 năm đã trôi qua, kể từ khi nổ ra cuộc tranh chấp quyền điều hành giữa vợ chồng ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên.
Là một trong rất ít thương hiệu Việt được thế giới biết đến rộng rãi, có tuổi đời hơn 20 năm, những tranh chấp, lùm xùm xảy ra về cả pháp nhân - cá nhân - hôn nhân xoay quanh thương hiệu này đều đặc biệt khiến dư luận chú ý. Dưới đây là diễn biến sơ lược vụ việc.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Từ đó, tranh chấp quyền kiểm soát Cà phê hòa tan Trung Nguyên tiếp tục kéo dài suốt thời gian đó đến nay. Khoảng cuối năm 2015, Trung Nguyên bắt đầu phát ra thông báo việc dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Lê Hoàng Diệp Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa hai vợ chồng bà. Theo đó, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên của vợ.
Bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là "không đảm bảo tính pháp lý" bởi Hội đồng quản trị công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.
Ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy Quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Thảo, đồng thời khôi phục tư cách Phó tổng giám đốc của bà tại Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý tại tập đoàn này.
Nhưng đến ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.
Tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo đối với Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 7/2/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp điều hành giữa các thành viên Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Phó Tổng giám đốc) là nguyên đơn với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng Giám đốc, chồng bà Thảo) là bị đơn.
Tuy nhiên, trong phiên xét xử sáng 7/2, cả bà Thảo và ông Vũ đều không tới tòa mà ủy quyền cho các luật sư tham dự. Ở phần kiểm tra thủ tục, chủ tọa công bố đơn yêu cầu hoãn phiên tòa của đại diện bị đơn phía ông Vũ.
Sau khi hỏi ý kiến đại diện Viện Kiểm sát, luật sư bảo về quyền lợi cho đôi bên, tất cả đều nhất trí, chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa và việc mở lại phiên tòa sẽ xem xét sau đó.
Vụ việc tiếp tục trì hoãn không rõ hồi kết.
Đi cùng nhau thời gian khó, rời bỏ nhau lúc ấm no
Bà Thảo gặp ông Vũ vào năm 1994, khi ông vẫn còn là sinh viên tại Buôn Ma Thuột, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Chia sẻ với tạp chí Forbes, bà Thảo khẳng định gia đình bà đã chu cấp chi phí ban đầu để mở quán cà phê đầu tiên tên Trung Nguyên.
Ông Vũ và bà Thảo kết hôn vào năm 1998. Họ nhanh chóng phát triển thương hiệu cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Theo bà Thảo, bà là người chịu trách nhiệm trong công việc điều hành hàng ngày cũng như thảo luận chiến lược cùng với ông Vũ.
Trung Nguyên trở thành thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc tế khi nhượng quyền thành công tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore... Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần dần chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam, vượt qua cả Vinacafe và Nestlé (vốn đã thâm nhập thị trường Việt Nam 100 năm tính đến 2012). Năm 2012, Trung Nguyên đã sở hữu 5 nhà máy và một chuỗi 40 cửa hàng cà phê khắp trong và ngoài nước.
Suốt quá trình phát triển cho đến trước khi tranh chấp giữa hai vợ chồng xảy ra, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn xuất hiện trên truyền thông một cách đầy cá tính với tư cách đại diện duy nhất và cao nhất của Trung Nguyên.
Trong gần 2 thập kỷ, người Việt và thế giới chỉ biết đến ông Vũ là người đã gây dựng tập đoàn Trung Nguyên trở thành nhà bán lẻ cà phê chất lượng cao của Việt Nam. Còn sự đóng góp của "nội tướng" Lê Hoàng Diệp Thảo với người ngoài gần như không ai hay biết.
Phải đến khi vợ chồng "vua cà phê Việt" đường ai nấy đi và tranh chấp pháp lý nổ ra, người ta mới biết đến hình ảnh chính thức của bà Thảo - xưa nay vốn luôn âm thầm đứng sau ông Vũ. Người ta nhận thấy bà Thảo chăm chỉ xuất hiện hơn trước truyền thông báo chí, liên tục update hình ảnh trên trang cá nhân và quảng bá rộng rãi thương hiệu cà phê mới do chính bà tạo dựng.
Sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty TNI phần nào xuống dốc (tại Trung Nguyên, bà Thảo đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của nước ngoài). Điều này đã thúc đẩy bà Thảo tích cực tìm cách giới thiệu sản phẩm King Coffee ra nước ngoài, trước khi tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Còn ông Vũ thì ngược lại. Ông gần như biệt tăm, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh sôi nổi trước đây của mình.
Điều ước cho ai
Trở lại câu chuyện về thói đố kỵ mà ông Vũ đề cập. Ông Vũ còn kể lại một câu chuyện nữa (ông nghe từ một vị khác). Câu chuyện như sau:
"Một ông bụt hiện lên và nói cho chàng trai một điều ước nhưng với điều kiện nếu chàng trai được một thì người hàng xóm được gấp đôi, chàng trai suy nghĩ mãi và cuối cùng trả lời: "Con ước con chột một con mắt"."
"Tôi muốn cả Trung Nguyên lẫn King Coffee đều cùng thành công", đó là mong ước của bà Thảo chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tạp chí Forbes hồi năm ngoái.
"Tôi đã mất 2 năm để gây dựng King Coffee, và tôi coi nó như con đẻ của mình... Đứa con cả của tôi là Trung Nguyên (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ông Vũ và bà Thảo có con trai đầu tên Trung Nguyên - PV). Tôi không hề có ý định để King Coffee cạnh tranh với Trung Nguyên. King Coffee là nơi tôi hiện thực hóa ước mơ gây dựng nên một thương hiệu cà phê 'Made in Vietnam'", bà Thảo cho hay.
Còn với ông Vũ, hi vọng rằng ông không phải ước điều ước của chàng trai trong câu chuyện của mình.
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC