Một trong những hình thức lừa đảo mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agirbank) cảnh báo. Ảnh chụp màn hình
Ngộp thở các bẫy lừa đảo
Dạo qua một vòng các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bài viết "than vãn", "cảnh báo" về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở tài khoản ngân hàng.
Rất nhiều các chiêu trò lừa đảo được người dân đăng tải, chia sẻ, trong đó chủ yếu là các chiêu trò như tạo tin nhắn giả, thông báo chuyển tiền nhầm và yêu cầu người nhận chuyển tiền lại; mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu người dân cung cấp mã OTP của tài khoản ngân hàng; lừa đảo bằng đường link độc nhằm ăn cắp thông tin;...
Từng nhận được tin nhắn lừa đảo, yêu cầu truy cập vào đường link lạ, chị Lê Hồng Phương (Hà Nội) ngay lập tức phát giác ra chiêu trò lừa đảo của đối tượng.
Cụ thể, chị Phương cho biết, chị nhận được tin nhắn với nội dung tài khoản ngân hàng đã đăng ký dịch vụ quảng cáo trên Tiktok, phí mỗi tháng là 3,2 triệu đồng. Nếu muốn kiểm tra hoặc huỷ thì click vào link...
"Điều đáng nói ở chỗ tin nhắn này có tên rõ người gửi là Vietcombank và điện thoại không xác định đây là thư rác. Tin nhắn chuyển thẳng vào cùng hòm thư của Vietcombank mà mình hay nhận thông tin ưu đãi của ngân hàng, nhận mã OTP,….
Tin nhắn này đánh đúng vào tâm lý người dùng là sợ ai đó làm gì với thẻ của mình nên vội vàng click vào kiểm tra để huỷ, và thao tác này chính là cái bẫy. Khi nhập thông tin tài khoản vào thì kẻ gian đã thu thập đủ thông tin cá nhân và thế là chúng thành công" - chị Phương cho biết.
Mới đây tại Hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng", Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ từng nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc bị lừa đảo tiền trên không gian mạng.
Vị luật sư này cho biết gần đây nhất, một người quen đã bị dẫn dụ vào làm công việc tương tác các clip trên Facebook, hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt. Ban đầu người này được chuyển về tài khoản ngân hàng 10.000 đồng/lần tương tác clip. Sau đó bị dẫn dụ, mất tổng cộng hơn 25 tỉ đồng.
Bà Phương Thảo chia sẻ: Trường hợp nào may mắn thì có thể nhờ cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, tuy nhiên quá trình này cũng không khỏi gian nan.
Nguyên tắc "bất di bất dịch" để tránh lừa đảo
3 nguyên tắc được các chuyên gia khuyến nghị để tránh các hình thức lừa đảo là không truy cập link lạ, do người lạ người hoặc tên miền không đúng chuẩn.
Không tải app nếu không có trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store. Và không nghe tư vấn tài chính qua điện thoại, tin nhắn.
Thời gian qua, các ngân hàng tung một loạt các cảnh báo đến người dân để nhận dạng các hình thức lừa đảo.
Ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tình trạng lừa đảo đang làm suy giảm niềm tin của khách hàng, và là thách thức lớn cho các ngân hàng và cơ quan quản lý.
Ông Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Đáng chú ý, ông Dũng khẳng định sắp tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học, tức xác thực bằng vân tay, khuôn mặt khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Bởi theo thống kê, có 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng.
Nguồn: Báo Lao động
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC