Các CEO người Ấn Độ đang ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vị trí lãnh đạo của họ trong thế giới công nghệ |
CHỤP MÀN HÌNH |
Một sinh viên chưa tốt nghiệp người Ấn Độ bay đến Mỹ để nghiên cứu thường nói gì với bạn bè của họ tại sân bay? “Sau này tôi sẽ làm CEO”. Nghe qua có vẻ như chỉ là câu nói đùa trong lúc tạm biệt, nhưng ẩn chứa trong đó là niềm tin ngày càng tăng mà bất kỳ sinh viên Ấn Độ nào hướng đến Mỹ hoặc thế giới phương Tây ngày nay đều có trong mình, với mong muốn đạt đến đỉnh cao không chỉ ở lĩnh vực học thuật mà còn trong thế giới kinh doanh và công nghệ.
CEO Google Sundar Pichai |
REUTERS |
Câu chuyện về những người Ấn Độ hoặc những người Mỹ gốc Ấn trở thành CEO của các công ty Mỹ và toàn cầu đang gây xôn xao với tần suất lớn đến mức nhiều trường kinh doanh và tạp chí thường xuyên phải đặt câu hỏi. Theo một phân tích năm 2020 của nhóm Boardroom Insiders, khoảng 56 CEO (tương đương 11%) trong danh sách Fortune 500 là người nhập cư. Họ đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng nghiên cứu cho thấy Ấn Độ có nhiều giám đốc điều hành nhất, theo sau là Ý, Anh, Đài Loan, Argentina và Brazil.
CEO Microsoft Satya Nadella |
REUTERS |
Có thể thấy CEO người Ấn xuất hiện trải dài trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, tư vấn, y học, dược phẩm, thời trang, may mặc, hậu cần và thậm chí trong bán lẻ. Nhưng nhận thức cao hơn cả vẫn là vị trí lãnh đạo của họ trong thế giới công nghệ toàn cầu, có thể kể ra một vài ví dụ sau:
- Satya Nadella, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Microsoft
- Sundar Pichai, Tổng giám đốc điều hành Google
- Shantanu Narayen, Tổng giám đốc điều hành Adobe
- Arvind Krishna, Tổng giám đốc điều hành IBM
- Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành Micron Technology
- George Kurian, Giám đốc điều hành NetApp
- Rajeev Suri, cựu Giám đốc điều hành Nokia
- Parag Agrawal, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Twitter thay cho người sáng lập Jack Dorsey vào tháng 11.2021, nhưng ông vừa rời đi sau khi tỉ phú Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này.
Công thức bí mật nào đã nâng tầm các CEO gốc Ấn?
Có nhiều ý kiến thắc mắc rằng tại sao hội đồng quản trị của các công ty công nghệ khổng lồ như Microsoft, Google, IBM và Twitter lại chọn người nước ngoài, đặc biệt là người gốc Ấn, thay vì những người Mỹ có trình độ ngang nhau?
Không có câu trả lời chính xác nào cho câu hỏi vẫn đang được nghiên cứu sâu này, nhưng có khá nhiều lý do hợp lý được tác giả Chidanand Rajghatta liệt kê trong cuốn sách nổi tiếng The Horse That Flew: How India's Silicon Gurus Spread Their Wings, sau gần 25 nghiên cứu và quan sát.
Phần lớn, Ấn Độ gửi những nhân tài tốt nhất và sáng giá nhất của mình về phía tây. Nước này cũng gửi số lượng sinh viên đến phương Tây nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Sự khác biệt lớn giữa sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc là người Ấn Độ quen thuộc và thoải mái hơn với tiếng Anh, với một xã hội cởi mở, các thể chế dân chủ và nền văn hóa tranh luận. Nhiều người trong số họ đã phải trải qua một trong những hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới, có tỷ lệ chấp nhận dưới 2%.
Tuy nhiên, chỉ có 20% CEO gốc Ấn trong danh sách Fortune 500 hiện nay đến Mỹ khi còn là sinh viên, 59% đến bằng con đường xin thị thực làm việc chuyên nghiệp, như vậy phải có những lý do khác nữa. Trên thực tế, không chỉ hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao, mà chính đặc trưng xã hội Ấn Độ nói chung đã góp phần rất lớn.
R Gopalakrishnan, Giám đốc điều hành Tata Sons, nói trong cuốn sách The Made-in-India Manager rằng: “Không có nước nào khác trên thế giới đào tạo công dân theo cách thức đấu sĩ như Ấn Độ”.
Vinod Dham, cha đẻ của Pentium, chip nhớ flash đầu tiên của Intel, từng giải thích điều này như sau: Ở Ấn Độ, xe buýt công cộng không bao giờ dừng lại ở trạm. Trên xe luôn luôn đầy tràn hành khách. Vì vậy, để lên xe, bạn phải cố gắng chạy thật nhanh, thậm chí đu theo xe và chen lấn để có chỗ. Sau đó, bạn đến Mỹ, và bạn thấy gì? Xe buýt đến đúng giờ, gần như vắng khách, tài xế còn hạ thấp chân ga cho bạn lên xe. Cuộc đời là những mảnh ghép đặc trưng khác nhau, Ấn Độ đã chuẩn bị cho bạn phần khó khăn nhất để thành công.
Cần cù và tiết kiệm:
Đến phương Tây sau một cuộc “tranh đấu” gay go ở quê nhà, người Ấn không lãng phí thời gian để tiến lên các nấc thang kinh tế và xã hội. Nếu đến với tư cách là sinh viên, họ không bao giờ sống vượt quá khả năng chi trả của mình. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đa phần họ hoàn thành công việc nhanh chóng, chi tiêu ít nhất có thể và sẵn sàng lao vào công việc.
Khiêm tốn và xây dựng sự đồng thuận:
Bởi vì đã trải qua hoàn cảnh đối đầu gay gắt, các giám đốc điều hành Ấn Độ thường có xu hướng đồng thuận và khiêm tốn. Một lần nữa, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như Vishal Garg, nhưng ví dụ nổi tiếng nhất là Satya Nadella, người được cho là đã thay đổi hoàn toàn văn hóa “khó chịu” của Microsoft mà ông thừa hưởng từ Bill Gates và Steve Ballmer. Email đầu tiên của Satya Nadella với tư cách là giám đốc điều hành gửi cho nhân viên Microsoft bắt đầu bằng: “Hôm nay là một ngày rất khiêm tốn đối với tôi”. Ông nói rõ những hành vi hung hăng không còn được hoan nghênh nữa. Không bao giờ được la hét trong các cuộc họp điều hành, không bao giờ thể hiện sự tức giận quá mức đối với nhân viên hoặc các giám đốc khác, không bao giờ viết email giận dữ. Satya Nadella không ngừng nỗ lực để tạo ra môi trường thoải mái hơn. Kết quả từ sự lãnh đạo của ông là gì? Microsoft đã phát triển từ một công ty trị giá 400 tỉ USD khi ông tiếp quản vào năm 2014 lên hơn 2.200 tỉ USD ngày nay.
Xu hướng cực kỳ trung thành:
Arvind Krishna gia nhập IBM vào năm 1990 và Satya Nadella gia nhập Microsoft vào năm 1992, cả hai đều là người kỳ cựu suốt ba thập niên trong cùng một công ty. Raj Subramaniam chưa bao giờ làm việc ở bất kỳ nơi nào khác sau khi gia nhập FedEx năm 1992.
Truyền thống gia đình:
Trên thực tế, hầu hết CEO gốc Ấn đều xuất thân từ gia đình trung lưu, có cha làm việc trong chính phủ, dịch vụ dân sự, khu vực công hoặc quân đội. Mẹ của họ thường là những người nội trợ dành toàn thời gian và sức lực cho sự thành công của con cái, thấm nhuần các giá trị truyền thống và kỷ luật. Cha của Satya Nadella là sĩ quan, cha của Arvind Krishna nghỉ hưu với tư cách là thiếu tướng, cha của Ajay Banga là trung tướng trong Quân đội Ấn Độ, và cha của Sundar Pichai là kỹ sư tại tập đoàn GEC của Anh. Họ không nghèo, nhưng cũng không quá giàu và có nhiều đặc quyền. Nhưng chắc chắn họ là một phần của tầng lớp tinh hoa trong xã hội Ấn Độ, những người biết rõ con đường đi đến thành công ở phương Tây và đặt nền móng cho con cái họ.
Giấc mơ Mỹ
“Sự nổi lên của các CEO Ấn Độ tại các công ty có trụ sở chính ở Mỹ là điều tái khẳng định mạnh mẽ về nền kinh tế xứng đáng của Mỹ và triển vọng toàn cầu của họ. Mỹ không chỉ cho phép, mà còn tạo điều kiện cho những tài năng xuất sắc nhất vươn lên hàng đầu, không phân biệt chủng tộc hay quốc tịch.
Ngoài ra, đó còn là lời nhắc nhở tuyệt vời về cơ hội mà Mỹ dành cho người nhập cư. Và thực tế là Giấc mơ Mỹ (American Dream) về nền giáo dục tốt, thành công, giàu có và thành tựu luôn dành cho tất cả mọi người”, trích nội dung một bài luận đăng trên tạp chí Forbes.
Không ở đâu mà người Ấn Độ có thể xuất sắc nhiều như ở Mỹ. Bước ra từ quê nhà còn nhiều khó khăn và thiếu thốn điều kiện, người Ấn Độ khi đến Mỹ đã nắm bắt mọi cơ hội bằng cả hai tay.
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC