Bà Năm Nghê 46 năm nay dở điên dở dại vì mất con
Chồng hi sinh ngoài chiến trường để lại cho bà hai đứa con nhỏ. Không còn ai thân thích, bà xem hai đứa trẻ như báu vật. Nhưng trước sự lùng sục và tàn sát man rợ của lính Mỹ, người mẹ ấy phải chấp nhận hy sinh đứa con nhỏ để cứu tính mạng hàng trăm bà con.
Nỗi đau từ chiến tranh
Người mẹ vĩ đại ấy là Lê Thị Nghê (Năm Nghê) năm nay đã bước sang tuổi 80, sinh sống tại thôn Linh Kiều (Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Những người chứng kiến cảnh bà Năm Nghê chôn đứa con trai 4 tháng tuổi ở thôn Linh Kiều chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng mỗi khi nhắc lại sự việc đau đớn này, ai cũng nhớ như in. Ông Trần Hùng (người trú trong hang với bà Nghê lúc đó) kể lại:
“Nếu không có chị Nghê chắc tôi đã không được sống đến ngày hôm nay. Vì chúng tôi, chị ấy phải trả cái giá quá đắt.
Từ ngày đứt từng khúc ruột giết chết đứa con, tâm trí chị không thể nào bình thường được nữa. Vì ám ảnh triền miên mà nhiều năm qua, chị cứ tỉnh điên lẫn lộn. Chiếc khăn của đứa con ngày xưa, đến nay chị vẫn còn giữ. Đêm cũng như ngày, khi mộng mị, chị lại bế chiếc khăn đó hát ru.
Rồi có khi, chị lại đốt nhang, một mình vào rừng miệng nói lẩm bẩm đi tìm mộ con. Mỗi lần nhìn chị như vậy, chúng tôi vô cùng xót xa”.
Chị Lê Thị Liên - con gái bà Năm Nghê vẫn nhớ như in ký ức về ngày mẹ phải tự tay giết em trai. |
Đó là thời điểm sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt những vùng rừng núi các tỉnh Trung Trung bộ. Thượng nguồn sông Thu Bồn (Quảng Nam) lúc đó là “cái nôi cách mạng”, cũng là tâm điểm Mỹ thường xuyên tìm đến càn quét và tiêu diệt.
Sau trận đánh dữ dội vào đầu tháng 8/1969, bộ đội và du kích địa phương xã Quế Tân, huyện Quế Tiên (địa danh được lập theo yêu cầu của công tác chỉ đạo phong trào kháng chiến chống Mỹ, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thì giải thể) đã bắn rơi một máy bay, bắn cháy hai tàu chiến với hơn 50 lính Mỹ chết. Để trả thù, đúng hai tháng sau, giặc cho máy bay rải hàng chục tấn bom xuống xã Quế Tân.
Tàu chiến của Mỹ cũng ngược sông Thu Bồn rồi đổ xuống đây một sư đoàn thủy quân lục chiến nhằm hủy diệt vùng căn cứ cách mạng để bảo vệ tiền đồn Nông Sơn, lá chắn che chở Đà Nẵng, Hội An.
Lúc này ngoài số dân tự sơ tán, hơn 200 người thôn Trà Linh (Quế Tân) được cán bộ và du kích xã đưa vào núi Hòn Kẽm trú ẩn. Bấy giờ, thôn Trà Linh “vườn không nhà trống” nên lính Mỹ tha hồ đốt, phá. Trâu bò cùng vật nuôi bị bắn chết ngổn ngang, làng quê điêu tàn trong khói lửa.
Những ngày đóng quân tại đây, lính Mỹ càn quét lùng sục nhưng không tìm ra một người dân nào tại thôn. Nghi ngờ mọi người đã chạy hết vào núi, bao nhiêu vũ khí, pháo, đại liên... của lính Mỹ xả vào Hòn Kẽm như mưa. Cứ pháo vừa dứt là đến lượt tàu gáo, tàu rọ quần lượn tìm kiếm để tiêu diệt. “Nhưng nguy hiểm hơn là lính Mỹ đi phục từng tốp.
Chiều tối, cứ 10 lính Mỹ đi là cõng trên lưng thêm 10 tên khác. Khi bọn chúng rút về cứ điểm đủ 10 là để lại 10 thằng trên lưng ở lại phục kích.
Nhiều quân dân ta hi sinh thời đó cũng vì không biết trò này”, ông Hùng kể lại.
Do địch chiếm giữ quá lâu, những người trong hang đều đói và khát nước. Một số xung phong ra khỏi hang về rẫy kiếm khoai lang cứu đồng bào. Vậy nhưng, sự lùng sục và mưa bom bão đạn của quân Mỹ khiến những người đó đều một đi không trở lại.
Ông Hùng hồi tưởng:
“Trong những lần chạy giặc trước, chúng tôi đem lương thực đủ ăn ba ngày. Lần này, bà con đem theo lương thực để đủ ăn năm ngày. Ai ngờ lần càn đó, chúng ở tới 10 ngày. Khi đó, dân ở trong hang đói, khát dữ lắm!”.
Không chỉ thế, người dân trú ẩn trong hang Hòn Kẽm lúc đó còn luôn đối mặt với những nguy hiểm rình rập.
Càng ngày, máy bay của Mỹ càng quần thảo nhiều hơn, chúng quyết tìm cho ra và giết bằng hết người dân trong vùng. Chúng vừa bay vừa bắn đại liên, M79, ném lựu đạn M26 vào từng vách núi của Hòn Kẽm. Một vùng núi trước đây cây cối um tùm giờ gần như trở thành bình địa.
Ngày đau đớn tột cùng
Ông Hùng kể, trong hang lúc ấy đa phần là trẻ em, phụ nữ và người già, chỉ có 1 số ít thanh niên trai tráng ở lại, họ chỉ biết nói chuyện với nhau bằng ký hiệu chứ không dám mở lời. Bà Năm Nghê lúc đó 32 tuổi. Sau khi sinh 2 người con, bà biết tin chồng hi sinh trên chiến trường. Lúc đi trú ẩn, bà bế theo hai con nhỏ - con gái lớn Lê Thị Liên (5 tuổi) và con trai nhỏ Lê Tân (3 tháng tuổi).
Tân là cháu bé nhỏ nhất lại đói sữa nên ngày đêm cứ khóc thét, hết người này tới người khác ẵm bồng, dỗ hoài không nín. Mọi người trong hang sợ địch nghe tiếng khóc phát hiện nơi trú ẩn nên rất sợ hãi.
Có người nói: “Nếu không hi sinh đứa bé thì khó bảo toàn tính mạng mọi người trong lúc này!”.
“Nghe nói như vậy, mẹ tôi liền chạy tới giật lấy em trai đang được cô Chín bồng rồi xiết chặt vào lòng. Vừa ôm em, mẹ vừa nói:
“Xin mọi người đừng ép tôi phải làm như vậy. Bây giờ, tôi chỉ có 2 đứa con là người thân thích. Nó mà có mệnh hệ gì thì tôi cũng không thiết sống nữa”.
Vừa nói, mẹ vừa nhìn em, nhìn tôi và nước mắt chảy ròng ròng. Thấy vậy, những người ở trong hang không ai nói thêm điều gì, tất cả đều im lặng rồi xích tới gần ôm lấy mẹ tôi”, chị Liên (con gái bà Nghê) kể lại.
Tiếng súng bên ngoài vẫn nổ. Mọi người ngồi trong hang cảm nhận được lính biệt kích Mỹ đang đến gần hang ẩn nấp. Bà Nghê cũng biết điều đó nên lúc này càng ôm chặt đứa con trai vào lòng.
Sau một hồi im lặng, mọi người nghe thấy giọng bà cất lên nghẹn ngào:
“Xin con hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ không bao giờ muốn đối xử với con như thế này. Mẹ không bao giờ bỏ con. Nhưng để cứu dân làng thì con phải ra đi, con mãi là đứa con mà mẹ yêu thương nhất.
Tội cho con mới ra đời chưa được bao lâu mà bây giờ đã phải ra đi một cách đau đớn như thế này...”.
Nói xong, bà lấy tay bịt miệng đứa con. Phía trên, những giọt nước mắt mặn đắng vẫn không ngừng tuôn trào. Đôi tay của bà nhiều lúc khựng lại, nới lỏng ra mong Tân sẽ nín khóc nhưng cậu bé càng khóc lớn hơn. Sau nhiều lần như thế, bà cảm nhận đứa con đã rời xa mình mãi mãi.
Nhìn cánh tay con đang níu lấy vạt áo mình dần buông thõng, bà nấc lên nghẹn ngào.
Sau khi Tân tắt thở, bà cởi chiếc áo trong người đùm con lại.
Bà bế thi thể Tân, dắt theo đứa con gái lớn bò lên khỏi miệng hang đi về hướng Tây 100m, mặc mưa bom bão đạn. Bà dùng hai tay móc đất ướt lạnh để an táng con.
“Sau khi lấp đất xong, mẹ ngồi thẫn thờ một lúc lâu. Dưới ánh chớp của đạn pháo, mẹ thấy lớp đất trên thi thể em tôi đang rục rịch giống như em đã sống lại. Không hiểu sao, mẹ lại bốc thêm đất bỏ lên phần mộ. Rồi mẹ bế tôi chạy về hang, siết chặt tôi vào lòng, cắn răng nức nở và ngất lịm đi.
Mọi người vây quanh im lặng, ai cũng chảy nước mắt”, chị Liên nghẹn ngào nhớ lại những ký ức đau đớn không bao giờ quên dù khi ấy mới tròn 5 tuổi. Sau khi Tân chết ba ngày thì không ai nghe thấy tiếng pháo rền nữa.
Hàng trăm bà con từ hang núi trở về làng cũ.
Sau đó, những cuộc càn quét tương tự của Mỹ vẫn diễn ra nhưng những lần này có bộ đội chính quy về đánh trả nên dân làng không phải chạy trốn. Thượng nguồn sông Thu Bồn dần trở lại bình yên đến ngày giải phóng. Nhưng đối với bà Nghê, kể từ ngày đó trong lòng người mẹ ấy không có phút giây nào bình yên.
Chị Liên chỉ về hướng hang Hòn Kẽm, nơi mẹ chôn sống em trai để dân làng thoát chết. |
Trao đổi với người viết, ông Lương Phước Nghĩa, Chủ tịch xã Hiệp Hòa cho biết: “Câu chuyện của bà Nghê luôn được người dân trong vùng kể cho nhau nghe với một sự khâm phục. Vì bảo vệ tính mạng của mọi người trong làng mà bà Nghê đã hi sinh đứa con trai. Chính vì lý do đó mà cho đến bây giờ, tâm trí bà luôn trong tình trạng tỉnh điên lẫn lộn. Cuộc sống hiện tại của bà cũng rất nghèo khó. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để giúp đỡ bà nhưng chưa được nhiều”. |
Rất nhiều lần con gái làm đơn xin trợ cấp cho mẹ, nhưng ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp đều trả lời “không biết xếp bà Nghê vào diện chính sách gì”.
Do đó, tới năm nay, khi bước qua tuổi 80, bà Nghê mới chính thức có được 180.000 tiền trợ cấp người già.
baophapluat.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC