Người thành công luôn có những thói quen này

Con người ta ai cũng mong muốn thành công, có người cho rằng thành công là nhờ may mắn.  Tuy nhiên, hầu hết những người thành công lại hoàn toàn ý thức được rằng thành công không hề đến từ may mắn, mà đến từ những gì được suy nghĩ và hành xử mỗi ngày.

Người thành công luôn có những thói quen này - 0

Dưới đây là các yếu tố được đúc kết tạo nên sự thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống:

1. Cần có niềm tin và tâm trong sáng

Người thành công thường là những người có niềm tin mạnh mẽ. Một tỷ phú gây đầy ấn tượng với giới trẻ trong sự nghiệp, Steve Jobs, người đã sáng tạo thành công các sản phẩm với thương hiệu Apple nổi tiếng đã nói trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford (Mỹ) vào năm 2005 như sau: “Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì”.

Còn trước đó, một câu nói khác của ông được tạp chí Newsweek đăng tin vào năm 2001 là “Tôi muốn đánh đổi sự nghiệp công nghệ của mình chỉ để có được một buổi chiều đàm đạo với Socrates“(Socrates là nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng, ông chuyên nghiên cứu nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên).

Hay như Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên tới hơn 72 tỷ đô la Mỹ đã bác bỏ lối suy nghĩ thành công là dựa vào may mắn. Buffett nhấn mạnh rằng bí mật  để thành công chính là sống với một cái tâm trong sáng.

Ông giải thích rằng nếu bạn cố gắng đạt được sự thành công bằng mọi giá, kinh doanh của bạn sẽ phất lên dựa trên sự giả dối, tàn nhẫn và vô đạo đức. Kết quả bạn sẽ thấy, chính sự giả dối, tàn nhẫn và vô đạo đức đó sẽ bám theo bạn trong suốt những năm tháng về sau, việc cắt đuôi chúng khó hơn rất nhiều so với bất kỳ thất bại nào khác mà bạn phải vượt qua.

2. Luôn nhìn nhận sự việc một cách tích cực

Dù bất cứ sự việc gì xảy ra, kể cả những khó khăn trở ngại, người thành công luôn nhìn nhận dưới cái nhìn tích cực. Họ hiểu rằng không có điều gì là ngẫu nhiên xảy ra, khi đối diện với những khó khăn thử thách, thay cho việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho những người xung quanh, họ sẽ tự xem lại bản thân để tìm ra sự thay đổi nào trong suy nghĩ và hành động của họ sẽ khiến hoàn cảnh thay đổi.

Họ cũng hiểu rằng có trượt ngã lần này thì mới có những bước đi vững chắc trong thời gian tới nhờ rút ra được những bài học trong đối nhân xử thế, hay trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn. Như nhà thơ, nhà nhân quyền của Mỹ có tên là Maya Angelou đã nói:“Bạn có thể vấp phải nhiều thất bại, nhưng bạn không nên bị đánh bại. Thực tế, việc đối mặt với thất bại có thể cần thiết để bạn biết mình là ai, bạn có thể đứng dậy từ đâu, làm sao bạn vẫn có thể vượt qua để đạt được thành công”.

Người thành công luôn có những thói quen này - 1

Ảnh minh họa

3. Nhận ra thời gian là một món hàng khan hiếm

Những người  thành công nhận ra rằng thời gian thực sự quý báu đối với họ, họ tập trung để xử lý công việc một cách tận tâm, cố gắng tranh thủ thời gian để làm các việc chứ không phải xem nhẹ các vấn đề để rồi mọi việc cứ trôi qua. Họ nhận ra rằng điều tốt đẹp chỉ đến khi họ thực sự đầu tư thời gian và công sức vào việc đó, việc ý thức được mỗi ngày trôi qua là một ngày không trở lại khiến cho họ sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Nếu ngày hôm nay không có việc gì được thực hiện thì khó có điều thần kỳ nào có thể xảy ra vào ngày mai.

4. Kiểm soát sự thiếu kiên nhẫn, duy trì sự kiên trì 

Thiếu kiên nhẫn có thể đẩy các nhà lãnh đạo tới chỗ quyết định vội vàng, không nhìn xa trông rộng. Những người thành công là những người biết chờ đợi, họ biết rằng nên dành một khoảng thời gian cần  thiết để đánh giá và cân nhắc.Họ suy xét kỹ khi nào cần nỗ lực vượt qua các rào cản hay đơn giản là thừa nhận sự thât đó để bảo toàn nguồn lực.

Đó là lý do dẫn tới họ có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh về dài hạn. Kiên trì là một phẩm chất rất cần thiết để hoàn thành mục tiêu đã được đặt ra. Kiên trì là khả năng bước tiếp sau thất bại. Đừng nản lòng khi gặp những trở ngại hay thất bại, vì chúng ở đó để khiến bạn mạnh mẽ hơn. Kiên trì là một trạng thái tinh thần, là kết quả trực tiếp của thói quen, vì vậy nó có thể được rèn luyện. Như Jim Ryun – vận động viên điền kinh nổi tiếng của Mỹ đã từng phát biểu: “Động lực là thứ giúp bạn bắt đầu. Thói quen là thứ giữ cho bạn tiếp tục bước tới.” Vì vậy hãy rèn luyện những thói quen tốt từng bước một,  kiên trì đi tới đích phía trước thay vì dễ dàng bỏ cuộc như những người chỉ làm theo ngẫu hứng.

Người thành công luôn có những thói quen này - 2

Ảnh minh họa

5. Không chờ đợi cơ hội may mắn mà tạo ra cơ hội đó

Rất nhiều người nghĩ rằng một điều may mắn nào đó sẽ tự tìm đường tới tận cửa nhà họ, nhưng thực tế cho thấy không phải đơn giản như vậy. Những người thành công thường không ngồi đợi, họ tận tâm tìm ý tưởng và lao vào thực hiện ngay khi những người khác còn đang chưa biết nên nghĩ thế nào. Một khi ý tưởng đã trở nên rõ ràng, họ sẽ vạch ra được con đường để biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Việc biết bản thân mình muốn gì là bước đầu tiên và thực sự rất quan trọng để đến được thành công,vì nó giúp họ tự tin vào bản thân và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Kết quả là trên con đường đi tới mục tiêu đó, họ sẽ luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và cuối cùng là được trả công xứng đáng.

6. Không ngừng học tập và thực hành, chuẩn bị kỹ càng khi triển khai công việc

Những nhà doanh nghiệp thành công luôn cảm nhận có nhiều việc mà bản thân chưa biết hết, họ nhận ra rằng cần phải chăm chỉ tìm hiểu và khám phá, những gì đang có không phải là tối ưu. Chính vì vậy, họ luôn tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng cho sự ra đời của những ý tưởng mới.Điều này cũng giống như việc đi tới đích nhờ có bản đồ định hướng sẽ tốt hơn là phỏng đoán hướng đi.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ được thực hiện với sản phẩm mới mà còn cho ngay chính tinh thần của họ. Bởi trên con đường đi tới thành công, có những lúc cảm giác thua cuộc, lo âu sẽ xuất hiện trong tâm trí. Những lúc như vậy, cần nhớ rằng: “Nếu bạn đang đi qua địa ngục rồi, hãy tiếp tục đi tiếp đi” – Winston Churchill.

 

Nhật Hạ


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan