Những điều Cha Mẹ cần biết khi cho con đi du lịch Việt Nam

Những điều Cha Mẹ cần biết khi cho con đi du lịch Việt Nam

Nhiều cha mẹ Lần đầu tiên đưa con về thăm quê hay đi du lịch Việt nam không khỏi bỡ ngỡ về các thủ tục giấy tờ cần thiết. Trong bài viết này là những câu hỏi thường gặp  khi cho con đi du lịch Việt Nam.

1 Nhung Dieu Cha Me Can Biet Khi Cho Con Di Du Lich Viet Nam

Hộ chiếu Đức dành trẻ em (Kinderreisepass) có còn được phép sử dụng không?

Kể từ ngày 01.01.2024 nước Đức sẽ không cấp mới cũng như gia hạn hộ chiếu du lịch dành cho trẻ em (Kinderreisepass) mẫu cũ. Thay vào đó sẽ cấp mới hộ chiếu điện tử gắn chip (elektronische Reisepass) dành cho người dưới 24 tuổi và có thời hạn sử dụng 6 năm.

Hộ chiếu du lịch thông thường cũng như loại dành cho trẻ em nếu còn hạn sử dụng vẫn sẽ tiếp tục có giá trị cho đến khi hết hạn và sau đó phải đệ đơn xin cấp theo mẫu mới.

Người quốc tịch Đức có hộ chiếu còn hạn sử dụng dưới 06 tháng thì nhập cảnh vào Việt nam được không?

Theo Điều 1 khoản a Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 quy định về điều kiện nhập cảnh như sau:

  • Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng
  • Người nước ngoài thời điểm nhập cảnh Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực còn hiệu lực thì sẽ KHÔNG bị hạn chế hộ chiếu phải còn hạn tối thiểu 06 tháng.

Người mang hộ chiếu Việt nam còn hạn sử dụng dưới 06 tháng thì có quyền xuất cảnh ra nước ngoài không?

Theo Điều 1 khoản 11 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 quy định:

Hộ chiếu còn hạn dưới 06 tháng thì công dân Việt Nam vẫn được phép xuất cảnh bình thường.

Người quốc tịch Đức có cần phải có thị thực (visa) để nhập cảnh vào Việt nam không?

Theo quy định Miễn thị thực đơn phương áp dụng từ ngày 15 tháng 8 năm 2023. Công dân Đức được phép nhập cảnh vào Việt nam không cần Visa nếu thời gian dự định tạm trú không quá 45 ngày.

Người quốc tịch Đức muốn nhập cảnh và tạm trú ở Việt nam dài hơn 45 thì phải làm gì?

Người quốc tịch Đức có thể xin Thị thực điện tử Việt Nam (evisa) có giá trị xuất nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần với thời hạn tạm trú không quá 90 ngày. Giá lệ phí 25 USD.

https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/vi_VN/web/guest/trang-chu-ttdt

Đệ đơn xin cấp Visa ở sứ quán Việt nam tại Đức

http://www.vietnambotschaft.org/visa/

Người quốc tịch Đức là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt nam định cư ở nước ngoài được phép xin cấp giấy miễn thị thực nhập cảnh vào Việt nam với thời hạn sử dụng tốt đa 05 năm và có quyền tạm trú không quá 06 tháng. Giá lệ phí 10 USD.

Trẻ em có được phép đi du lịch bằng máy bay một mình khi không có cha mẹ đi cùng?

Về cơ sở pháp luật thì cả hai nước Việt nam và Đức không quy định hay hạn chế độ tuổi nào không được phép bay một mình "thuật ngữ chuyên môn tiếng anh trong ngành hàng không viết tắt là UM (Unaccompanied Minor)".

Tuy nhiên trong vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không nói chung đều phải tuân thủ những quy định và cam kết riêng; Nhằm đảm bảo an toàn bay cũng như trách nhiệm dân sự đối với hành khách.

Vì vậy các bậc cha mẹ hay người giám hộ phải tìm hiểu thông tin về quy định của hãng hàng không sẽ bay để biết được quy định của hãng hàng không để chuẩn bị trước thủ tục ủy quyền cho người thân hoặc sử dụng Dịch vụ trẻ em đi một mình của hãng hàng không.

Để đảm bảo an toàn và tránh phiền toái khi xuất nhập cảnh cha mẹ nên chuẩn bị giấy ủy quyền, bản sao chụp giấy khai sinh của trẻ, hộ chiếu của người ủy quyền và thông tin liên lạc để hãng hàng không cũng như cảnh sát cửa khẩu dễ dàng đối chiếu khi cần thiết. Trẻ được phép bay một mình cũng cần có kỹ năng giao tiếp để chứng minh danh tính của mình khi bị hỏi.

Quy định chung:

+ Trẻ từ 2 đến dưới 6 tuổi hầu hết không được phép đi một mình mà phải bắt buộc đăng ký Dịch vụ trẻ em đi một mình.

+ Trẻ từ 6 đến dưới 13 tuổi có thể đăng ký dịch vụ Tiếp viên đi cùng hoặc người lớn được ủy quyền giám hộ đi kèm.

+ Thiếu niên từ 12 đến dưới 16 tuổi được phép bay 1 mình, chỉ ngoại lệ một số hãng hàng không hay quốc gia nhập cảnh yêu cầu phải có giấy đồng ý của cha mẹ.

+ Thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi không bị giới hạn (coi như người trưởng thành).

Trẻ em đi du lịch nước ngoài với một bên cha hoặc mẹ thì có cần giấy ủy quyền của nửa kia hay không?

Nếu cha và mẹ của trẻ đều có quyền giám hộ thì khi xuất cảnh cần phải có giấy ủy quyền của cha/mẹ không đi cùng.

Giấy ủy quyền để người thân dẫn trẻ đi máy bay một mình có cần phải qua công chứng không?

Trong nhiều trường hợp Bố Mẹ của trẻ không thể đưa con trực tiếp đi bằng phương tiện máy bay thì có thể ủy quyền cho người thân dẫn trẻ bay cùng. Đức và các quốc gia liên minh châu âu (EU) giấy ủy quyền không cần phải qua công chứng cũng như xác nhận của chính quyền.

Tuy nhiên nếu nhập cảnh vào các quốc gia ngoài khối EU thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật của nước đó, ví dụ cần phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương (Rathaus) hoặc đại sứ quán Việt nam.

Mẫu giấy ủy quyền với nhiều ngôn ngữ, tải ở đây:

https://www.adac.de/reise-freizeit/ratgeber/reiserecht/reisevollmacht-kinde

Trẻ em có được phép mang theo hành lý xách tay khi bay không?

Trẻ chỉ được phép mang theo hành lý xách tay theo quy định trên vé với trọng lượng phù hợp cho độ tuổi. Cha mẹ hay người đi kèm không được phép "mang hộ" tiêu chuẩn xách tay của trẻ. Chỉ ngoại lệ cha mẹ bỉm sữa có con nhỏ, có quyền mang theo thêm những đồ ăn uống tã lót của trẻ để phục vụ cho chặng bay.

Trẻ vị thành niên có được phép mang tiền mặt khi xuất nhập cảnh hay không và nếu có thì phải khai báo ra sao?

Về quy định Luật hải quan Đức KHÔNG CÓ GIỚI HẠN SỐ LƯỢNG TIỀN MẶT trẻ được phép mang theo.

Tuy nhiên theo luật Đức có quy định riêng về tư cách pháp nhân theo từng độ tuổi vì vậy việc tự khai báo khi xuất cảnh ở Đức ra khỏi EU sẽ quy định như sau:

  • Trẻ dưới 6 tuổi không có tư cách tự tiêu xài, mua bán vì vậy số tiền trẻ mang theo sẽ thuộc về cha mẹ. Do đó nếu tổng cộng số tiền người đi kèm và bé mang theo từ 10.000€ trở lên, thì người lớn đi kèm phải có trách nhiệm khai báo hải quan.

    Ví dụ con mang theo 2000€ và mẹ 8000€.

  • Trẻ từ 7 - 13 tuổi không có tư cách pháp nhân để tự khai báo vì vậy nếu mang theo từ 10.000€ trở lên, người có quyền giám hộ hay người được ủy quyền đi kèm sẽ phải thay mặt trẻ khai báo hải quan.
  • Trẻ từ 14 - 17 tuổi có đủ quyền tự khai báo với hải quan như người trưởng thành.

Chú ý:

Tiền mặt trẻ mang theo, bắt buộc trẻ phải tự mang bên mình. Người lớn đi cùng tuyệt đối không được phép cầm giúp trong thời gian làm thủ tục bay, nếu tổng số tiền vượt quá ngưỡng 9999€.

Theo ADAC


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan