"Nói về mức phạt vi phạm giao thông mới, tôi chỉ sợ mình vô tình phạm lỗi rồi bị phạt nặng. Thực tế, tôi không bao giờ cố ý vi phạm luật lúc tham gia giao thông. Nhưng nhiều trường hợp trên đường rất tréo ngoe, làm cho tôi phạm lỗi bất khả kháng, như nhịp đèn bị nhỡ.
Hoặc có lần tôi vẫn đang đi đèn xanh còn 5-6 giây và đi qua vạch rồi nhưng phía vuông góc hàng chục xe máy ào ào phi qua ngang mặt vì họ đã chờ sẵn ở giữa đường. Thế là tôi đành phải dừng lại giữa giao lộ, vì nếu đi tiếp thì tôi dù vẫn đúng luật nhưng sẽ gây xung đột, ách tắc và có thể va chạm với dòng xe máy kia. Sau vụ việc đó mất cả năm, tôi có check lại và thấy mình bị bắt lỗi phạt nguội, phải chờ đăng kiểm để xem kết quả.
Rồi nhiều trường hợp như dòng xe quá đông khiến người lái xe không nhìn được vạch hoặc mũi tên chỉ dẫn cũng có thể vô tình vi phạm giao thông... Vậy nên, rất khó đảm bảo tất cả những người có tư tưởng chấp hành luật nghiêm chỉnh sẽ không bao giờ sơ ý vi phạm giao thông.
Nếu chỉ vì một lần sơ sẩy mà mất hàng chục triệu đồng đóng phạt thì theo tôi điều đó không thật thỏa đáng. Trong khi đó, hiện nay, đi trên đường, tôi vẫn thấy nhiều người cố tình không đội mũ bảo hiểm, quay đầu xe không đúng nơi quy định, chạy ngược chiều, đi xe trên vỉa hè... Đó mới là những lỗi xứng đáng bị phạt nặng để răn đe và làm gương".
Đó là quan điểm của độc giả Trương Phi về mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm giao thông mới được áp dụng từ đầu năm 2025. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sáu tháng đầu năm 2024, mức thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng một tháng. Như vậy, mức phạt 4-6 triệu đồng một lỗi vượt đèn đỏ, tương ứng với gần 60% thu nhập trung bình của người lao động, đang được xem là rất cao, thiếu thực tế với mức sống của người dân.
Việt Thành
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC