Sao lại viết tâm thư xin giảm án cho bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu"?

Sao lại viết tâm thư xin giảm án cho bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu"?

Pháp luật có tính bắt buộc chung đối với tất cả các cá nhân, pháp nhân, đơn vị, tổ chức. Việc chấp hành pháp luật là điều kiện cần thiết để duy trì trật tự, ổn định, an toàn và tiến bộ của xã hội. Đã đến lúc không nên có những hành vi viết, ký tâm thư gửi lên tòa án các cấp xin giảm án cho bị cáo.

1 Sao Lai Viet Tam Thu Xin Giam An Cho Bi Cao Vu Chuyen Bay Giai Cuu

Liên quan tới vụ án chuyến bay giải cứu, TAND TP. Hà Nội nghị án 54 bị cáo, dự kiến 14h ngày 28/7, tòa sẽ đưa ra phán quyết với các bị cáo.

Trong thời gian nghị án, tập thể 71 cán bộ và khá đông giáo viên tại Hà Nội đã gửi tâm thư đến hội đồng xét xử, bày tỏ mong muốn cấp sơ thẩm xem xét "giảm nhẹ trách nhiệm hình sự" cho bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ông Chử Xuân Dũng là người bị buộc tội nhận hối lộ 2 tỉ đồng khi duyệt, ký chủ trương để doanh nghiệp thực hiện giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội.

Trong đơn, 71 giáo viên và cán bộ này nêu rằng "khi còn làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp ngành giáo dục xây dựng thành công mô hình THPT công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm 2020; Trong quá trình công tác, ông Dũng luôn là người thầy có tâm đức trong sáng, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạt được nhiều thành tích (?) 

Những người viết "tâm thư" đánh giá rằng, ông Chử Xuân Dũng có "đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội".

Chính vì thế, tập thể 71 người này "mong hội đồng xét xử căn cứ vào những đóng góp của cựu phó chủ tịch Hà Nội, cho ông Dũng được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để ông sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm".

Trước đó, còn nhớ trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, cựu Giám đốc Nguyễn Nhật Cảm đã lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm bằng cách mua bán lòng vòng, ấn định đơn vị trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước.

Phiên phúc thẩm, luật sư của ông Cảm đưa ra danh sách hàng trăm người với nhiều y, bác sĩ xin giảm nhẹ hình phạt cho vị cựu Giám đốc CDC Hà Nội.

Vậy, việc viết, ký tâm thư gửi tòa án các cấp xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên nhìn nhận ở góc độ như thế nào?

Quan điểm thượng tôn pháp luật cũng là một trong những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người dặn mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội phải "giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền nhân dân, tuân theo pháp luật của Chính phủ và mệnh lệnh của quân đội" .

Ngày nay, thượng tôn pháp luật là một trong những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền XHCN, được khẳng định trong Hiến pháp 2013.

Để cụ thể hóa, một trong những nguyên tắc xét xử của tòa án là nguyên tắc độc lập xét xử theo thẩm quyền. Có nghĩa là, tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử để đảm bảo cho việc xét xử không bị lệ thuộc hoặc chịu sự tác động không khách quan từ bên ngoài.

Tòa án xét xử độc lập là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Được quy định tại Điều 103 (Hiến pháp năm 2013). Theo đó, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.

Độc lập xét xử còn có nghĩa là tòa án không bị ảnh hưởng, chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào khác ngoài pháp luật khi giải quyết các vụ án. Độc lập xét xử là cơ sở để tòa án xét xử đúng pháp luật, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, tôi tin, hầu hết những cán bộ và giáo viên này cũng không có đủ thông tin, tình tiết về vụ án và hành vi bị cáo buộc phạm tội của các bị cáo như ông Chử Xuân Dũng. Và cũng không chắc 71 người viết, ký tâm thư xin giảm án cho ông Chử Xuân Dũng đã tiếp cận hay đọc trọn hồ sơ điều tra, cáo trạng về vụ án. 

Có chăng, phần lớn là chỉ dựa trên những kinh nghiệm, cảm xúc hay thiện ý cá nhân.

Còn thực tế, những cán bộ, giáo viên này không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Không phải là người bị hại, người đại diện cho người bị hại… Nói tóm lại, họ chỉ là những người ngoài cuộc,không có nhiều thông tin cũng như tình tiết, diễn biến của vụ án và hành vi bị cáo buộc phạm tội của bị cáo.

Do vậy việc viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo đang bị tòa án xét xử nếu không nhằm mục đích cuối cùng là "can thiệp", "tác động" vào quá trình xét xử thì là gì?

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành, thi hành và bảo đảm thi hành nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân và tổ chức, đảm bảo cho sự phát triển thật bền vững của đất nước.

Pháp luật có tính bắt buộc chung đối với tất cả các cá nhân, pháp nhân, đơn vị, tổ chức. Việc chấp hành pháp luật là điều kiện cần thiết để duy trì trật tự, ổn định, an toàn và tiến bộ của xã hội.

Do đó, đã đến lúc không nên có những hành vi viết, ký những bức tâm thư gửi lên tòa án các cấp để xin giảm án cho các bị cáo nhất là những vụ án như chuyến bay giải cứu hay vụ án từng xảy ra tại CDC Hà Nội.

Đừng nên "can thiệp" vào hoạt động tư pháp của các cơ quan thực thi pháp luật, hãy để cho các cơ quan này được thực hiện công tác xét xử một cách khách quan, công bằng theo đúng quy định của pháp luật, thưa chủ của những bức tâm thư!

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan