Độc giả Trịnh Hằng chia sẻ về những kinh nghiệm về việc chi tiêu trong mỗi chuyến du lịch, đặc biệt với các chuyến đi tự túc. Những lưu ý này sẽ giúp du khách tiết kiệm và hạn chế một số sự cố.
Phụ thuộc vào thẻ thanh toán hoặc tiền mặt
Các quầy đồ ăn trên phố thường chỉ nhận tiền mặt. Ảnh: Trịnh Hằng
Với nhiều phương thức thanh toán tiên tiến, hiện du khách có vô số lựa chọn để chi trả cho chuyến đi. Nhưng cũng vì thế mà nhiều người chủ quan rằng chỉ cần mang theo một chiếc thẻ là có thể mua được mọi thứ. Trên thực tế, ngay cả ở những nước phát triển cũng có nhiều nơi, nhiều lúc không thanh toán được bằng thẻ hoặc bằng app ngân hàng, chẳng hạn như chợ cuối tuần, quầy bán rong trên phố hoặc ở nơi không phủ sóng viễn thông, hoặc phần mềm lỗi, hệ thống trục trặc. Khi đó dù bạn có rất nhiều tiền trong thẻ hoặc hạn mức chi tiêu cao cũng không thể mua được thứ mình muốn.
Ngược lại, nhiều người lại tiếc những khoản phí phải trả cho thẻ ngân hàng nên chỉ mang theo tiền mặt. Nếu rủi ro mất túi hay ví, sẽ rất khó để tiếp tục chuyến đi trong tình trạng không có tiền. Ở một số nơi, người ta sử dụng máy bán hàng tự động chỉ chấp nhận thẻ không dùng tiền mặt, lúc đó du khách không thể mua được đồ dù đang sẵn tiền. Phương án tối ưu là mang theo một chiếc thẻ thanh toán quốc tế được phát hành bởi những hãng uy tín (VISA, MasterCard, JCB, Amex), đồng thời vẫn cầm theo tiền mặt.
Một lưu ý khác là đổi tiền. Nhiều người thường chỉ mang đồng USD theo với suy nghĩ USD ở đâu cũng đổi được. Khi đó, du khách sẽ phải chịu ba lần thiệt thòi về tỷ giá: đổi từ VND sang USD, sau đó đổi từ USD sang đồng bản địa tại nơi đến, và khi về không tiêu hết USD lại đổi từ USD sang VND. Thay vào đó, bạn có thể đổi thẳng từ VND sang tiền bản địa.
Không lên kế hoạch chi tiêu cụ thể
Nếu bạn đi những điểm du lịch quen thuộc, hoặc chỉ đi ngắn ngày, chỉ nghỉ dưỡng trong khách sạn, thì một kế hoạch đại khái là đủ. Nhưng nếu bạn đến một nơi xa lạ và di chuyển nhiều mà không vạch ra lịch trình chi tiết cho từng ngày, thì rất có thể bạn sẽ phải tốn những khoản tiền vô ích.
Chẳng hạn, bạn tốn tiền tàu xe đến một điểm tham quan, rồi đến nơi mới phát hiện họ đóng cửa và bạn phải quay lại vào hôm khác. Hoặc bạn mua vé lẻ đến vài điểm khác nhau với giá cao, rồi sau đó mới phát hiện là có thể mua vé combo nhiều địa điểm với giá rẻ hơn nhiều. Thay vì đến một cụm các điểm ở gần nhau về địa lý rồi chuyển sang cụm khác, thì du khách lại đi lần lượt từng điểm theo mức độ nổi danh trên mạng, cuối cùng mới nhận ra mình đã vòng vèo cả một quãng đường dài vừa ngốn thời gian vừa tốn tiền.
Ít giao tiếp với nhân viên khách sạn
Không biết ngoại ngữ, ngại nói chuyện với người lạ nên nhiều du khách tránh giao tiếp với nhân viên khách sạn hoặc chủ nhà trọ. Đôi khi họ còn sợ rằng nhân viên khách sạn sẽ tìm cách bán cho họ một dịch vụ gì đó.
Trên thực tế, nhân viên khách sạn và chủ nhà trọ (thường là người địa phương) chính là nguồn thông tin rất hữu ích để du khách có thể tham khảo nên đi chơi ở đâu, bằng phương tiện gì, ăn uống thế nào vừa thú vị vừa tiết kiệm. Những chỉ dẫn này có thể rất khác so với sách hướng dẫn du lịch (vốn được tận dụng để quảng cáo cho nhà hàng, cửa tiệm sang trọng), và có thể giúp bạn tiết kiệm khá tiền.
Không lập trước danh sách quà tặng
Hãy lên danh sách quà tặng và đồ lưu niệm để chi tiêu hợp lý nhất. Ảnh: Trịnh Hằng
Đi chơi về sẽ có quà - đó là lời hứa mà nhiều du khách hào phóng nói với người nhà, bạn bè, đồng nghiệp. Trong sự háo hức của mỗi chuyến đi, ít người lập danh sách quà tặng mà thường mua sắm tùy hứng, thấy hay thấy rẻ là mua, rồi về đến nhà mới phát hiện đã tiêu tốn quá nhiều vào quà cáp mà không thể tặng hết, hoặc có tặng cũng không dùng được.
Móc gắn chìa khóa, miếng chặn giấy, áo thun là những đồ lưu niệm phổ biến mà du khách thường mang về nhưng người được tặng lại không sử dụng mấy, đôi khi còn thấy phiền vì không biết để vào đâu. Thay vì mua xả láng, du khách nên lập trước danh sách những người mình muốn tặng quà, và cân nhắc những món đồ thật sự hữu ích hoặc mang nhiều tình cảm, ít mà chất.
Không cân đo hành lý trước chuyến đi
Nhiều người sắp xếp hành lý theo cách áng chừng, mang đồ theo ý thích mà không nghiên cứu trước điều kiện vận chuyển của hãng hàng không, tàu xe. Điều này dẫn đến tình trạng phổ biến ở sân bay, nhà ga là khách phải dỡ hết đồ đạc ra để xem có thể vứt bớt món gì cho vừa với tiêu chuẩn hành lý. Không chỉ có hàng không, nhiều loại hình vận chuyển khác cũng có quy định chặt chẽ về trọng lượng, số lượng và kích thước hành lý, nếu vượt quá sẽ phải trả những khoản tiền kha khá.
Để tránh gặp phiền toái và bị động, bạn nên cân đo hành lý từ nhà, và mang theo cân nhỏ cầm tay trong suốt chuyến đi. Hạn chế mang những món đồ cồng kềnh (như nhiều giày dép, áo khoác lớn, mang mỹ phẩm chai to, hoặc quá nhiều đồ ăn thức uống dự trữ). Hành lý gọn nhẹ không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền, mà tiết kiệm cả thời gian và sức lực cho chuyến đi.
Bỏ qua bảo hiểm du lịch
Bảo hiểm vốn được nhiều du khách Việt coi là "tốn kém" và "vô bổ" vì nghĩ đi chơi thì mấy khi gặp rủi ro. Ngược lại, đây là một khoản chi hữu hiệu để mua sự an tâm và phòng ngừa tình huống xấu. Không ai muốn có rủi ro để được hưởng bảo hiểm, nhưng một khi biến cố xảy ra, lợi ích bạn nhận được sẽ lớn so với phí bảo hiểm. Ngược lại nếu không có bảo hiểm thì số tiền bạn phải bỏ ra để khắc phục biến cố có thể lớn hơn nhiều lần so với tổng số tiền đi chơi. Bảo hiểm du lịch có nhiều lựa chọn và chỉ là khoản tiền nhỏ trong ngân sách của cả một chuyến đi.
Vì thế du khách rất nên cân nhắc mua bảo hiểm cho mình và bạn đồng hành trước khi lên đường.
Trịnh Hằng
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC