Thứ nhất, ông TTTM là người không có lòng trung thực.
Ban đầu ông quảng quảng cáo rầm rộ rằng đây là xá lợi tóc Phật 2600 năm, không những thế, xá lợi còn biết tự chuyển động. Ông hô hào rằng chiêm bái cúng dường xá lợi này sẽ được vô lượng cônng đức, phước báu, để rồi ông kéo được 5 vạn người đến để lạy lục và cúng cho chùa ông từ sự tuyên truyền gian dối ấy.
Nhưng khi bị dư luận bóc phốt và giáo hội Quảng Ninh lên tiếng thì ông lại nói tỉnh rụi rằng dù là xá lợi thật giả gì cũng được, quan trọng là mình thật lòng tin và cung kính, thì đều sẽ mang lại phước báu cả.
Ông lên Ban trị sự GHPG tỉnh sám hối, nhưng về đến chùa là ông tiếp tục giọng cũ. Ông ngụy biện và lấp liếm đủ điều, thản nhiên coi việc mình vừa nhận lỗi như chưa hề diễn ra.
Không chỉ có thế, ông không những không thành thật với bản thân trước tín đồ của mình, ngược lại còn tổ chức cho họ đi tác chiến khắp nơi; cả ông và tín đồ của ông đều đấu khẩu với dư luận suốt gần một tháng nay, kiên quyết không nhận sai.
Ông loanh quanh, ngụy biện, biến báo, lên bổng xuống trầm, cốt thao túng cho được tín đồ bằng miệng lưỡi không xương của mình. Vậy ông “sám hối” chỗ nào? Thản nhiên lừa dối cả xã hội nhưng vẫn ngồi tòa cao nói đạo lý, ông thật dũng cảm.
Từ vụ “oan gia trái chủ” năm 2019 đến “cúng dường sớt bát” năm 2022 và bây giờ là “xá lợi tóc Phật”, ông chưa bao giờ thành thật với chính mình và mọi người.
Một tu sĩ mà thiếu sự trung thực đến mức thành trơ tráo như thế thì còn thua cả người đời đang phải bon chen kiếm sống nơi vỉa hè, bến xe. Ông lấy gì để làm phạm hạnh và dẫn dắt đại chúng?
Thứ hai, về nội dung giảng pháp của ông.
Cố nghe ông giảng để coi ông theo tông phái nào nhưng mãi rồi cũng chẳng thể biết.
Ông nói về đủ thứ chuyện, đủ thứ đạo lý nhưng rồi loanh quanh mãi cũng chỉ thấy quay về quả báo và cúng dường. Có lẽ giáo phái của ông là giáo phái cúng dường chăng? Ông giảng giải nhân quả một cách thô thiển, ông quy mọi thứ về oan gia, ông giải quyết mọi chuyện bằng cái gọi là công đức, công quả.
Phật pháp của ông là Phật pháp công đức, và công đức của ông là cúng chùa giàu (chùa ông). Phật giáo, một tư tưởng mang tính hiện sinh tích cực lấy con người cá nhân, lấy sự tự chủ, tự giác, tự do làm động lực đã bị ông biến thành một thứ thần quyền đáng sợ, biến con người thành một thứ nô lệ yếu đuối sống bằng dựa dẫm, sợ hãi và khiếp nhược.
Tư tưởng cao đẹp, thanh sạch, và đầy sức sống của Phật trở nên méo mó, dị dạng và độc hại từ lời nói và việc làm của ông. Phật pháp là tư tưởng giải thoát, giải thoát khỏi tham sân si, giải thoát bằng trí tuệ và hùng tâm tráng chí của con người, nay qua lời ông nó trở thành phương tiện cầu tài, cầu lộc, cầu an với thái độ khiếp nhược.
Ông có đang đoạt mất tương lai huệ mạng của người khác?
Thứ ba, điều khiến tôi lo lắng nhiều nhất là các em nhỏ.
Mỗi năm có hàng chục vạn học sinh về chùa ông để học trong các “khóa tu” do ông tổ chức. Tôi đã nhìn thấy ông chỉ tay lên trời và nói với bầy học sinh non nớt, ngây thơ, cả tin đang vây quanh rằng ông đã nhìn thấy bồ tát.
Ông đưa một học sinh đang làm những hành động kỳ dị ra trước hàng ngàn học sinh khác và nói rằng cô bé bị vong nhập vì 14 kiếp trước đã dùng sắc đẹp để mê hoặc người khác, ông và bà Yến bảo không được trang điểm nữa và phải công quả, cúng dường để giải nghiệp...
Tô lo lắng, nhằm những mục đích cá nhân nào đó, ông diễn giải sai lạc về Phật pháp cho nhiều thế hệ trẻ - là tương lai của đất nước này, rồi mai đây sẽ các em sẽ thành những con người thế nào? Chúng ta sẽ phải chứng kiến một thế hệ thanh niên sống trong mê tín, bạc nhược, yếm thế... Rồi xã hội sẽ đi về đâu?
Đất nước đang cần những lớp người cường tráng về thể chất và tinh thần, biết nỗ lực lao động, sáng tạo, biết sống có ý thức công dân và trách nhiệm xã hội, nhưng với những sự ru ngủ và bơm thổi bao nhiêu thứ mê lú kia vào đầu ở tuổi thiếu niên, rồi đây các em sẽ thành gì?
Tôi nghĩ, câu chuyện của chùa Ba Vàng và ông TTTM không còn là chuyện riêng của Phật giáo nữa, đó là một vấn đề xã hội và thuộc về trách nhiệm xã hội mà ở đó ai cũng ít nhiều liên đới, nếu không phải bây giờ thì sẽ là ngày mai.
Là một người từng đi dạy, tha thiết về những thế hệ học sinh biết sống có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với xã hội bằng kiến thức khoa học và tinh thần dấn thân sôi nổi để kiến tạo và xây dựng, tôi thực sự lo lắng về những gì đang diễn ra nơi cái gọi là các “khóa tu” và các hoạt động truyền bá hàng ngày ở BV. Đó là vài lý do tôi không thể không lên tiếng.
Nhà giáo Thái Hạo
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC