© Ảnh:Sinh viên cần tỉnh táo để tránh xa những cạm bẫy - MỸ QUYÊN
“Việc nhẹ lương cao”
Nguyễn Văn Q. (hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) bùi ngùi kể lại: “Là sinh viên lần đầu xa nhà, vì hoàn cảnh khó khăn, nhập học chưa được một tháng em đã kiếm việc làm thêm. Được nhận vào làm phục vụ tại một quán nhậu ở Q.Tân Bình với thời gian chủ yếu làm ca tối đến 11-12 giờ mới xong. Tiền kiếm được không là bao trong khi đi làm quá xa, ảnh hưởng nhiều tới thời gian học. Đúng lúc đó thì em đọc trên Facebook có nội dung cần tuyển nhân viên bán thực phẩm chức năng với mức lương khá hấp dẫn. Em vội vàng đến nộp hồ sơ. Cùng nộp với em có rất nhiều sinh viên các trường khác. Người quản lý hứa hẹn nếu thiết lập được mạng lưới bán hàng lớn mạnh thì tiền hoa hồng được trả rất cao, có thể lên tới vài chục triệu một tháng mà không cần tốn công sức như đi phục vụ”.
Nghe thấy số tiền kiếm được lớn như vậy, Q. rất hào hứng mà không biết mình đang bị cuốn vào mạng lưới bán hàng đa cấp lúc nào không hay. Q. bắt đầu đi lôi kéo bạn bè, người thân mua hàng với những lý lẽ, cách thuyết phục học được từ người quản lý. Tuy nhiên, cả tháng trôi qua không những không bán được bao nhiêu hàng, mà Q. còn phải tự bỏ tiền túi ra bù vào cho đủ định mức. “Số tiền này em xin từ ba mẹ, mà em phải nói dối là tiền học thêm ngoại ngữ, tiền đi kiến tập… Đến lúc không thể tiếp tục được nữa, em kể lại với người chị họ thì chị khuyên em phải dừng lại nếu không muốn nợ nần chồng chất, bỏ học giữa chừng. Thật may em đã dứt ra được”, Văn Q. cho biết.
Khác với Q., Nguyễn Thu Th., sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM lại suýt bị rơi vào một “cạm bẫy” khác. Th. vốn xinh đẹp như hot girl nhưng vì hoàn cảnh gia đình không khá giả nên phải làm việc bán thời gian tại một nhà hàng ở Q.3 để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy Th. ưa nhìn, một vị khách thường xuyên đến ăn và mỗi lần ra về đều để lại số tiền “típ” hôm thì 500.000 đồng, hôm thì cả triệu đồng khiến Th. “choáng váng”. Sau vài lần như vậy, vị khách hỏi số điện thoại của Th. và rủ đi cà phê.
Thu Th. chia sẻ: “Anh ấy hứa sẽ lo cho em suốt 4 năm học với điều kiện mỗi lần anh ấy đi công tác ở đâu là em phải nghỉ học để đi cùng. Em suy nghĩ mất mấy hôm và quyết định đổi số điện thoại. Em nỗ lực 12 năm đèn sách để đậu ĐH vào ngành mình mong muốn cơ mà. Đi làm thêm vất vả một chút nhưng em có thể đàng hoàng bước tiếp con đường của mình”.
Cẩn trọng với các mối quan hệ mới
Nguyễn Văn Q. cho rằng, ngay từ đầu các tân sinh viên phải xác định nhiệm vụ chính của bản thân là học tập. Vì thế, cần nhận biết việc nào gây ảnh hưởng xấu tới mục tiêu này, nếu ảnh hưởng xấu thì phải lập tức gạt bỏ. "Các bạn tân sinh viên hãy tìm đến những hoạt động, công việc lành mạnh, chọn bạn để chơi, có chuyện gì thì có thể chia sẻ với thầy cô để nhờ tư vấn", Q. tự rút ra bài học.
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng đưa ra lời khuyên dành cho sinh viên lần đầu xa nhà: “Các em năm nhất hết sức cảnh giác với những 'lời đường mật' của các đối tượng đa cấp. Thỉnh thoảng vẫn có những công ty hoàn toàn mới lạ, không rõ nguồn gốc đến tận trường giới thiệu việc làm, thông báo tuyển dụng với những ngôn từ như: cách làm thoáng, thu nhập cao, làm mọi lúc mọi nơi, phù hợp với sinh viên... Đây thực chất là những công ty đa cấp biến tướng".
Cũng theo thạc sĩ Cường, nhiều nơi ép sinh viên muốn được tuyển dụng phải bỏ ra một khoản tiền để mua sản phẩm trước. Các bạn sinh viên năm nhất vừa từ các tỉnh lên thành phố nhập học nên rất dễ bị lừa, đi vay tiền bạn bè hoặc xin tiền gia đình để bắt đầu công việc, sau đó cứ bị cuốn vào không thoát ra được.
Nguồn: Báo Thanh Niên
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC