Tâm sự của chàng Tây khi bị người Việt “nói xấu sau lưng”

“Thằng Tây bị ế”, anh chàng tuyên bố, và một số người ngồi cùng bàn cùng anh ta cười ngặt nghẽo, không ngờ rằng “thằng Tây” lại rất sõi tiếng Việt.

 

 

Jesse Peterson là một chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Thái Bình. Trong bài viết gửi riêng cho chúng tôi, anh chia sẻ về vài tình huống mình gặp phải khi những người xung quanh không biết Jesse giỏi tiếng Việt.

Tôi đến Việt Nam làm việc và sinh sống đến nay được 5 năm, trong đó 4 năm ở Sài Gòn.

Nhưng nhiều người Việt Nam khi nhìn thấy tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác thường có suy nghĩ là họ không biết mình nói gì. Vậy nên khi đứng cạnh tôi, họ vẫn thản nhiên nói chuyện về tôi, nhưng tôi luôn giả vờ không hiểu. Tôi cảm thấy họ đang nhìn tôi như một đứa trẻ bất lực với những gì họ đang nói.

Người Việt Nam nhìn thấy tôi thường nói “Hello!” và cười khúc khích, hay nói “How are you?” “Vinamilk!”, có lúc lại nói là “Tây ba lô”. Điều đó thật dễ hiểu vì những người nước ngoài ở Việt Nam đa số không biết tiếng Việt.

Có lần tôi đến Hà Nội để gặp hai người bạn.Chúng tôi đã lên một chiếc xe taxi để đi đến trạm xe buýt. Hai người bạn muốn đi cùng tôi vì lo tôi sẽ bị lừa khi đi một mình. Khi vào taxi, người lái xe không biết tôi hiểu tiếng Việt. Ông nói với bạn tôi: “Sao phải đi cùng với ông Tây thế? Sao không bỏ lại luôn “.

Tôi hiểu và tỏ ra khó chịu, lúc đó tôi nói lớn tiếng:

“Cái gì? Vậy thì bây giờ tôi sẽ đá anh ra khỏi xe và tôi sẽ lấy xe của anh tự lái, còn anh đi bộ nhé! Thích như vậy không?”. Người lái xe taxi nhìn tôi sợ hãi.

Tôi tiếp tục nói: “Ra ngoài đi! Bây giờ đây là xe của tôi.

Hai người bạn của tôi ngồi phía sau xe buồn cười vì anh ta bị tôi nói cho sợ hãi và họ khiến tôi cười theo. Lúc đó người lái xe taxi cũng nhận ra tôi đang đùa thì anh ta đã cười nói với vẻ mặt ngạc nhiên: “Anh biết tiếng việt à? Giỏi quá!”.

Tâm sự của chàng Tây khi bị người Việt “nói xấu sau lưng” - 0

Jesse Peterson – một chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Thái Bình

Khoảng hai năm trước, tôi đi đến một quán cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh. Một cô phục vụ đến bàn tôi, đợi tôi chọn đồ. Ánh mắt cô ấy nhìn tôi với vẻ sợ hãi . Tôi nói với cô ấy:

“Em ơi, cho anh một cà phê sữa đá, ít sữa nhé.”

Hình như cô ấy không hiểu, tôi nghĩ trong đầu hay cô ấy không nhận ra tôi đang nói tiếng Việt, nhưng chắc chắn tôi đã nói rất rõ ràng”. Và đúng như tôi nghĩ, cô ấy ngập ngừng: “Em không biết nói tiếng Anh”.

Tôi trả lời: “Anh đâu nói tiếng Anh đâu”. Khuôn mặt của cô vẫn lo lắng, sợ hãi và cô ấy kêu gọi giúp đỡ. Thấy vậy, tôi nói rất chậm: “Em! Anh biết tiếng Việt. Anh đang nói tiếng Việt với em, cho anh một cà phê sữa đá nhé!”.

Nhưng có vẻ như cô ấy vẫn không tin tôi nói được tiếng Việt. Một khách hàng ngồi gần tôi liền nói:

“Em ơi, ông ấy biết tiếng Việt đấy, lấy một cà phê đi” .

Cô cười rồi kêu lên: “Trời ơi!”.

Tôi không quên dặn cô ấy: “Nhớ ít sữa nhé em!”.

Cô ấy đã bớt lo lắng hơn, còn mỉm cười trả lời tôi nhưng mặt cô ấy đỏ lên và tôi đoán cô ấy đang xấu hổ.

Một lần khác, khi tôi đi xe buýt về Thái Bình. Một người khách ngồi trong xe đã nói:

“Tây ba lô này đi Thái Bình à?”. Tôi nói lại bằng tiếng Việt: “Cái gì mà Tây ba lô! Người Tây đi du lịch mặc áo ‘ba lô’ đắt t tiền hơn quần áo của bạn”. Sau đó, tôi nhìn vào bộ quần áo của ông ấy từ trên xuống: “Bạn biết một cái ba lô đi du lịch là bao nhiêu tiền không? Một ba lô có giá hơn 100 USD. Tất cả quần áo bạn đang mặc không đến 5 USD”.

“Tất cả mọi người trên xe buýt có vẻ bị sốc khi tôi có thể nói tiếng Việt. Có người đàn ông khác tò mò: “Gái Việt Nam đẹp nhất đúng không?”. Trên thực tế có rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Thông thường tôi chỉ trả lời có, bởi vì thật sự nhiều cô gái Việt Nam rất xinh đẹp. Tuy nhiên, lúc ấy tôi đang khó chịu vì một người đàn ông đã kêu tôi là “tây ba lô”.

Vì thế, tôi nói: “Không! Làm sao đẹp được, người nông dân mà đẹp à! Rất nhà quê.” Nhưng sau đó, tôi ngạc nhiên bởi vì rất nhiều người trên xe buýt cười thật to khi tôi nói như vậy và đa số là phụ nữ.

Cách đây vài năm, tôi có đi đám cưới một người bạn ở Sài Gòn.

Tôi đã đến muộn một chút, khi đó một số khách nam đã uống khá nhiều bia. Nhân viên phục vụ sắp xếp tôi ngồi chung bàn với những người lạ.Tôi nghĩ hình như họ độc thân. Một người đàn ông có vẻ đã say, tôi không nghĩ rằng anh ấy vui khi thấy tôi.

Anh ấy đã tạo nên một trò đùa về tôi bằng tiếng Việt để trêu chọc tôi và để được mọi người thích hơn vì hài hước. Còn những người phụ nữ trong bàn không nói chuyện với tôi vì họ có vẻ sợ tôi.

Tâm sự của chàng Tây khi bị người Việt “nói xấu sau lưng” - 1

Anh ấy hỏi tôi:

How old are you?” (bạn bao nhiêu tuổi).

Tôi thấy cách phát âm của anh ta thực sự khó hiểu hay nghe rất mắc cười. Tôi nói bằng tiếng Anh: “32”, đồng thời giơ ngón tay của tôi để cho anh ta đếm .

“You wife?” (bạn vợ?) anh ấy cười nhạo tôi. Tôi mỉm cười một cách lịch sự.

“No, no wife”. Anh ta cười lớn và nói bằng tiếng Việt với mọi người:

Thằng Tây bị ế” và một số người ngồi trong bàn cũng cười, anh ta cũng cười ngặt nghẽo. Tôi thực sự không thích anh ấy, nhưng tôi vẫn lịch sự: “Vâng. Em bị ế rồi. Phải tự nấu cơm, tự lau nhà”. Lúc nghe tôi nói tiếng Việt thì mọi người tỏ ra bất ngờ, rồi người đàn ông đó tiếp tục nói: “Sống như con gái “, với thái độ chế nhạo .

Tôi chỉ cười và trả lời: “Dạ vâng, như con gái.”

Tôi có thể thấy rằng anh ấy không hài lòng khi biết tôi nói được tiếng Việt. Tuy nhiên, những phụ nữ trong bàn đã thay đổi cách cư xử với tôi. Họ rất thân thiện, cười tươi với tôi.

” Anh biết nấu cơm à? Anh giỏi quá!”, một cô gái bên cạnh đã nói với tôi.

Một cô gái khác cũng hỏi: “Sao anh biết tiếng Việt hay quá vậy?”. Họ cười và đã thực sự tò mò về tôi. Cứ thế, họ nói và hỏi chuyện về tôi rất nhiều.

Người đàn ông tỏ ra không vui, rồi anh ta đã đứng lên đi qua các bàn khác bắt chuyện. Tôi quay sang hỏi: “Vợ ông ấy ở đâu? Chắc không có! Vậy ông ấy ế sao?”, tôi cười to.

Theo Người đưa tin


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan