Ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh, người vừa bị kết luận dùng bằng thạc sĩ giả, có tới 2 bằng đại học, 2 bằng thạc sĩ, 1 bằng sĩ.
Ông Thắng không là cá biệt. Rất nhiều cán bộ sai phạm hoặc bị bắt, người nào cũng có nhiều bằng đại học và có một chút “sĩ”. Họ học lúc nào thì ma không biết quỷ không hay.
Nếu tính bằng cấp cán bộ trong hệ thống hành chính, Việt Nam đáng lẽ phải có một nền hành chính công chất lượng top đầu thế giới. Nhưng thực tiễn thì ngược lại!
Tôi vẫn nhiều năm lấn cấn về chuyện những người làm quản lý hành chính thì tham gia học thuật để làm gì? Vì hai lĩnh vực vốn dĩ rất tách biệt.
Một người quản lý hành chính “chém vè” giờ công đi học hoặc đào tạo từ xa, học cuối tuần như chim bói cá, không thể có chất lượng. Đề tài của họ sẽ khó có hàm lượng tri thức cao.
Thế nhưng bất chấp, ngành ngành địa phương thậm chí còn lấy tiền thuế của dân để cho cán bộ đi học lấy “sĩ”. Điều này là rất vô lý!
Đặc biệt nở rộ trong những năm gần đây là đề tài về đảng. Đề tài về đảng có vẻ như dễ được cấp thạc sĩ tiến sĩ hơn các lĩnh vực khác. Nên quá trình hoạt động đảng uỷ phường hoặc lịch sử đảng một quận cũng có thể dễ dàng được cấp đề tài tiến sĩ thạc sĩ.
Thẳng thớm mà nói, những đề tài đó không giúp bông lúa ngoài đồng của nông dân được thêm hạt nào, không giúp gì được cho thị dân được vơi bớt chút nhọc nhằn nào.
Những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ trong hành chính và ban bệ đang khiến cho tri thức và học thuật bị rẻ rúng. Nó khiến cho nhân dân có cảm giác rằng những học hàm học vị được trọng vọng xưa nay chỉ có tác dụng trang điểm, “làm sĩ làm sang” cho cán bộ.
Hay hiểu ngắn gọn, đó là vấn nạn tham nhũng học thuật!
Nguyễn Tiến Tường
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC