Mùa hè 2018 nóng ran không chỉ bởi nhiệt độ lên cao, mà còn bởi chuyện thi vào THPT của lứa “dê vàng” Quý Mùi.
Hành trình tìm một suất cấp 3 cho con đã trở thành “đoạn trường” gian nan của không ít phụ huynh nếu con không thể “thẳng cánh” vào công lập. Nào là điểm chuẩn lớp 10 nhảy múa như… chứng khoán. Nào là bở hơi, kiệt sức rút hồ sơ trường này, nộp hồ sơ vào trường kia. Nào là chầu chực, khóc lóc, van xin, thậm chí… chửi thề vẫn không nộp được hồ sơ vào lớp 10 cho con.
Mới cách đây vài hôm, một người bạn của tôi kể nhóm phụ huynh có con cái học lực khá giỏi lớp con cô ấy đang hoang mang, than van vì con trượt cấp 3 công lập, nhưng đường vào dân lập cũng đang rối ren vì những chỗ muốn đăng ký nay đã hết suất.
Tất nhiên, các gia đình “nhà có điều kiện” thì chẳng cần quá lo lắng, vì có thể cho con chọn luôn một trường dân lập, thậm chí trường quốc tế với chi phí cao, nhưng theo đánh giá chung về chất lượng thì “đắt xắt ra miếng”. Khi cho con đi theo con đường đó thì khi hết phổ thông, các cháu gần như chắc chắn theo định hướng đi du học. Bởi công thức chung kéo dài suốt từ mẫu giáo đến vào đại học, chẳng hạn như kỳ thi THPT “tích hợp” với đại học vừa qua, dường như đóng kín cửa với các cháu học sinh các trường quốc tế và dân lập đắt tiền ở Việt Nam.
Nhưng những gia đình không có điều kiện (chiếm số đông) và con “lỡ bước” với trường công lập, thì đau đầu hơn nhiều. Họ đứng trước một lựa chọn: nhóm trường dân lập thứ hai, kém chất lượng hơn và thường mang tiếng là “dân lập chứa các cháu thi hỏng”, với nỗi lo ngay ngáy con có thể bị hư hỏng do học ở môi trường không tốt.
“Cuộc đua” bắt đầu từ rất sớm
Không thể phủ nhận rằng tình trạng hiện nay có “vai trò to lớn” của nền kinh tế thị trường, khi mà người ta dồn về các thành phố lớn để định cư nhằm hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục… và quan trọng hơn cả là cơ hội kiếm sống và làm giàu.
Con tôi hiện nay đang học thêm ở một “trung tâm bồi dưỡng kiến thức” thuộc một trường ĐH ở Hà Nội, thì 2/3 số cháu là ở ngoại tỉnh. Trong đó một nửa là mới chuyển lên Hà Nội được vài năm nay và nửa còn lại là lên Hà Nội học thêm vào cuối tuần, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Mười vào các trường THPT công lập ở Hà Nội và các trường chuyên. Trong khi đó, người bạn kể quê anh ta, chỉ cách Hà Nội có 70km thì các trường THPT không có đủ học sinh nhập học.
Cuộc đua chuyển cấp bắt đầu từ rất sớm. Ảnh minh họa |
Vấn đề tăng dân số cơ học là câu chuyện chung của nhiều thành phố trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng với một nước như nước ta khi mà ngành giáo dục vừa thiếu, vừa yếu lại vừa lệch lạc trong tư duy hoạch định chính sách, thì tình trạng trở nên trầm trọng gấp bội. Cuộc đua của các bố mẹ bắt đầu thậm chí ngay từ thời con học mẫu giáo. Có lẽ chưa có nơi nào kỳ lạ như xứ ta khi mà các cháu nhẽ ra, hoàn toàn bình đẳng về “đánh giá học thức và năng lực” khi bước chân vào lớp Một, thế mà lại phải thi tuyển.
Con tôi học ở trường tiểu học dân lập mà “nhiều người mơ ước” nhưng chính tôi cũng là người cực kỳ thất vọng với cái “đáng mơ” đó khi mà ngay đầu vào người ta đã loại hết các cháu điểm thi tuyển không đạt chỉ vì quá tải. Và sau đó nếu các cháu có vấn đề về học tập và đạo đức, thì cũng có bồi dưỡng và nếu không đạt nữa thì đề nghị cho… chuyển trường. Như thế thì là phản giáo dục chứ!
Còn “trận chiến” vào Cấp 3 thì thực ra bắt đầu rất sớm chứ chẳng chờ đến cuối Cấp 2. Cháu lớn của tôi bắt đầu cuộc đua đầu năm lớp Bảy, vì ai cũng nói đây là năm bản lề để chuẩn bị cho “vào Mười” và “cái gì cũng khó, cả văn lẫn toán”. Cuộc đua của con nhưng cũng là của bố mẹ, vì đó là mấy năm làm “xe ôm” vật vờ chờ con trước cửa lớp học thêm, đón con ở lớp này, giúi vào tay con cái bánh mì và “phi” đến lớp khác. Đó là tôi còn được coi là một “phụ huynh tiến bộ”, nghĩa là đã cố gắng giảm thiểu tối đa vụ “chạy đua học thêm” của con.
Chuyện chạy đua học thêm, nhồi nhét cho con mới là bước đầu, sau khi có điểm thi là đến cuộc chạy đua rút hồ sơ ở trường này nộp vào trường khác, còn kinh khủng hơn thi đại học. Mà đúng là “kinh khủng” thật, vì nếu con chúng ta không đỗ vào trung học phổ thông thì đúng là thảm họa, trượt đại học còn không sánh bằng. Có lẽ chưa có ngành nào gây ra cho tâm lý con người nhiều nỗi thống khổ bằng ngành giáo dục, với những chính sách tuyển sinh đầu cấp như hiện nay.
Lỗi tại cơ cấu xã hội và tâm lý chung của các bậc cha mẹ – tất nhiên là phần lớn khi dồn gánh nặng lên ngành giáo dục ở một số địa phương trọng điểm. Nhưng dù nhìn nhận thế nào, cũng không thể nói cách cạnh tranh ngành giáo dục đặt ra cho các cháu là lành mạnh được, mà nó còn có nguy cơ làm tổn thương tâm lý của chúng.
Nhìn ra nhiều nước, tại sao họ không áp dụng cách “làm giáo dục” như chúng ta, học sinh học một mạch từ nhỏ đến hết phổ thông, mà học sinh của họ giỏi hơn học sinh của chúng ta ở hầu hết các phương diện. Nhu cầu tìm ra một cách tiếp cận mới cho tuyển sinh các lớp đầu cấp đã cấp thiết lắm rồi, vì hệ lụy lâu dài của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thế hệ trẻ. Ngành giáo dục còn nợ “đáp án” đến bao giờ?
Phúc Lai (VietnamNet)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC