Ở một mình là cô đơn, tự cách ly khỏi xã hội hay tính cách lập dị? Thực tế, chẳng có gì là sai khi bạn thích dành thời gian một mình nhiều hơn thời gian tương tác xã hội. Đó là khi bạn cần thời gian cho riêng mình, tạo ra sự thư giãn cả về tinh thần lẫn thể chất.
Nếu cho rằng người có tương tác xã hội cao, thích thú với các hoạt động tập thể, tụ tập bạn bè hoặc người thân là người hạnh phúc thì không hoàn toàn chính xác. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm Lý của Anh đã đề cập đến vấn đề mức độ thông minh của một cá nhân, mật độ dân số và tình bạn có ảnh hưởng như thế nào đến sự hạnh phúc.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 15.000 người ở độ tuổi từ 15 đến 28 tuổi và nhận thấy kết quả đáng ngạc nhiên. Những người có chỉ số IQ cao hiếm khi hài lòng với những hoạt động đông người. Họ thường dành thời gian ở một mình nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì điều đó. Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà tâm lý học Satoshi Kanazawa cho biết: “Mật độ dân số và mối tương quan xã hội có liên quan mật thiết đến tình cảm, cảm xúc của một cá nhân. Những người được khảo sát bày sự tỏ hài lòng khi họ ở một mình là nhóm người có IQ cao”.
Vậy tại sao những người thông minh lại thích ở một mình? Nhóm người thích ở một mình thường tập trung vào vấn đề gì nếu họ không đi ra ngoài, gặp gỡ người khác? Những người có IQ cao dành ít thời gian cho việc tụ tập bởi vì họ không muốn gián đoạn sự tập trung vào công việc, dự án và suy nghĩ quan trọng. Đặc biệt, người làm việc đòi hỏi tính sáng tạo và nghiên cứu luôn cảm thấy vui vẻ cho dù họ ở một mình.
Nghiên cứu cho thấy người thông minh thường dành rất ít thời gian giao lưu xã hội vì họ quá bận rộn vào những mục tiêu dài hạn. Họ không muốn mất thời gian vào những hoạt động mà họ không cảm thấy hứng thú và không dẫn tới kết quả mong muốn.
Thích ở một mình không phù hợp với sự phát triển cộng đồng? Não bộ của người hiện đại có nhiều điểm tương đồng với não bộ của người nguyên thủy. Điều đó có nghĩa là con người sẽ càng thông minh hơn nếu hòa nhập và cạnh tranh khi sống trong môi trường cộng đồng. Đó là điều tất nhiên nhưng những người có IQ cao không phải là người sống tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Họ chỉ thích dành thời gian để liên kết nội tâm, từ đó giúp họ thích nghi và cân bằng trong mọi hoàn cảnh. Mục tiêu lớn của họ là khai thác hết tiềm năng của bản thân.
Theo Trí thức trẻ/Lifehack
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC