Nếu ở TP.HCM, bạn đang băn khoăn chưa biết đi đâu vào dịp Tết Nguyên đán hoặc chưa lên kế hoạch đi chơi xa trong dịp này, có thể tham khảo top 10 điểm vui chơi tại thành phố mà chúng tôi gợi ý sau đây:
Phố ông Đồ
Đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên của Sài Gòn mỗi dịp Tết đến, phố ông Đồ (Nhà Văn hoá Thanh niên, quận 1) luôn là điểm đến không thể bỏ qua. Một không gian xưa, đậm hương vị Tết cổ truyền được tái hiện giữa lòng thành phố hiện đại đã khiến bao tâm hồn xao xuyến.
Các hoạt động tại phố ông Đồ đã trở nên quen thuộc trong suốt 16 năm qua là đường mai vàng, xin chữ ông Đồ, các trò chơi dân gian, các chương trình biểu diễn nghệ thuật...
Phố ông Đồ dịp Tết Nguyên đán 2020. (Ảnh: Thy Huệ)
Tết Nhâm Dần 2022, phố ông Đồ có thêm dịch vụ cho thuê áo dài Tết để khách chụp hình với giá 100.000 đồng/2 tiếng/bộ người lớn và trang phục trẻ em có giá 50.000 đồng.
Xen lẫn không gian đường mai, phố ông Đồ năm nay có thêm hệ thống sân khấu mini để những du khách đến đây theo nhóm có thể dễ sắp xếp vị trí đứng chụp hình.
Phố ông Đồ và đường mai khai mạc vào tối 16/1, phục vụ khách tham quan tới 12h ngày 29 Tết (tức 31/1/2022), nhưng vẫn duy trì các không gian chụp hình đến hết mùng 5 Tết.
Đường hoa Nguyễn Huệ
Đã thành thông lệ hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền, TP.HCM sẽ mở cửa đường hoa Nguyễn Huệ (phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1) để phục vụ du khách đến tham quan và chụp ảnh. Đây là một trong những địa điểm được nhắc đến nhiều nhất mỗi dịp lễ Tết tại thành phố.
Năm nay, từ ngày 18/1 (16/12 âm lịch), linh vật hổ của năm Nhâm Dần đã có mặt tại đường hoa Nguyễn Huệ. Công trình đang được tất bật thi công để chuẩn bị khai mạc.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2022.
Mỗi chúa sơn lâm trong hình tượng "song hổ tương phùng" cao 3m, dài gần 7m, được tạo thành từ những lát thép, inox cắt gọt tinh tế. Cuối đường hoa, linh vật hổ cao 3,5m, dài 8m và nặng gần 2 tấn được làm từ chất liệu sỏi.
Những phân cảnh nổi bật của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là tán rừng cây cao bóng cả do 51 cây lộc vừng cao 3 - 4m, được bố trí thành 5 dãy; hoa thơm cỏ lạ và những cánh đồng lúa.
Đặc biệt, ngay vị trí trung tâm ở đoạn giữa đường hoa năm nay là không gian TP.HCM tri ân đồng bào cả nước đã dành tình cảm tương thân, tương ái, những lực lượng tuyến đầu chống dịch đã dành trọn tâm nguyện, sự hy sinh, sát cánh cùng thành phố trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 sẽ mở cửa phục vụ du khách từ 19h ngày 29/1/2022 đến 17h ngày 4/2/2022 (từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết).
Hội hoa xuân Tao Đàn
Hàng năm Hội hoa xuân Tao Đàn luôn là điểm đến thu hút nhiều người dân, du khách của TP. HCM vào Tết cổ truyền. Năm nay, theo kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân lần thứ 42 và Chợ hoa Tết Nhâm Dần năm 2022 của UBND TP.HCM, người dân được miễn phí vé vào cổng, thay vì phải mua vé như mọi năm.
Hội hoa xuân Tao Đàn 2022. (Ảnh: Danviet.vn)
Hội hoa xuân năm nay sẽ tổ chức trưng bày triển lãm và dự thi ngành hoa kiểng với quy mô trên 3.000 hiện vật đạt tiêu chuẩn thuộc các bộ môn: hoa sứ, hoa ôn đới - hoa kiểng - kiểng lá - kiểng có trái - cây quý hiếm, đá cảnh - cây khô, kiểng cổ - bon sai, tiểu cảnh - non bộ, hoa lan, hoa mai, cắm hoa - mâm quả, cá cảnh, xương rồng...
Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động Tết cổ truyền như: biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian (múa rối, đờn ca tài tử...). Các trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, các sân chơi vẽ tranh, triển lãm tranh, các hoạt động khéo tay dành cho thanh thiếu nhi, biểu diễn thư pháp tiếng Việt, trà đạo, văn hóa ẩm thực.
Hội hoa xuân Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 chủ đề "Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái" được tổ chức từ ngày 27/1 đến ngày 6/2/2022 (từ 25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết) tại Công viên Tao Đàn (quận 1).
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng
Lễ hội hoa tại khu vực cầu Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng (quận 7) đã được tổ chức liên tục trong 11 năm qua. Điểm nổi bật của Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng so với nhiều hội hoa xuân khác là tạo cảnh độc đáo, sinh động và khác biệt trong mỗi năm.
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng 2022. (Ảnh: PMH)
Năm nay, đường Xuân - cung đường uốn quanh Hồ Bán Nguyệt là nơi để Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Nhâm Dần 2022 truyền tải những chủ điểm trang trí của năm, tái hiện không gian Tết từ nhiều miền trên cả nước.
Ngay cổng vào đường Xuân là hình ảnh đặc trưng của miền Tây sông nước với những chiếc xuồng ba lá chở đầy hoa trái nhẹ trôi trên dòng sông hoa cách điệu. Không gian miền Tây được thể hiện đậm nét hơn trên mặt Hồ Bán Nguyệt, với mô hình chợ nổi, ghe thuyền xuôi ngược, chất đầy những sản vật địa phương.
Một chút bản sắc Tây Nguyên cũng được tái hiện với mô hình nhà rông, biểu tưởng đặc trưng, nơi diễn ra các nghi lễ truyền thống, các sự kiện cộng đồng, hội họp buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ba Na, Gia Rai …
Không gian văn hóa Bắc bộ được thể hiện qua những tiểu cảnh thanh bình quen thuộc của làng quê như chiếc cổng làng, cây rơm hay giàn bầu bí trĩu quả. Đặc biệt, một loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Bắc bộ là Hát quan họ cũng được tái hiện qua mô hình chiếc nón quai thao đường kính 4m.
Hội hoa xuân trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với chủ đề “Xuân an vui” diễn ra từ ngày 28/1 - 4/2 (từ 26 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) tại khu vực Hồ Bán Nguyệt. Chợ hoa Tết phục vụ từ ngày 25/1 - 31/1 (tức 23 - 29 tháng Chạp).
Phố Tây Bùi Viện
Vào những ngày Tết cổ truyền, phố Tây Bùi Viện (quận 1) là địa điểm vui chơi yêu thích của giới trẻ Sài Gòn. So với Tết Dương lịch thì Tết Nguyên đán ở đây không đông đúc bằng, nhưng Bùi Viện vẫn là địa điểm hấp dẫn để tụ tập cùng đám bạn những ngày xuân.
Điểm thú vị của phố Bùi Viện những ngày Tết là bạn có thể cảm nhận được sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây hài hòa và tinh tế.
Vào những ngày Tết cổ truyền, các hoạt động văn hóa dân gian của Việt Nam sẽ được biểu diễn theo phong cách nghệ thuật đường phố của người Tây Âu.
Phố Tây Bùi Viện (quận 1).
Công viên văn hóa Đầm Sen
Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) không chỉ là địa điểm chơi Tết thú vị mà còn là nơi để các bạn trẻ “sống ảo” cực kỳ hấp dẫn.
Năm nay, để người lao động xa quê có thêm điểm vui chơi dịp Tết, Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ tổ chức chương trình đón Tết đặc biệt cho khoảng 10.000 gia đình công nhân, lao động với tên gọi Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng TP.HCM.
Trong những ngày Tết, các gia đình sẽ được miễn phí vé vào cổng, phục vụ bữa ăn miễn phí và tham gia các trò chơi tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Chương trình còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ, sân khấu ca múa nhạc, tạp kỹ, tham quan vườn hoa đặc sắc, chụp ảnh lưu niệm... dành cho người tham gia.
Công viên văn hóa Suối Tiên
Tới Công viên văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức), du khách sẽ được tận hưởng phong cảnh tự nhiên và ngắm nhiều loại thú quý hiếm. Du khách còn được đắm mình với thủy cung với hàng trăm loài cá bơi lội trong hầm kính.
Bên cạnh đó, nhiều công trình mới hoành tráng phục vụ nhu cầu vui chơi ngày Tết cũng được đưa vào hoạt động. Trong đó có thể kể đến Tứ Phước Môn Hồng Phúc Dinh mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, đem đến tài lộc may mắn cho du khách bốn phương.
Các công trình tâm linh của Suối Tiên như Long Hoa Thiên Bảo, Thánh Tượng Quán Thế âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Phật Địa Mẫu… là những điểm đến ý nghĩa để du khách cầu mong an lành, hạnh phúc. Đây là địa điểm thích hợp để cả gia đình đến vui chơi trong những ngày Tết đến xuân về.
Công viên 23 tháng 9
Với vị trí đắc địa, tọa lạc ở khu vực trung tâm, Công viên 23 tháng 9 (quận 1) trở thành điểm đến vui chơi quen thuộc của người dân và du khách.
Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Công viên 23 tháng 9 là một trong những Chợ hoa xuân lớn nhất Sài Gòn với 800 lô và hàng ngàn loài hoa từ Bắc - Trung - Nam hội ngộ về đây. Đặc biệt đào xuân từ ngoài Bắc chuyển vào tập trung ở Chợ hoa Công viên 23 tháng 9 với vô vàn kiểu dáng, kích cỡ để người dân lựa chọn về chưng Tết.
Vào những ngày đầu năm, Công viên 23 tháng 9 còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ xuyên suốt Tết Nhâm Dần 2022.
Chợ hoa Công viên 23 tháng 9 năm 2021. (Ảnh minh họa: H.Tuyết)
Lễ hội Đường sách Tết
Lễ hội Đường sách Tết Nhâm Dần 2022 diễn ra từ 18h ngày 29/1 đến 22h ngày 4/2 (từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) trên 3 tuyến đường thuộc quận 1 gồm: Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và Đường sách TP.HCM.
Trên tuyến Nguyễn Huệ có chủ đề “Xuân chia sẻ”, triển lãm xuất bản phẩm, tư liệu, hình ảnh chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022); trưng bày triển lãm xuất bản phẩm, tư liệu, hình ảnh chủ đề “TP.HCM và cuộc chiến chống dịch COVID-19; triển lãm “Tôi yêu Thành phố tôi”; triển lãm báo Xuân Nhâm Dần năm 2022.
Tuyến Ngô Đức Kế có chủ đề “Tự hào Thiếu nhi Thành phố Bác” với gian hàng sách thiếu nhi, khu vực trải nghiệm công nghệ và sách điện tử, khu vui chơi dành cho thiếu nhi, trưng bày các tác phẩm tranh do thiếu nhi vẽ về lực lượng phòng, chống dịch.
Tuyến Mạc Thị Bưởi có chủ đề “Khơi nguồn tri thức”, trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú, đặc biệt là sách về y tế, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt, tại đây trưng bày và giới thiệu không gian sách nói - xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới, trong đó có Việt Nam; trưng bày khu ATM sách.
Cầu Ánh sao
Thay vì đến những địa điểm nêu trên, bạn và người thân có thể đến cầu Ánh Sao (quận 7) vào các buổi tối dịp Tết Nhâm Dần để được thưởng thức những ánh đèn lung linh và huyền ảo và cùng chụp những bức ảnh kỷ niệm ấn tượng nhất.
Dù hơi cách xa trung tâm thành phố, nhưng đây vẫn là địa điểm chơi Tết ở Sài Gòn được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Cầu Ánh Sao được trang bị hệ thống đèn led tượng trưng cho những ngôi sao sáng lấp lánh trải dài xuyên suốt dọc hai bên hông cầu. Nhìn từ xa, cây cầu giống như một dải ngân hà với hàng ngàn vì sao soi sáng.
Với những gợi ý trên, chắc hẳn các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đi chơi ở đâu tại TP.HCM. Chúc bạn và gia đình có một năm mới ấm áp và hạnh phúc!
THY HUỆ (tổng hợp)
Nguồn: vtc.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC