Trên các diễn đàn cha mẹ, diễn đàn giáo viên mầm non, hình ảnh những bát mì tôm "không người lái" tại lớp mầm non độc lập Zing Zing (Hà Nội) vẫn được chia sẻ. Đi cùng đó là những trăn trở, tâm tư của người làm cha mẹ, người thầy…
Là người mẹ có con nhỏ, cô Đặng Ngọc Sâm, giáo viên tại một trường mầm non tư thục ở TPHCM chia sẻ, cô nghẹn lòng khi nhìn mâm mì tôm dành cho trẻ.
Hình ảnh bữa ăn mì tôm "không người lái" tại nhóm lớp độc lập Zing Zing, Hà Nội (Ảnh: PHCC).
Cô Sâm cho hay, đưa mì tôm vào thực đơn cho trẻ nhỏ 1-2 tuổi là điều khó chấp nhận. Đã vậy, mì tôm còn không có chút rau, chút đạm - những thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong khi phụ huynh phải đóng khoản chi phí không nhỏ.
"Khi người lớn là những người làm giáo dục cho trẻ ăn mì tôm không thì họ đang ăn gì? Tôi phải nói rằng, người ta đang ăn trên chính bữa ăn của trẻ, đó là "cái ăn" ăn vào lương tâm, lương tri con người", cô Sâm bức xúc.
Theo thông tin sự việc, phụ huynh có con tại lớp mầm non độc lập Zing Zing phản ánh lớp mầm non này cho trẻ nhỏ ăn mì tôm, kèm ảnh chụp mâm có 8 bát mì "không người lái" và vài hộp caramen.
Người này cũng chia sẻ hình ảnh của những bữa ăn khác, khi là bát cháo loãng không thịt được nấu với nước lèo và rau xay nhuyễn, khi là bữa cơm trắng với ít giò băm nhỏ trộn lẫn trong nước sốt.
Trong khi, phụ huynh gửi con ở đây với chi phí 4,35 triệu đồng, riêng tiền ăn là 50.000 đồng/ngày.
Sau phản ánh từ phụ huynh, nhóm lớp này đã bị cơ quan quản lý đình chỉ hoạt động từ ngày 9/8.
Bữa ăn học đường gây xót xa, chua chát qua hình ảnh bát mì tôm không phải là chuyện bây giờ mới có.
Cuối năm 2023, dư luận bàng hoàng trước hình ảnh bữa ăn bán trú với món mì tôm trộn cơm tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Theo phóng sự chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, bảng thực đơn ghi mỗi học sinh một gói mì tôm và một quả trứng nhưng thực tế 11 em ăn chung hai gói mì tôm nấu loãng trộn với cơm.
Cạnh đó, thực đơn liên quan đến thịt, giò, rau xanh... cũng được cho là có những bất thường.
Bữa ăn mì tôm trộn cơm tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cai (Ảnh chụp lại clip).
Kết quả thanh tra từ cơ quan quản lý cho thấy thông tin bữa ăn bán trú của học sinh Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bị cắt xén.
Sau sự việc, hiệu trưởng nhà trường xin từ chức. Mới đây, người này cũng bị khai trừ Đảng với nhiều sai phạm trên cương vị hiệu trưởng, trong đó có sai phạm thực hiện không đúng chế độ, chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh.
Mì tôm - thực phẩm tiện lợi và có giá thành thấp - dường như là hình ảnh phần nào thể hiện bữa ăn trường học méo mó, biến dạng, thậm chí bị "rút ruột".
Những bát mì chay, mì tôm trộn cơm trắng của học sinh trong trường học không đơn thuần chỉ là một bữa ăn. Phía sau bát mì là trách nhiệm, lương tâm của người quản lý trường học
Nhưng chất lượng, an toàn của bữa ăn học đường không chỉ ở bát mì tôm. Thực tế, thời gian qua có hàng loạt bữa ăn học đường được phát hiện teo tóp hay sử dụng thực phẩm hư hỏng, không nguồn gốc. Đau đớn hơn đã có trường hợp trẻ mất mạng vì ngộ độc thực phẩm từ suất ăn bán trú.
Cần nhìn thẳng, thể chất, chiều cao của người Việt đến nay vẫn là nỗi tự ti trong công cuộc hội nhập thế giới và cả năng suất lao động.
Tổng điều tra toàn quốc năm 2020 cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới, nữ đạt 156,2cm. Chiều cao của người Việt đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Khoa học đã chỉ ra, yếu tố di truyền chỉ quyết định khoảng 23% chiều cao của trẻ, trong khi đó yếu tố dinh dưỡng đóng góp đến 32%.
Đời sống được nâng cao, giờ đây các gia đình đã quan tâm và có điều kiện để chăm chút bữa ăn cho con trẻ. Nhưng ngoài bữa ăn gia đình, sự phát triển của hàng triệu học sinh trong cả nước phụ thuộc vào bữa ăn học đường. Bữa ăn luôn làm phụ huynh phải thom thóp, lo lắng...
Phụ huynh tại TPHCM trong buổi đối chất với nhà trường, cơ quan quản lý về chất lượng bữa ăn học đường (Ảnh: Hoài Nam).
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển thế chất, bà Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia giáo dục độc lập ở TPHCM cho hay, phía sau bát mì tôm ở trường học còn là câu chuyện về đổ vỡ niềm tin.
Hình ảnh đó đạp đổ những bài học về sự trung thực, về sự ngay thẳng, chính trực, về trách nhiệm, lương tri những người làm giáo dục ngay trong môi trường học trò được học những bài học về đạo đức.
Theo bà Anh, dân gian có câu "Miếng ăn là miếng nhục" để nói về cảnh nghèo đói, túng quẩn nhưng trong trường học, trong môi trường giáo dục miếng ăn phải là miếng sạch. Cái sạch phải bắt đầu từ chính lương tâm của người lớn, từ người thầy, từ nhà quản lý.
Còn một khi người ta có thể "ăn cả trên bữa ăn" của trẻ thì làm sao có thể đặt niềm tin vào những vấn đề khác?
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC