"Trẻ Tây tự lập một phần vì bố mẹ biết trân trọng osin"

Làm bảo mẫu ở Canada, chị Thu Hương nhận ra rằng, các bậc cha mẹ ở đây không bao giờ làm gì khiến con coi thường người giúp việc.

 

Chị Thu Hương, 30 tuổi, đang sống cùng chồng và hai con tại Canada. Đã tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng khi theo chồng ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, bằng cấp của Thu Hương không được công nhận, chị ở nhà chăm con. Khi có ông bà sang chơi và hỗ trợ chăm các bé, chị Hương đi làm người trông trẻ cho các gia đình bản xứ. Chị chia sẻ những quan sát của mình về cách người dân ở Canada sử dụng giúp việc trong gia đình.

Đến nay, tôi đã làm giúp việc tại Canada được hơn một năm rưỡi.

Lần đầu, cách đây 3 năm, tôi cũng từng giúp việc cho một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Việt, cả hai đều là giáo sư. Anh chị làm việc ở nhà nên lúc nào họ cũng có thể phải nghe giọng hát ru eo éo của tôi (vì tôi hát rất to) và giọng đọc sách tiếng Anh còn rõ dấu ấn Việt). Dù “ông bà chủ” có mặt ở nhà, tôi không bao giờ cảm thấy bị áp lực.

Cặp vợ chồng thứ hai tôi đến giúp việc cũng cùng độ tuổi với cặp thứ nhất – gần 50 tuổi. Họ đều là luật sư và là người Canada. Họ không có con đẻ và đã sang Đài Loan nhận con nuôi. Từ khi còn nhỏ, hai đứa trẻ đã được bố mẹ giải thích thế nào là con nuôi, kể cho nghe câu chuyện chúng được các bảo mẫu nuôi nấng trong thời gian ở trại trẻ mồ côi thế nào rồi bố mẹ đến đón về ra sao. Họ cũng giúp con hiểu rằng, hai khái niệm con nuôi, con đẻ không liên quan gì đến tình cảm cha mẹ – con cái.

 

Phải nói là ở cả hai gia đình, lý do tôi được chọn chủ yếu vì biết nói tiếng Việt và tiếng Trung. Hơn nữa tôi có học, chồng có bằng tiến sĩ. Tại đây, trong số rất nhiều người đăng ký làm giúp việc, không ít người có trình độ cao, thậm chí cao hơn tôi. Trong số hơn 50 người đăng ký làm giúp việc cho gia đình cặp vợ chồng Canada, có 5 người được chọn để phỏng vấn và sau vòng đó, tôi là người được chọn ngay làm “nanny”.

Trẻ Tây tự lập một phần vì bố mẹ biết trân trọng osin - 0

“Nanny” trong tiếng Anh có thể dịch là bảo mẫu, người trông trẻ. Người giúp việc có thể tương đương với khái niệm “house-keeper”. Nhiệm vụ của nanny chỉ liên quan đến trông trẻ, chăm sóc trẻ, cho trẻ tham gia các hoạt động để phát triển (ăn, ngủ, học, chơi) nhưng có nhiều gia đình cũng yêu cầu nanny làm một số việc của một người giúp việc.

Khi tôi đến làm việc, ông bà chủ nói ngay rằng tôi không cần làm các việc dọn dẹp, giặt giũ, đi chợ, chỉ chăm trẻ con và nấu bữa tối. Bà chủ lúc nào cũng sắp sẵn nguyên liệu và tên món ăn cùng công thức. Mỗi hôm chỉ một món và đều là các món vô cùng đơn giản.

Tôi không phải là người dọn dẹp, đồ hai đứa trẻ bày ra thì chúng có trách nhiệm phải dọn. Tất nhiên vì trẻ còn bé (khi tôi đến thì bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ 4 tuổi) nên tôi lần nào cũng phụ cùng. Làm “ôsin” bên đây thực sự còn khó hơn ở Việt Nam bởi mình không làm hết mọi việc mà phải dạy bọn trẻ làm việc, phải thay bố mẹ giáo dục chúng tham gia vào công việc gia đình, chịu trách nhiệm chăm sóc bản thân và chia sẻ việc nhà với người lớn. Chính vì thế, hai con của gia đình tôi giúp việc luôn biết trách nhiệm của bản thân.

Có lần, thấy đã muộn và ông bà chủ sắp về, tôi tự đi dọn sau khi nhắc nhở vài lần mà bọn trẻ vẫn la cà thì cậu em – hiện 5 tuổi, lại gần bảo: “Cô không cần phải dọn cho bọn cháu, bọn cháu tự làm”. Cái giọng nói đó hệt như giọng của bố mẹ bé nhắc nhở con. Họ thường nói với các con rằng tôi không có trách nhiệm phải làm thay chúng.

Có lúc bọn trẻ xây lều, bày biện đủ thứ trong nhà rồi tự nhiên không muốn chơi nữa mà muốn ra ngoài tập thể thao. Chị lớn bảo em nhỏ phải dọn dẹp. Cậu em cằn nhằn kêu ca nhưng cuối cùng vẫn phải vào dọn. Tôi thấy thương nên bảo “Thôi cháu ra ngoài, cô dọn cho”. Thế là cậu nhóc ra ngoài chơi. Lúc sau, khi vào, thấy mọi thứ đã sạch sẽ, bé cun cút cảm ơn tôi, ra điều rất cảm kích. Bình thường, khi bé lớn đi học, ở nhà chỉ có tôi và bé nhỏ thì bạn ấy luôn giúp tôi rửa bát. Mặc dù nhà có máy rửa bát nhưng bé thích làm việc này. Thỉnh thoảng, khi đang chơi, thấy tôi làm gì, bé cũng chạy ra hỏi “Cháu giúp cô nấu ăn được không?”, “Cháu lau nhà nhé?”…

Không hẳn lúc nào bọn trẻ cũng “thiên thần” như vậy. Có nhiều lúc, đồ chơi bày ra bé cũng không chịu dọn. Nhưng đứa trẻ nào chả thế. Con mình cũng vậy, đặc biệt là bé mới 5 tuổi, lại là con trai. Nhưng bé biết mình có trách nhiệm phải làm, chẳng qua là nhiều khi mệt nên không thèm quan tâm nữa.

Hàng ngày, tôi nói tiếng Trung với lũ trẻ, cho hai bé làm bài tập, luyện đọc tiếng Anh. Khi đảm nhận vai trò là gia sư, tôi không bao giờ làm hộ trẻ. Có những lúc hai đứa lười làm bài tập, tôi nói không được thì cũng kệ đó. Bố mẹ trẻ mới là người xử lý khâu này. Khi về nhà, họ sẽ kêu con cái ra nói chuyện. Các bậc cha mẹ khi mời gia sư đến dạy con cũng phải xác định rằng, giúp trẻ hoàn thành mọi bài tập về nhà không phải là mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của gia sư. Vì vậy, họ không gây áp lực lên gia sư, không buộc gia sư phải làm hộ bài tập cho con mình.

Có lần, tôi đến trường gặp thầy giáo của các bé. Nghe thầy giới thiệu mình là “cô giáo” của hai trẻ, tôi sửa lại rằng mình chỉ là bảo mẫu thôi nhưng vị này vẫn nói “bảo mẫu cũng như là giáo viên mà”.

Cách đây không lâu, tôi đọc bài viết của một nhà giáo dục tại Việt Nam nói rằng trẻ ở Việt Nam hư vì có osin hay gia sư, tôi thấy không đúng. Người Việt cần thay đổi cách nhìn về vai trò của người giúp việc hay trông trẻ trong gia đình. Giáo viên, người trông trẻ cũng như cha mẹ đều có trách nhiệm như nhau đối với quá trình phát triển trưởng thành của một đứa trẻ. Mục đích của chúng ta đều là giáo dục trẻ trở thành một cá nhân có trách nhiệm, ý thức với bản thân, gia đình và xã hội. Kể cả khi người trông trẻ không có trình độ học vấn cao thì họ vẫn có thể đóng vai trò như một người bà, người cô họ, thím bác gì đó trong gia đình. Ở bên Tây, mối quan hệ qua lại, lâu dài, bền vững giữa người giúp việc với gia đình chủ, đặc biệt được coi trọng.

Trong thời gian làm giúp việc ở bên này, nhiều khi tôi chưa chỉn chu, cũng có lúc mắc lỗi nhưng chưa bao giờ bị ông bà chủ nói nặng lời câu nào. Họ cũng chưa bao giờ sai khiến, chỉ dẫn cái gì. Họ luôn tạo cơ hội cho tôi hỏi han mọi điều. Có bất cứ việc gì, họ chỉ dạy con mình chứ không bao giờ dạy người giúp việc. Họ luôn cố gắng tỏ ra tôn trọng tôi và tôi thừa hiểu họ đang làm gương cho con cái. Nhiều gia đình có gia sư hay ôsin ở Việt Nam không như vậy. Họ không nỗ lực biểu hiện thái độ tôn trọng, biết ơn người giúp việc nên con cái cũng không nghe lời và thậm chí còn có thái độ coi thường người làm nghề này – công việc này nghe có vẻ thấp hèn nhưng tối quan trọng vì nhiệm vụ của nó có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phát triển thể chất nhân cách của những đứa trẻ.

Theo Thu Hương / VnExpress


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan