Đền Trần có cái ấn, 4 chữ lớn được khắc trên ấn đền Trần là 塵廟 祀典 “Trần Miếu Tự Điển", có nghĩa là "Điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần". Một câu chẳng có ý nghĩa gì, vu vơ nội bộ, mà nhiều người chỉ nghe "ấn" là máu háo danh nổi lên.
Chưa tìm thấy tài liệu lịch sử ghi chép về tục khai ấn thời Trần trong lịch sử triều Trần. Nhà Trần kéo dài 175 năm với 13 đời hoàng đế chưa hề có cái trò "kỳ lạ" như ấn đền Trần ngày nay.
Lịch sử ghi nhận "khai ấn" chỉ là thủ tục khởi đầu cho một ngày tân niên làm việc của triều đình, hoặc là mở ấn ra đóng dấu một cái đầu năm rồi thôi.
Chẳng biết ai nghĩ ra trò làm cái ấn vuông kiểu giống của hoàng gia rồi lấy ấn đóng lên giấy phát tràn giang đại hải cho dân "lấy hên" đầu năm?
Chữ trên ấn còn thiếu nét nữa. Chữ Hán thiếu nét là sai nghĩa, sai chánh tả.
Tại sao mùi lễ hội tâm linh Miền Bắc có mòi sùng bái, mê tín, cúng kiếng linh đình, dạng háo danh, tìm tư lợi quan quyền như vậy?
Vì họ đang nắm quyền, tâm lý một người làm quan cả họ được nhờ, có quyền lực tất sanh ra những cái lợi và rất thừa mứa.
Dư của thì rậm rật và tâm lý muốn giữ mãi địa vị thượng đẳng đó nên cúng kiếng, rồi háo cái danh, chức quyền, muốn nhiều hơn, có nhà phố muốn biệt thự, có biệt thự muốn mua nhà bên Mỹ, lòng tham vô đáy.
Cái kiểu vừa có thông tin một ông cựu giám đốc CA Hải Phòng cất trong nhà có trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức…
Cái tâm lý không muốn làm mà muốn hưởng,không có học mà vẫn thăng quan vù vù, từ quan lan ra dân, tạo ra tâm lý phát cuồng tâm linh mà họ coi là bình thường.
Trong Miền Nam không có một nơi tâm linh nào có kiểu đóng ấn ban phước như đền Trần này.
Kể cả miếu Gia Long ở Lấp Vò hay lăng Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn, lăng Nguyễn Huỳnh Đức ở Khánh Hậu, lăng Lê Văn Duyệt ở Bình Hòa. Kinh đô Huế của họ Nguyễn có mấy chục cái ấn vuông cũng không dám có kiểu kỳ cục này.
Đơn giản là trong tâm lý người Nam Kỳ chuyện đóng ấn không quan trọng.
Đó là thói háo danh.
Có ai nhớ câu sấm Trạng Trình ?
“Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công suốt làng”
Trên đường chạy trốn do Tây Sơn đuổi, Lê Chiêu Thống bị dân lột cướp hết mũ mão, áo quần. Sau thì một đám dân rước vua về làng Vĩnh Lại ép vua lấy dấu đóng lên chiếu phong quận công gần hết làng. Ai dè sáng ra Tây Sơn tràn tới chém đầu cả làng quận công.
Đầu năm phải có ấn đền Trần để làm gì? Từ một hình thức bình thường thành "tín ngưỡng" ,"tâm linh" đầu năm là sao?
Lễ hội tâm linh đã thể hiện tâm lý của một thói quan quyền, thói háo danh. Nó có bà con với tham nhũng .
NGUYỄN GIA VIỆT
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC