Vì sao hay nhìn vào điểm xấu của người khác?
Nguyên nhân là bởi khi phê bình ai đó, sẽ cảm thấy một cảm giác được đề cao hơn một bậc. Điều này cũng giống như khi bơm hơi vào bánh xe, bởi trong nội tâm có lỗ hổng nên mới cần liên tục được thổi phồng. Tuy nhiên, càng thổi càng thêm mệt mỏi, càng muốn che giấu khuyết điểm thì lại càng tự ti vạn phần.
Người ta vì sao ưa thích nổi nóng?
Cũng lại vì tự ti. Nóng giận là để che giấu đi phần yếu kém của bản thân. Chỉ cần đập tay xuống bàn, ai dám lên tiếng hoài nghi năng lực của họ? Đó chính là lý do vì sao rất nhiều người thà rằng tức giận chứ nhất quyết không nhận sai sót về mình.
Bởi vì để nhận sai, cần phải có dũng khí phi thường mà chỉ những người can đảm mới bỏ qua sĩ diện để nhìn nhận thiếu sót của bản thân.
Tự tôn chỉ là thể diện bên ngoài, còn tự tin đến từ nội tâm
Có nhiều người thường tỏ ra kiêu ngạo, tự cao tự đại nhưng kỳ thực bên trong lại trống rỗng, vẻ ngoài cố tỏ ra ấy chỉ là để che giấu sự tự ti của mình. Một số người vốn tự ti nên càng ưa chuộng sĩ diện, hơn nữa lại càng sợ mất mặt, cố thổi phồng để phóng đại bản thân mình.
Có câu chuyện kể rằng:
Một con khỉ và một con sóc đã nhiều ngày không kiếm được thứ gì bỏ bụng. Trên đường đi, chúng phát hiện ra một hang động bên trong có tượng Phật và hai cái bình.
Con sóc cầu xin tượng Phật: “Chúng con đã nhịn đói mấy ngày liền chưa ăn uống gì cả, nếu cứ thế này nữa thì sẽ đói mà chết mất…”
Tượng Phật nói: “Ở đây có hai cái bình, một cái bình đựng đầy đồ ăn bên trong, còn một cái bình thì trống rỗng. Ngươi chỉ được phép quan sát để chọn một trong hai, và cũng chỉ được chọn một lần mà thôi”.
Con sóc liền quay về phía hai cái bình, ngắm nghía một hồi lâu và nói: “Tượng Phật đã nói vậy, nhưng xem ra cả hai cái bình này đều trống rỗng!”
Sóc vừa dứt lời, chiếc bình bên trái vội lên tiếng: “Ta mới không phải là bình rỗng…”
Sóc nghe nói vậy, liền sải tay ra lấy ngay chiếc bình bên phải. Khi nắp bình vừa mở ra, quả nhiên bên trong đều đầy ắp đồ ăn.
Khỉ lấy làm khó hiểu bèn thắc mắc hỏi: “Vì sao bạn biết bên trong cái bình này có đồ ăn?”
Sóc cười khoái chí nói: “Những kẻ trong lòng trống rỗng luôn sợ bị người ta chê là rỗng tuếch; còn những người trong lòng đã có đủ, thì dù bạn nói điều gì họ cũng chẳng bận tâm”.
Con người ta khi mặc cảm tự ti luôn muốn phân bua và thanh minh cho bản thân. Bạn hãy thử nghĩ xem, những người mà trong lòng tràn đầy sự tự tin, liệu có cần phải chứng minh điều đó với người khác không?
Câu trả lời là “Không!”. Bởi nếu bạn là Mặt trời bạn sẽ không cần phải thắp thêm đèn cho sáng, nếu bạn là biển khơi bạn cũng chẳng cần đổ thêm nước cho đầy.
Và theo bạn, những người tài năng có cần phải phô trương thanh thế hay không?
Đương nhiên không cần. Cũng giống như gió, gió vô hình và lặng lẽ nhưng lại có thể làm bật ngã cây đại thụ; nước nhu yếu hiền hoà nhưng có thể làm đá cứng phải mòn; mây nhẹ tựa khói sương nhưng có thể che khuất bầu trời ngàn sao sáng.
Trên thế giới này, người ôn nhu nhất cũng chính là người cường mạnh nhất, họ có đủ mạnh mẽ để biết tỏ ra mềm mỏng, có đủ kiên cường để biết nhẫn nại trước chông gai, và có đủ bao dung để cảm hoá mọi gươm đao.
Ví dụ có hai người đang tranh cãi nhau, giữa chừng một bên nhượng bộ bỏ qua trước vậy hỏi ai là người có phong độ hơn? Khi hai người đang trách cứ oán giận nhau, giữa chừng một người nhận lỗi trước, hỏi ai là có phong thái và độ lượng hơn?
Người có thực lực bên trong mới có thể buông bỏ sĩ diện tự ngã, người tự tin mới có thể khom được cái lưng xuống, người có tự trọng mới đủ khả năng nhún nhường.
Lão Tử nói: “Dĩ kỳ bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dự chi tranh”, ý rằng: Không tranh với ai cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình.
Đại dương bởi không kén chọn dòng to nhỏ mới có thể dung nạp trăm sông mà trở nên rộng lớn. Núi non không kén chọn đất rắn mềm mới có thể sừng sững uy nghi giữa trời đất.
Vậy nên, “lùi” nhưng kỳ thực là đang “tiến” vậy! Bởi vì bạn vĩnh viễn không cách nào đánh bại được một người mà họ không quan trọng thắng hay thua…
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC