Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại

Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại

Một trong số ít tu sĩ mang tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Phật giáo miền Nam Việt, nhất là trong khối Phật tử thuộc Giáo Hội Thống Nhất trước 1975, là Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

1 Tuong Niem Thich Tue Sy Khi Cai Chet Tro Nen Dieu Huyen Thoai

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1925-2023)

Thầy Tuệ Sỹ (từ đây Tuệ Sỹ) là một hình ảnh biểu hiện những đức hạnh của một tăng sĩ đạo Phật - từ vóc dáng thân thể đến lập trường, quan điểm trên bình diện thế gian.

Chuẩn mực cho lãng mạn và tưởng tượng

Điều rõ ràng nhất là Tuệ Sỹ đã từng đáp ứng được trí tưởng tượng cho số đông quần chúng nhà Phật, nhất là giới trí thức, văn nghệ. Là một thi sỹ dù Thầy là một học giả ưu việt về Phật học, trước tác và dịch thuật nhiều công trình cao sâu. Chính những tác phẩm cao sâu khó hiểu, khó lãnh hội đó đã làm cho trí tưởng tượng của trí thức Phật giáo về Thầy càng gia tăng cao độ.

Thêm nữa, bản án tử hình mà Thầy đã nhận lãnh ở thế kỷ trước ở miền Nam sau 1975 (đổi thành án chung thân) cho những hoạt động chính trị - cùng với Thầy Lê Mạnh Thát - đã trở nên một minh chứng cho ý lực nơi chữ Dũng của nhà Phật. Tức là Phật pháp không tách lìa khỏi thế gian. Tinh thần vô úy - không sợ hãi - của Thầy với bản án đó lại càng gia tăng cường độ ám ảnh cho giới Phật Tử về lòng can đảm trước những thử thách hiện sinh mà đã từ lâu cảm họ thấy bất lực trước thế cuộc. Thầy là một điểm tận cho ý chí dấn thân mà giới tri thức đã từ mấy chục năm qua hầu như mất hết mọi khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát.

Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt. Người đồng hành với Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, tức Thích Trí Siêu, thì nay chỉ còn chú tâm vào cổ sử học với ít nhiều sinh hoạt Phật giáo giới hạn. Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn. Chúng ta hãy chờ xem một thế hệ tăng sĩ và Phật tử có nối lại mối tương thông giữa đạo và đời nhằm đi tiếp con đường mà thế hệ Phật giáo Tiếp hiện - Engaged Buddhism - đã khơi nguồn.

Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước 1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn. Trong khi ở miền Bắc nơi chủ nghĩa quốc gia lãng mạn đã hóa thành ý chí chiến tranh, thì trí thức Phật giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền như là một phương cách vươn thoát khỏi vũng lầy hiện hữu.

2 Tuong Niem Thich Tue Sy Khi Cai Chet Tro Nen Dieu Huyen Thoai

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013

Nếu phía Bắc có Tố Hữu, Chế Lan Viên thì phía Nam có Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Trịnh Công Sơn và Tuệ Sỹ. Hai vế đối nghịch giữa hai văn hóa - chiến tranh và hòa bình - đã tạo nên một giòng sinh động âm dương phủ quyết nhau. Thầy Tuệ Sỹ nằm trong văn hóa giòng âm ở phía Nam.

Đối với chiến tranh thì trí thức văn nghệ miền Nam chỉ muốn hòa bình, trong khi miền Bắc quyết tâm chiến thắng. Từ đó, và cũng vì thế, thi ca cũng như cuộc đời Tuệ Sỹ là cả một bài thơ dài nhiều cung điệu bi tráng. Phật học đối với Thầy cần hương vị văn thơ để cho tư duy được chuyển động.

Đạo lý đối với Thầy cũng giống như thi văn, triết học. Những lý luận về tánh không, hư vô, hay thiền học đều ít nhiều mang nội dung thi ca. Cái khó lãnh hội thành ra một hố đen tư tưởng xuất hiện như những niềm cám dỗ cho cuộc đời đầy khổ nạn. Đạo Phật, do đó, là một con lộ vô cùng và sâu thẳm mà Thầy qua học thuật nghiêm chỉnh không muốn giáo lý cao siêu biến thành ảo vọng.

Niềm án trọng nơi cơ thân

Từ góc độ cá thể, khi nhìn hình dong nhỏ nhắn, nho nhã, ốm yếu, khuôn mặt thông tuệ và khiêm cam của Thầy đã làm cho nhiều người vốn đang bất mãn với tình hình Phật giáo trong nước có một tiêu chuẩn thân xác cho lý tưởng và ý niệm về giá trị nhà Phật.

Ý chí khổ hạnh trong hoài bão chân lý đã từ lâu là nỗi ám ảnh lớn khi hầu hết giới tăng lữ nhà Phật đã không còn theo đuổi ý hướng và ý chí pháp thân. Một trong những khó khăn của các tu sĩ nhà Phật là họ phải đáp ứng được trí tưởng tượng về một pháp thân tượng trưng cho con đường lao khổ trên đường đạo - đã là tu sĩ thì phải gầy gò, ốm yếu. Tinh thần cứu độ thế gian phải đi đôi với ý chí chiến thắng ái dục xác thân. Thầy mang hình ảnh lý tưởng đó.

Tuệ Sỹ đã như là một chiếc bè mong manh giữa biển sóng mạt pháp của nhà Phật. Khi tính ưu việt nơi giáo lý vô ngã của nhà Phật đã từ lâu trở nên một chiếc bẫy ngầm phủ định cho ý chí và tri thức, Tuệ Sỹ minh xác một năng lực ngã thức cho thế gian. Bài học tôn giáo cần phải chiêm nghiệm rằng, trong khi tu sĩ nhà Chúa hiến dâng cái ta cho Chúa, tức là hoán vị ngã thức cho ngoại thể, thì ngược lại, tu sĩ nhà Phật ôm lấy cái ngã của ta để cố gắng phủ nhận nó. Vì thế, nếu ai để tâm thì sẽ thấy tu sĩ nhà Chúa có vẻ như khiêm tốn, ít ngã mạn hơn là giới tu sĩ nhà Phật. Khi Tuệ Sỹ dâng cái ta cho trần thế, Thầy đã đạt đến cái hạnh của người con Phật.

Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân. Biện minh vô ngã, từ đó, đối với họ đã trở nên một biện minh cáo từ cho sự bất lực, lười biếng, yếu hèn. Giới tu Phật hiểu điều đó một cách mơ hồ - để rồi xây đắp cho họ những hình ảnh siêu nhân trong những huyền thoại tự cao. Nhiều Phật tử Việt trong và ngoài nước - vốn từ lâu bất mãn với tình trạng Phật giáo đầy nghi thức dài dòng, luộm thuộm, và những sinh hoạt mang mầu sắc kinh tế nơi các cơ sở, chùa chiền - đã xem Thầy Tuệ Sỹ như là một hình nhân cứu vớt cho nỗi niềm bất mãn ấy.

Hãy cứ là huyền thoại

Người Tây Âu có nói, nếu không muốn đánh mất niềm tin tôn giáo mình thì đừng tìm biết rõ giới tu sĩ. Khi tôn giáo - bất cứ tôn giáo nào - đã xây cho quần chúng những ngọn núi tưởng tượng đầy huyền hoặc, giới tu sĩ vô tình đã trở thành tù nhân trong con mắt thế gian. Vòng biên chế giới hạn của giới luật tu hành thay vì là một điều kiện thiết yếu cho ý chí giải thoát thì nay trở nên một năng lực phủ quyết.

Nhìn vào cuộc đời và hành trạng cũng như con người của Tuệ Sỹ thì cho những ai yêu trọng Phật giáo cảm nhận được một niềm an ủi lớn cho những nỗi băn khoăn về thế cuộc hiện nay. Có thể rằng, Thầy là một tu sĩ rất hiếm trong thời gian qua đã không mang khuyết điểm cá nhân - dù rằng ít nhiều thì giới Phật tử đã huyền thoại hóa Thầy để thỏa mãn niềm u uất trong tình huống bất lực của họ.

Hy vọng là Thầy đã vượt qua chướng ngại huyền thoại mà thế gian đem đến cho Thầy - vì đối với rất đông Phật tử miền Nam thì Tuệ Sỹ nay đã là một huyền thoại.

Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Luật gia, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm, người hiện sống ở San Jose, California, Hoa Kỳ.

Nguồn: BBC


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan