Đối với hành vi hoạt động mại dâm: Sinh viên vi phạm lần 1 bị kỷ luật khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn, lần 4 buộc thôi học.
Đây là quy định của Trường đại học Hoa Sen, trong Quy chế người học vừa được trường đại học này ban hành đầu tháng 11-2023.
Quy chế này áp dụng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các đối tượng đang theo học các chương trình, hình thức đào tạo của trường.
Từ nội dung trên, nảy ra mấy câu hỏi têu tếu nhưng không xa lạ với “sách” quản trị con người, nhất là lớp người đang ngồi ghế đại học, sau đại học.
Tình huống 1: Sinh viên mới rón rén đi lần đầu, nếu có cách nào đó vừa sư phạm, vừa nhân bản, vẫn có thể bảo toàn cho sinh viên tư thế để học tập và phấn đấu nhưng đã “cảnh cáo” là làm cho nhiều người biết, có lợi gì không ta?
Tình huống 2: Sinh viên mới đi có … ba lần nhưng mỗi lần thu vài ngàn USD, thậm chí có cuốc cả chục ngàn USD thì biện pháp khiển trách và cảnh cáo có ăn thua gì không ạ? Có làm cho các em sợ cái “kỷ luật” của trường đến nỗi chừa đến già không ạ?
Tình huống 3: Trong văn bản này nói rõ là hoạt động mại dâm. Hoạt động này nếu lồng trong vụ có tổ chức mua bán thì họ vào trại ngồi rồi, có còn điều kiện để thụ án cảnh cáo của trường không ạ?
Tình huống 4: Nếu một bạn trẻ nào yêu một cô sinh viên, sắp đến ngày cưới đôi trẻ mở lòng với nhau, sau một câu hỏi chân thành của chàng, nàng thổ lộ: “Em chưa bị nhà trường buộc thôi học” thì có cưới được không ạ?
Tình huống 5: Lần thứ ba buộc thôi học có thời hạn, thôi cứ ví như thời hạn đó là hai tuần, hai tuần buồn chán, nhàn nhã, liệu có phải là cách thúc đẩy cho nó nhanh đến lần thứ bốn không?
Tình huống 6: Ở Việt Nam ngưỡng chấp pháp gọi là “bỏ tù” còn có một cách hiểu là đi “học tập cải tạo”. Có thể hiểu trong các cách cải tạo (nhất là cải tạo tư tưởng), có một hình thức là … học tập.
Trường Đại học là một cơ sở giáo dục thượng đẳng, dạy sinh viên đủ thứ kiến thức từ đáy đại dương đến vũ trụ cao xanh. Vậy có thể mở một khoa đại loại là khoa “sau lần 4” để giáo dục các em sinh viên chỉ dùng vốn tự có làm chủ cuộc sống, hay nhất thiết phải đuổi học?
Tình huống 7: Đùng một cái, phát hiện ra sinh viên đã bước qua lần thứ … mười lăm nhưng kín đáo, vẫn học tập tốt, chấp hành các quy định khác của nhà trường, thì xử lý kiểu gì?
Vài dòng vậy để biết, muốn quản lý món kia, khó lắm. Nó không giống như quản lý rừng, biển, hay chất nổ. Cũng không giống quản lý, bảo tồn rùa, ba ba, cà cuống…
Nó cần trí tuệ và kiến thức nhiều hơn quyết tâm, ý chí của một… nhiệm kỳ.
Nguyễn Huy Cường
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC