Hai nữ tiếp viên hàng không người Việt bị bắt tại Hàn Quốc vì nghi vận chuyển ma túy
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Sở Cảnh sát thành phố Incheon, Hàn Quốc vừa bắt giữ hai nữ tiếp viên trong số bốn thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam vì nghi vấn buôn lậu tinh dầu cần sa.
Theo kết quả điều tra của cảnh sát, hai nữ tiếp viên trên nhận họ đã chuyển hàng hộ từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tiền công 68.000 - 150.000 won (khoảng 1,2 - 2,7 triệu đồng) cho mỗi lần chuyển hàng.
Các nữ tiếp viên cho biết họ chỉ nhận vận chuyển hàng, mà hoàn toàn không biết bên trong là cần sa.
Phía cảnh sát Incheon nhận định việc các tiếp viên hàng không Việt Nam nhận vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc để kiếm thêm thu nhập đã có từ lâu.
Tiếp viên hàng không biết sai mà vẫn làm?
Thật xấu hổ, đó là phản ứng của nhiều bạn đọc trước vụ việc này.
Bạn đọc Hương bình luận: "Tiếp viên hàng không phải biết rất rõ việc gì nên và không nên làm khi tham gia các chuyến bay. Việc trả lời không biết đó là hàng cấm là không thể chấp nhận được. Phải chăng họ coi thường pháp luật hoặc không được dạy dỗ bài bản. Thật xấu hổ!".
"Thật xấu hổ. Phải mạnh tay với việc xách tay của các nhân viên hàng không" - bạn đọc Lan Nguyên bày tỏ.
Theo bạn đọc Hoa Lê: "Người bình thường khi đi máy bay đã được dặn rằng khi ra sân bay ai nhờ mang hộ cái gì, kể cả chai nước cũng không được cầm hộ vì lỡ đó là ma túy. Huống hồ tiếp viên hàng không mà cứ nói một câu xanh rờn rằng không biết đó là cái gì, chỉ biết cầm hộ một cách khờ khạo vậy sao?".
Bức xúc hơn, bạn đọc Đình Thắng chỉ rõ: "Quy định nghề nghiệp là không được xách hộ hàng hóa, vậy mà vẫn làm vì tiền, tiếp tay cho buôn lậu!".
Không xử nghiêm sẽ làm xấu hình ảnh tiếp viên hàng không Việt Nam
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, một nhân viên hải quan sân bay quốc tế Incheon nói rằng họ sẽ tăng cường kiểm tra hành lý của tiếp viên các hãng hàng không đến từ Việt Nam.
Bạn đọc Thanh Tan có ý kiến: "Biết có khả năng tiếp tay cho hàng lậu, hàng cấm mà vẫn làm. Các hãng hàng không phải siết chặt quản lý, nếu không sẽ ảnh hưởng cả ngành hàng không của quốc gia mình".
"Quy định của hãng hàng không đề ra là không xách hộ bất cứ vật gì mà sao cứ để nhân viên vi phạm? Phải xử lý mạnh, không bao che làm xấu hình ảnh đất nước" - bạn đọc Lâm đề nghị.
Cùng quan điểm, bạn đọc Tôi là tôi cho rằng: "Tất cả mục đích mang hàng hóa không thông qua vận chuyển hợp pháp đều phục vụ cho mục đích phi pháp: trốn thuế hoặc hàng cấm, cần phải xử nghiêm".
Bạn đọc VT yêu cầu cơ quan hàng không Việt Nam phải kiểm tra gắt gao hành lý tiếp viên hàng không và phi hành đoàn trước khi xuất cảnh. Còn theo bạn đọc Khanh: "Nhân viên sai phạm thì quản lý phải bị cách chức để làm gương".
Cuối cùng, bạn đọc Tâm hiến kế giải pháp: "Đã đến lúc bắt buộc tất cả tiếp viên hàng không không được vận chuyển hộ, mà cần thông qua dịch vụ vận chuyển chính thống có kiểm soát. Hoặc chính các hãng hàng không cần có giải pháp kiểm tra chéo hành lý, tránh để những vụ việc tương tự ảnh hưởng hình ảnh tiếp viên hàng không Việt Nam nói chung".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC