Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế khai báo trước tò
Phiên tòa xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ cho thấy tòa án của Việt Nam xét xử như ‘mua bán’, về độ nghiêm minh còn kém xa so với thời Phong kiến, ý kiến từ giới quan sát vụ án nói với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 18/7/2023.
Thu tiền “chuộc tội”
Nhiều báo chính thống của Việt Nam vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến phiên xét xử sơ thẩm đại án “Chuyến bay giải cứu”. Trong đó, có nhiều bài viết về gia đình các bị cáo, đặc biệt với trường hợp bị cáo là cựu ‘thư ký’ cho một Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Trung Kiên, đã nộp bổ sung tiền được gọi là ‘khắc phục’ nhằm được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị.
Hay tương tự là việc gia đình Phó Chủ tịch Tỉnh Quảng Nam đã nộp ‘tiền khắc phục hậu quả’, bản thân bị cáo là con trong gia đình có cha mẹ đẻ ‘là thương binh’, ‘có bằng khen của Chính phủ về chống Covid’ v.v… và đề nghị được tòa cho hưởng khoan hồng, bên cạnh nhiều trường hợp khác cũng được cho là đã được gia đình, thân nhân “khẩn trương” nộp tiền khắc phục trước, và ngay trong khi phiên xử đang diễn ra.
Một trường hợp khác là cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, ‘người từ tháng 4 đến 12/2021, đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly’ và ‘được các công ty lữ hành nhờ cấp công văn với mức ‘lại quả’ 1-2 triệu đồng/khách’, theo cáo buộc, cũng đã nộp tiền ‘khắc phục hậu quả’, thừa nhận ‘sai phạm’ nhưng mong được Hội đồng Xét xử thông cảm về bối cảnh phạm tội và sự ‘ăn năn’, vẫn theo truyền thông Việt Nam hôm 18/7.
Bình luận từ Hà Nội về hình thức xử án được cho là ‘tạm dừng bánh xe công lý, để thu tiền chuộc tội này’, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQGHN) nói với RFA Tiếng Việt:
“Lẽ ra xử tiếp, tòa dừng lại để cho thân nhân các gia đình bị cáo ‘khắc phục hậu quả’, tức là nộp lại tiền nong, tôi thấy đó là điều lạ. Tại sao lại có thể nộp tiền để ‘khắc phục hậu quả’, để làm nhẹ tội mà tòa lại phải dừng lại trong quá trình xử?
Đề cập một trường hợp xử lý quan lại tham nhũng trong thời Phong kiến của Việt Nam vào thế kỷ XV, nhà nghiên cứu sử học này nói:
“Ngay ở thời đầu nhà Lê, tức là thời ông Lê Thái Tông (1423-1442), một viên quan Chuyển vận sứ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng nhận có hai tấm lụa thôi, lập tức đã bị chém đầu, người con của ông ta vì thương bố, xin nhận chết thay cho bố, nhưng không được. Quan Chuyển vận sứ đó chỉ nhận có hai tấm lụa thôi, mà bị chém đầu ngay.
Tuy hình phạt có thể là hà khắc ở chế độ ấy, nhưng hình luật phải là nghiêm minh thì mới có thể răn đe được tội phạm. Còn hình luật mà không nghiêm minh, nặng tay với người này, mà nhẹ tay với người kia, nó chỉ làm cho xã hội thêm rối loạn.”
‘Giống như mua bán, giễu cợt pháp luật’
Cũng bình luận về cách thức công lý tạm dừng, nhường bước cho chuộc tội bằng tiền đang diễn ra trong phiên xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”, từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi chưa thấy ở đâu lại làm như vậy, nếu các bị cáo có ‘thành tâm’ nộp tiền khắc phục thì những tiền này phải trả lại cho dân, đó là thứ tiền mà nhân đại dịch, lại ‘hút máu’ của người ta như thế, thì phải trả lại cho dân về mức vé chênh lệch trong cái gọi là ‘chuyến bay giải cứu’, vì đó là cướp đoạt.
Thế nhưng việc đó phải làm trước, chứ không phải là trong phiên tòa thì dừng lại rồi nói với người ta là hãy nộp tiền, điều đó giống như một sự mua bán, cực kỳ hài hước, nó tạo ra một hình ảnh không chuyên nghiệp và giễu cợt pháp luật.”
Bình luận về việc trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, có báo khen ngợi việc chính quyền xét xử vụ án một cách ‘thượng tôn pháp luật’, ‘công bằng’ và ‘nghiêm minh’, cũng như chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng ngày một thành công và nâng cao uy tín, bà Võ Thị Hảo nói với RFA:
“Nếu xử đúng người, đúng tội từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất với tất cả những người liên quan vụ án này, thì mới gọi là nghiêm minh và thượng tôn pháp luật. Và quan trọng nhất trước đó, các cơ quan quản lý không thể không biết (vụ việc), vì nhất cử nhất động họ (chính quyền, an ninh) đều có giám sát và có theo dõi, và bây giờ thời đại công nghệ thông tin như thế này, họ giám sát và theo dõi nên phải biết, nhưng tại sao để cho tất cả (vụ việc) đã xảy ra rồi, thì mới đưa ra (công luận, điều tra, xét xử), cái đó không phải là thượng tôn pháp luật…
Tôi nghĩ rằng hai ông (cựu) Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam để xảy ra việc này, tất nhiên các ông phải chịu trách nhiệm rồi, và các ông đã được ‘đồng ý’ cho ‘thôi nhiệm vụ’, và họ đã xin ‘rút lui’ mặc dù với lý do cá nhân, tất nhiên tôi nghĩ rằng nếu các ông này có tham gia mà có ‘nhận tiền, nhận quà, hối lộ’ trong vụ này, thì các ông ấy còn phải ‘chịu trách nhiệm hình sự’ trước pháp luật, nếu có. Thế nhưng những người như là ông Bộ trưởng Công an; hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước đây ông Trọng đã cấp giấy khen cho bên Công ty Việt Á, tất cả những việc đó tại sao ông Nguyễn Phú Trọng không nhận trách nhiệm? Và thông thường, nếu mà tự trọng, thì phải từ chức vì đã để xảy ra những vụ cực lớn trong thời gian ông tại vị, mặc dù ông đã có cổ động việc ‘đốt lò’, nhưng mà chứng tỏ là lỗi thể chế càng ngày càng bộc lộ kinh khủng dưới thời của ông Tổng Bí thư Trọng.”
Đánh giá nạn tham nhũng trong quan chức thuộc bộ máy của đảng và nhà nước ở Việt Nam và hiệu quả của công cuộc ‘đốt lò’ dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Văn Sinh nói:
“Tôi chưa tìm được một từ nào để nói về đặc trưng tham nhũng ở Việt Nam, theo tôi ở Việt Nam, nếu tiếp tục ‘đốt lò’ như hiện nay, mà không có một cải cách, một biện pháp nào khác, thì công cuộc chống tham nhũng theo nhận thức của tôi sẽ không có hồi kết, bằng chứng là kể từ khi ‘đốt lò’ đến nay đã gần 10 năm rồi, mà tình trạng tham nhũng không hề giảm, mà nó lại diễn biến ngày càng tinh vi hơn, trắng trợn hơn…
Và ông Lê Văn Sinh nói tiếp:
“Cách mà Việt Nam chống tham nhũng tốt nhất là học những quốc gia dân chủ chống tham nhũng như thế nào. Điều đó là quá rõ ràng, chỉ có điều là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam có muốn học bài học đó của họ hay là không mà thôi”, nhà nghiên cứu nêu quan điểm riêng.
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
Đài Á Châu Tự Do
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC