Vụ thâu tóm Công ty an ninh mạng Wiz sẽ là sự đặt cược lớn của Alphabet, công ty mẹ Google, vào công nghệ đám mây - Ảnh: REUTERS
Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất cho đến nay của Alphabet. Nó cũng là thương vụ hiếm hoi của một công ty công nghệ lớn diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang tăng cường giám sát lĩnh vực công nghệ khi mà các ông lớn trong mảng này ngày càng lớn mạnh hơn thông qua việc thâu tóm các công ty nhỏ.
Cạnh tranh công nghệ đám mây
Các tờ báo lớn như Wall Street Journal hay Hãng tin Bloomberg cho biết thương vụ của Alphabet đang tiến triển và sẽ sớm đạt được thỏa thuận. Wiz, ra đời năm 2020 tại Israel và hiện có trụ sở chính tại New York, là một trong những start-up phần mềm phát triển nhanh nhất toàn cầu, cung cấp giải pháp an ninh mạng dựa trên công nghệ đám mây với khả năng phát hiện và phản hồi mối đe dọa theo thời gian thực được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Wiz có doanh thu khoảng 350 triệu USD vào năm 2023 và hợp tác với hầu hết các ông lớn như Microsoft, Amazon và các công ty như Morgan Stanley, DocuSign... Gần đây Wiz đã huy động được 1 tỉ USD từ tài trợ tư nhân, điều hiếm hoi với các công ty ngoài lĩnh vực AI, giúp công ty này được định giá ở mức 12 tỉ USD.
Theo giới công nghệ, đây rõ ràng là nỗ lực của Google nhằm bắt kịp các đối thủ Microsoft và Amazon trong thị trường đám mây ngày càng cạnh tranh, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi của họ là tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Google đã tăng cường đầu tư vào nền tảng đám mây thời gian qua, trong đó có việc mua lại Công ty an ninh mạng Mandiant năm 2022. Hiện nay cơ hội đang tăng khi ngày càng nhiều start-up chuyển ứng dụng và dữ liệu của họ lên đám mây, đặc biệt là giữa cơn sốt AI.
"Việc mua Wiz hẳn sẽ khiến Microsoft và Amazon phải giật mình vì nó cho thấy Google đang "đặt cược lớn vào không gian an ninh mạng để bổ sung cho dịch vụ hàng đầu của họ trên đám mây"" - Đài CNN dẫn lời chuyên gia phân tích Dan Ives của Tổ chức Wedbush nhận định.
Vụ thâu tóm của Google diễn ra trong khi đối thủ Microsoft, nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng lớn nhất thế giới, lại dính nhiều vụ tấn công mạng trong những năm gần đây. Điều này đã tạo cơ hội cho Google thu hút thêm khách hàng. Một báo cáo của Chính phủ Mỹ hồi đầu năm nay chỉ trích Microsoft không ngăn chặn được việc tin tặc đánh cắp hộp thư điện tử của các quan chức Mỹ.
Theo giới quan sát, thương vụ với Wiz chắc chắn sẽ bị các cơ quan chống độc quyền của Mỹ soi kỹ, nhất là khi Google đang chờ đợi phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ với cáo buộc họ sử dụng những phương tiện bất hợp pháp để củng cố sự thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet.
Năm ngoái Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền thứ hai, cáo buộc Google có các hành vi không công bằng trong hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo.
Dữ liệu: Reuters - Nguồn: TRẦN PHƯƠNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Thâu tóm trong thị trường an ninh mạng
Trong phát biểu sau khi xuất hiện thông tin sáp nhập, CEO Assaf Rappaport của Wiz nhấn mạnh việc hợp nhất trong thị trường an ninh mạng hiện đang bị phân mảnh và hoạt động thâu tóm, sáp nhập chỉ mới bắt đầu tăng mạnh.
"Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi nghĩ việc hợp nhất trong thị trường bảo mật thực sự đang ở giai đoạn sơ khai. Thị trường đang quá phân mảnh và chúng ta sắp chứng kiến sự hợp nhất" - tờ Fortune dẫn lời ông Rappaport, cho rằng các công ty đang có xu hướng dồn các biện pháp an ninh vào một nền tảng an toàn hơn.
Mới tuần trước nhà mạng AT&T tiết lộ gần như tất cả hồ sơ cuộc gọi và tin nhắn của khách hàng sử dụng mạng di động của họ đã bị lộ trong một vụ rò rỉ lớn do việc "tải xuống bất hợp pháp" trên nền tảng đám mây của bên thứ ba.
Ông Rappaport cho rằng chính nhu cầu hợp nhất đó là lý do khiến Wiz huy động được nguồn vốn khổng lồ vào đầu năm nay. Theo ông, dấu mốc của ngành an ninh mạng là đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020 khi các công ty chuyển hoạt động kinh doanh sang trực tuyến, tạo cơ hội cho các công ty chuyên bảo vệ dữ liệu trên đám mây.
"Tôi từng cảm thấy đây là thời điểm tồi tệ nhất để thành lập công ty. Nhìn lại thì không phải vậy", ông chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, nếu vụ thâu tóm Wiz thành công sẽ giúp củng cố an ninh đám mây, phần quan trọng nhất của an ninh mạng, giữa lúc các doanh nghiệp đang đối mặt với nạn mã độc tống tiền. "Thị trường bảo mật đám mây đang rất nóng" - ông Jerome Seguera, nhà phân tích cấp cao của Công ty an ninh mạng MalwareBytes, đánh giá với Reuters.
Thương vụ lớn nhất của Google
Mặc dù có giá trị thị trường hơn 2.000 tỉ USD, Google vẫn luôn thận trọng trong việc thâu tóm, trong khi đối thủ Microsoft liên tiếp chi 26 tỉ USD mua LinkedIn, 75 tỉ USD mua ActivisionBlizzard.
Thỏa thuận mua lại Wiz sẽ là cú thâu tóm lớn nhất của Google cho đến nay, sau vụ mua Motorola Mobility trị giá 12,5 tỉ USD vào năm 2012. Các thương vụ khác của Google thời gian qua như mua Fitbit (2,1 tỉ USD), Nest Labs (3,2 tỉ USD), YouTube, DoubleClick, Looker và Waze.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC