Tháng 4/2021, sau cuộc tìm kiếm 5 ngày, mảnh vỡ của tàu ngầm Indonesia KRI Nanggala được tìm thấy ở độ sâu 838 mét dưới đáy biển Bali. Tàu bị vỡ thành 3 mảnh. Toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng.
Nguyên nhân chính xác của vụ việc vẫn chưa được làm rõ. Giới chức Indonesia đã loại trừ nguyên nhân do lỗi con người. Hiện chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch trục vớt tàu ngầm với sự trợ giúp của Trung Quốc.
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia. Ảnh: Getty
Các vụ chìm tàu ngầm thường ít khi xảy ra, nhưng lại luôn dẫn đến cái chết và nguyên nhân của các tai nạn này thường khó có thể điều tra cặn kẽ.
Năm 1968, có tới 4 tàu ngầm của 4 nước bị mất tích chỉ trong vòng 5 tháng. Hơn 50 năm sau, nguyên nhân của cả 4 sự cố này đều chưa được giải đáp.
Tàu ngầm INS Dakar của Israel
INS Dakar là tàu ngầm lớp T của Israel, được vận hành năm 1943 và từng phục vụ trong Hải quân Anh với tên gọi HMS Totem trước khi được Israel mua lại năm 1965.
Sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm ở Scotland, tàu Dakar dự kiến sẽ tới buổi lễ chào đón ở Israel vào ngày 29/1/1968. Tàu ngầm Dakar tới Gibraltar vào ngày 15/1, báo cáo vị trí của nó ở phía đông Crete vào ngày 24/1, và gửi thông điệp cuối cùng ngay sau nửa đêm ngày 25/1.
Tàu ngầm INS Dakar của Israel năm 1968. Ảnh: IDF
Sau khi xác định tàu ngầm Dakar mất tích, các tàu của Anh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Israel đã tìm kiếm suốt nhiều ngày liền, dù nỗ lực này bị làm phức tạp bởi những căng thẳng trong khu vực.
Không phát hiện được bất cứ manh mối nào, cuộc tìm kiếm chính thức kết thúc vào ngày 4/2, nhưng phải đến năm 1981, 69 thành viên trên tàu mới chính thức được tuyên bố là đã chết.
Năm 1991, xác tàu được phát hiện ở khu vực giữa Crete và Cyprus ở độ sâu 2.987 mét dưới đáy biển.
Nguyên nhân tàu ngầm Dakar bị chìm chưa bao giờ được xác định. Israel ban đầu tin rằng Liên Xô có thể chịu trách nhiệm về vụ việc này nhưng sau đó đã loại trừ hành động thù địch. Lý do là vì, tàu Dakar không mang ngư lôi và xác tàu gần như vẫn còn nguyên vẹn, một vụ nổ bên trong cũng khó có khả năng xảy ra.
Các giả thuyết cho rằng lỗi kỹ thuật hoặc lỗi do con người đã gây ra thảm họa này hoặc ống thông hơi của tàu bị vỡ sau khi va phải một con tàu khác trong cơn bão, khiến nước tràn vào bên trong tàu.
Tàu ngầm Minerve của Hải quân Pháp
Minerve là tàu ngầm lớp Daphné của Hải quân Pháp, vận hành năm 1961. Tàu đóng ở căn cứ Toulon, thủy thủ đoàn gồm 52 người.
Tàu ngầm Minerve của Hải quân Pháp, không rõ ngày chụp. Ảnh: Getty
Ngày 27/1/1968, tàu ngầm Minerve gặp phải thời tiết xấu trên đường trở về Toulon sau chiến dịch huấn luyện ở Địa Trung Hải.
Khi còn cách bờ biển phía Nam nước Pháp 48km, tàu Minerve liên lạc với máy bay Pháp và thông báo sẽ cập cảng trong khoảng 1 giờ sau đó.
Tuy nhiên, tàu Minerve đã không bao giờ cập cảng. Một cuộc tìm kiếm được tiến hành với 20 tàu thuyền và máy bay, trong đó có cả tàu sân bay Clemenceau, nhưng đã bị đình chỉ vào ngày 2/2. Các cuộc tìm kiếm nhiều năm sau đó đều không phát hiện được tàu ngầm Minerve.
Đến năm 2019, tàu Minerve được phát hiện bởi công ty vẽ bản đồ đáy biển Ocean Infinity của Mỹ.
Tàu Minerve nằm ở vị trí cách Toulon 45km, ở độ sâu 2.377 mét. Con tàu bị vỡ làm 3 mảnh. Chính phủ Pháp quyết định không trục vớt con tàu, đồng nghĩa với việc nguyên nhân khiến con tàu gặp nạn sẽ không bao giờ được giải đáp.
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô
K-129 là tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng điện-diesel lớp Golf II của Liên Xô, được vận hành năm 1959. Tàu K-129 thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô, thủy thủ đoàn gồm 98 người, mang theo 3 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SMBM) SS-N-5.
Ngày 8/3/1968, gần 2 tuần sau khi bắt đầu chuyến tuần tra phía Bắc Thái Bình Dương, tàu K-129 không gửi tin liên lạc theo lịch trình qua radio. Liên Xô ngay lập tức triển khai một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn với 36 tàu và hàng chục máy bay.
Một tàu ngầm lớp Golf II của Liên Xô năm 1985. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Sau 2 tháng không phát hiện được manh mối gì về tàu K-129, Liên Xô bỏ cuộc. Tuy nhiên Hải quân Mỹ thì không.
Trước cuộc tìm kiếm quy mô lớn của Liên Xô, người Mỹ cho rằng có thứ gì đó rất giá trị đã bị mất, và nhờ các thiết bị dưới nước, Mỹ đã phát hiện tàu K-129 vào ngày 20/8.
Xác tàu nằm ở vị trí cách Hawaii 2.414km về phía Tây Bắc, ở độ sâu 5.029 mét so với mặt nước biển. CIA rất háo hức muốn có được các bảng mã, tên lửa SS-N-5 và ngư lôi hạt nhân, nên đã thiết lập một kế hoạch có tên Dự án Azorian để trục vớt tàu ngầm Liên Xô.
CIA đã thuyết phục tỷ phú Howard Hughes sử dụng công ty khai thác biển sâu Global Marine Inc. để làm bình phong cho con tàu được CIA cấp ngân sách nhằm trục vớt tàu K-129 và đưa nó về Mỹ.
Năm 1974, con tàu Hughes Glomar Explorer đã trục vớt thành công 1/3 con tàu K-129. Ngoài 6 mảnh vỡ (bị vùi dưới đáy biển), CIA chưa bao giờ công khai tiết lộ những gì họ phát hiện được. Người ta cho rằng, Mỹ đã có được 2 ngư lôi hạt nhân và các thiết bị tình báo khác.
Nguyên nhân tàu K-129 gặp nạn chưa bao giờ được giải đáp, và do tính tối mật của Dự án Azorian, điều đó gần như sẽ không bao giờ được biết đến.
Tàu USS Scorpion của Mỹ
Gần 3 tháng sau vụ tàu K-129 mất tích, tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân lớp Skipjack của Mỹ với 99 người trên tàu đã mất tích ở Đại Tây Dương khi trên đường trở về sau chuyến tuần tra ở Địa Trung Hải.
Được vận hành năm 1959, tàu Scorpion “nổi tiếng” vì những vấn đề kỹ thuật, tới mức thủy thủ đoàn gọi nó là “USS Scrapion”. Tàu được sửa chữa một cách vội vã vào năm 1967 trước khi thực hiện chuyến tuần tra Địa Trung Hải vào ngày 15/2/1968.
Tàu ngầm Scorpion tại Groton, Connecticut ngày 19/12/1959. Ảnh: Hải quân Mỹ
Đến cuối hành trình tuần tra, tàu Scorpion được lệnh giám sát các hoạt động hải quân của Liên Xô ngoài khơi quần đảo Canary. Ngày 21/5, tàu Scorpion liên lạc qua radio rằng tàu đang ở cách Azores (Bồ Đào Nha) 80km về phía Nam và dự kiến trở về Norfolk vào ngày 27/5.
Nhưng tàu Scorpion đã không thể trở về. Một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn được triển khai với hàng chục tàu nổi, tàu ngầm, máy bay ở cả 2 bờ Đại Tây Dương, nhưng đến ngày 5/6, tàu Scorpion và các thủy thủ đoàn được tuyên bố là “đã mất tích”.
Các cuộc tìm kiếm vẫn diễn ra sau đó, và đến ngày 29/10, xác tàu được phát hiện cách Azores 643km về phía Tây Nam, ở độ sâu 3.048 mét. Con tàu đã vỡ làm 3 mảnh.
Hải quân Mỹ chưa bao giờ tìm ra nguyên nhân khiến tàu bị đắm. Mỹ nhận định nguyên nhân bắt nguồn từ việc một ngư lôi Mark 37 vô tình bị kích hoạt, sau đó phóng khỏi tàu USS Scorpion và khóa mục tiêu vào chính chiếc tàu ngầm xấu số. Một vụ nổ ngư lôi trong khoang chứa cũng là giả thuyết được các nhà điều tra đưa ra để giải thích cho vụ tai nạn.
Việc không có câu trả lời chính xác cũng dẫn đến nhiều thuyết âm mưu, trong đó có cả giả thuyết cho rằng Hải quân Liên Xô đã đánh chìm tàu ngầm Scorpion để đáp trả vụ mất tàu K-129. Một số quan chức Hải quân Liên Xô cho rằng tàu K-129 bị chìm là do va chạm với tàu ngầm USS Swordfish của Mỹ cũng hoạt động cùng thời điểm ở Thái Bình Dương.
Scorpion là một trong hai tàu ngầm năng lượng hạt nhân mà Hải quân Mỹ bị mất. Con tàu còn lại là USS Thresher bị chìm ngoài khơi Massachusetts năm 1963./.
Hoàng Phạm (biên dịch)
Theo Business Insider
Nguồn: vov.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC