Gu cà phê ở các quốc gia trên thế giới khác nhau như thế nào?

Cà phê từ lâu đã không còn đơn giản là món nước thông thường, nó đã len lỏi, ngấm vào đời sống và trở thành nét văn hóa mang tính toàn cầu.

 

Có người uống cà phê để thưởng cái vị đắng đót riêng biệt, có người uống để tỉnh táo nhưng cũng có người chỉ đơn giản để thỏa cơn “nghiện” của mình.

Dù mang tính phổ biến nhưng ở mỗi quốc gia khác nhau, với bản sắc riêng biệt dẫn đến cách thưởng thức cà phê vì thế cũng khác đi, độc đáo và mang đậm màu sắc bản địa.

Mazagran, Bồ Đào Nha

Nếu chúng ta đã quen với việc cà phê phải pha với sữa thì ở Bồ Đào Nha, người dân lại cực kì ưa chuộng món cà phê pha chanh mát lạnh.

Mazagran thực chất là tên thật của một pháo đài ở Alegria. Một tốp quân đội chiếm pháo đài đã tự chế ra món cà phê pha chút chanh mát lạnh vừa giúp tỉnh táo đêm khuya và chống lại cái nóng của Châu Phi.

Mazagran sau này đã trở thành món uống phổ biến trong bộ phận người Pháp và Bồ Đào Nha. Để thưởng thức món cà phê này hết sức đơn giản, bạn chỉ cần đổ hai tách exspresso và nước cốt chanh vào một ly cao, thêm đường cho vừa uống và một ít đá viên. Như vậy đã có một ly cà phê mát lạnh cho trưa hè nóng nực rồi đấy!

Eiskaffee, Đức

Eiskaffee đích thị dành cho những ai thích sự ngọt ngào. Vị beo béo của kem lạnh lơ lửng trong lớp cà phê đắng kết hợp cùng tầng kem whipping ngọt ngào và một ít vụn choco đã tạo nên thứ đồ uống hấp dẫn khó cưỡng, vực lại tinh thần sau cơn mệt mỏi.

Eiskaffee (trong tiếng Đức có nghĩa là “cà phê kem lạnh”) đã chinh phục khẩu vị của người dân nước Đức và trở thành món đồ uống “quốc dân” của đất nước này.

Gu cà phê ở các quốc gia trên thế giới khác nhau như thế nào? - 0

Cà phê sữa đá, Việt Nam

Cũng như phở hay bánh mì, cà phê sữa đá cũng được xem là biểu tượng ẩm thực và là món uống không thể bỏ qua của bất kì du khách nào khi ghé đến Việt Nam.

Không giống những nước khác thường sử dụng cà phê pha sẵn, cà phê bột,…Việt Nam sử dụng loại cà phê xay nhuyễn, cho vào loại phin đặc trưng của bản xứ, sau đó đổ nước sôi vào.

Từng giọt cà phê sóng sánh, chảy qua thứ phin đặc biệt ấy hòa cùng sữa đặc, cho thêm đá đã tạo nên ly cà phê sữa đá đậm đà, đắng đót nhưng cũng thanh ngọt làm say lòng bao người.

Café Au Lait, Pháp

Au Lait – một cái tên đậm chất Pháp, là loại cà phê được pha chế hết sức đơn giản chỉ việc pha trộn giữa một shot espresso và một phần sữa nóng. Người Pháp có thói quen uống cà phê sáng cùng bánh mì baguette hoặc bánh sừng bò, chính vì vậy, Au Lait đặc biệt được pha chế với cốc miệng rộng để tiện cho việc chấm bánh mì. Với công thức đơn giản như thế, bạn dễ dàng có một bữa sáng đúng chất Pháp tại gia mà không cần mất công đi đâu xa xôi.

Frappe, Hy Lạp

Frappe trong tiếng Pháp mang ý nghĩa “ướp lạnh”, nó là loại cà phê hòa tan đánh sủi bọt hết sức độc đáo, được biết đến như biểu tượng của đất nước Hy Lạp. Người Hy Lạp thích uống cà phê Frappe vào dịp hè nhằm xua đi cái nóng hừng hực trong người.

Một ngụm thôi cũng đủ giúp họ tỉnh táo và lên dây cót tinh thần cho công việc. Cách pha Frappe có phần nhập nhằng giữa các bước: bước đầu cho cà phê bột vào ly, thêm một thìa cà phê đường và một ít nước đá.

Dùng máy trộn tay (handmixer) khuấy mạnh cho đến khi cà phê sủi bọt, đoạn cho đá và rót một thêm một ít nước lạnh là bạn đã hoàn thành bước cuối cùng.

Frappe thường được pha chế khá đậm, nếu dùng không quen, bạn có thể thêm nước để pha loãng cà phê hoặc thêm đường vào để tăng độ ngọt.

Yuanyang, HongKong

Yuanyang còn được biết đến dưới tên gọi “Uyên ương”, là sự kết hợp độc đáo giữa trà, cà phê và sữa đặc. Với quan niệm cà phê sinh nhiệt, trà sinh thanh mát, người HongKong đã tìm cách chế biến ra món cà phê Yuanyang này nhằm mục đích cân bằng cơ thể và đảm bảo sức khỏe.

Một tầng sữa đặc dưới một lớp cà phê, sau lại hòa trộn cùng trà đen tạo nên hương vị vừa đắng, vừa thanh lại vừa ngọt ngào. Bỏ thêm chút đã viên thì Yuanyang càng trở nên tuyệt vời hơn cho người thưởng thức.

Gu cà phê ở các quốc gia trên thế giới khác nhau như thế nào? - 1

Kaisermelange, Áo

Trứng và cà phê là một hỗn hợp tưởng chừng khó kết hợp, nghe đến đã cảm giác đầy bụng, khó tiêu nhưng ở Áo đây lại được xem là một tổ hợp cà phê ngon lành và mang ý nghĩa biểu tượng cho đất nước này. Lòng đỏ trứng cùng hai thìa mật ong được đánh đều tay và rót từ từ cà phê vào tạo nên món cà phê Kaisermelange thơm lừng, béo ngậy.

Marocchino, Ý

Xuất phát từ thành phố Alessandria – Ý, Marocchino là tổ hợp của 3 nguyên liệu chính: 1 shot espresso đậm đặc, sữa béo và bột cacao. Cách làm hết sức đơn giản, bạn chỉ việc đổ sữa vào expresso, sau đó rắc một lớp bột cacao lên trên là bạn đã có một ly Marocchino nóng hổi, dậy mùi cà phê cùng vị thanh béo của sữa và ngòn ngọt của lớp cacao.

Irish coffee, Ireland

Irish coffee là một loại cà phê không hề dễ làm. Muốn có Irish coffee đúng điệu, trước hết bạn phải trụng ly qua nước nóng, lau khô và rót whiskey vào, bỏ thêm một muỗng đường nâu, khuấy đều. Rót cà phê nóng vào và chờ đến khi cà phê hòa tan vào rượu, bạn mới bắt whipping lên trên.

Cái ngon của Irish là thưởng thức hương vị cà phê ấm nóng xuyên qua lớp kem beo béo, mát lạnh. Lý tưởng nhất là thưởng thức Irish coffee vào những ngày lạnh, nhấp một ngụm và để sức nóng của rượu ngấm vào người trong vị đắng đót của cà phê và ngọt dịu của đường nâu.

Theo Vương Tuyền - Elle.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan